Chúng ta

'Đồng đội' và 'Đổi mới' là chất liệu cho sáng kiến 'Vàng' iKhiến 2024 đầu tiên

Thứ năm, 18/7/2024 | 14:05 GMT+7

Thấu hiểu nỗi vất vả của đồng đội ở "tiền tuyến", nhóm bạn trẻ ở FPT Telecom quyết tâm vượt qua các vấn đề hóc búa và áp lực thời gian, để tạo ra công cụ tự động giúp thực hiện công việc nhanh hơn 9 lần. Sáng kiến đổi mới sau đó được "nhân" trên toàn quốc, đem lại nhiều giá trị tích cực cho FPT Telecom, đồng thời giúp team giành giải Vàng trong chung khảo số 1 iKhiến 2024.

-4508-1721276208.jpg

PT Auto Test đã được hoàn thành vào tháng 4-2024 bởi ba thành viên: Nguyễn Thiên Ân Phúc (trái) - Trịnh Thị Mỹ Hạnh (giữa) - Đỗ Cao Trí (phải).

Chung khảo số 1 của iKhiến 2024 diễn ra ngày 26/6 vừa qua chứng kiến 6 nhóm sáng kiến của bảng B (Sáng kiến về công cụ quy trình làm việc) bảo vệ thành công trước hội đồng giám khảo. 6 giải Vàng, Bạc và Đồng đã được trao cho các sáng kiến xuất sắc, trong đó giải Vàng chung khảo số 1 được trao cho sáng kiến PT Auto Test (PT AT) tới từ FPT Telecom.

Ý tưởng sáng kiến được hình thành trong bối cảnh FPT Telecom đẩy mạnh chuyển đổi hàng loạt modem của khách hàng toàn quốc sang sản phẩm Wifi 6 mới nhất, giúp tăng cường trải nghiệm của người dùng. Tương ứng với đó là một số lượng tương đương các thiết bị modem wifi 4, 5 được thu hồi nhằm mục đích tái sử dụng các thiết bị này, tránh gây lãng phí thất thoát. Mục tiêu này đòi hỏi các thiết bị thu hồi phải được kiểm tra, sàng lọc, dẫn đến phát sinh khối lượng công việc khổng lồ và ngốn rất nhiều thời gian mỗi con người để thực hiện, đặc biệt đối với các đội trưởng. Do đó, PT Auto Test (PT AT) đã được sáng tạo đúng thời điểm, có thể tự động hóa mọi khâu kiểm tra, giúp giải phóng nguồn lực con người và đóng vai trò quan trọng trong dự án SWAP Wifi 6 của nhà "Cáo".

-3007-1721276208.jpg

PT AT là công cụ hỗ trợ kiểm tra các thiết bị thu hồi được nhập về kho để tái sử dụng khi Triển khai/Bảo trì dịch vụ Internet, đã được FPT Telecom triển khai toàn quốc.

Đại diện nhóm, chị Trịnh Thị Mỹ Hạnh cho biết, trong quá trình phát triển và hoàn thiện sáng kiến này, nhóm đã gặp nhiều khó khăn, nhiều bài toán phải giải đáp. “Không thể cấu hình một tài khoản cho nhiều modem đồng thời được, do đó nhóm phải làm lần lượt. Hơn nữa tất cả modem đều có IP giống nhau nên nhóm cần đảm bảo thao tác đúng modem cần test. Sau thời gian nghiên cứu, team đã nghĩ ra phương án sử dụng các loại switch tồn kho để điều khiển việc cài đặt và test modem”, chị Hạnh nói.

Ngoài những vấn đề về kỹ thuật chuyên môn, áp lực về thời gian cũng là một thử thách không nhỏ đối với nhóm sáng kiến. Do tính cấp bách của vấn đề trước mắt, trong thời gian 45 ngày, nhóm đã khẩn trương triển khai thực hiện không quản ngày đêm để hoàn thành sáng kiến. “Hành trình phát triển sáng kiến rất đáng nhớ vì mỗi khi suy nghĩ ra đc ý tưởng nào đó thì nhóm sẽ cố gắng thật nhanh để thử nghiệm xem nó có ổn không, chạy được không. Vì ham làm và đam mê quá, nên cả nhóm làm đến tối muộn lúc nào cũng không hay”, chị Hạnh vui vẻ chia sẻ.

Sáng kiến PT AT được hoàn thành và triển khai trên toàn quốc, đã thay thế toàn bộ khâu kiểm thử thiết bị cho toàn bộ đội ngũ cán bộ thực hiện dự án SWAP Wifi 6. Đại diện nhóm cho rằng, trong tất cả những lợi ích mà Tool PT AT đem lại, quan trọng nhất là có thể giúp giảm bớt lượng công việc cho các đội trưởng, tiết kiệm thêm nhiều thời gian hơn và nâng cao chất lượng công việc.

Đi sâu vào chi tiết, nếu so sánh cùng số lượng thiết bị, thực hiện bằng PT AT nhanh hơn 9 lần so với thực hiện bằng tay thông thường. Mỗi tháng, tool PT AT sẽ tiết kiệm cho các đội trưởng 5-7 manday (ngày công/người) và trung bình 480 manday cho toàn chi nhánh để làm các công việc khác. Ngoài ra, Tool PT AT cho phép kiểm tra thiết bị hàng ngày mà không ảnh hưởng nhiều đến các công việc khác, và số lượng thiết bị kiểm tra có thể tăng từ 1,5-3 lần tùy vào mức độ sử dụng. Sáng kiến PT AT còn làm tăng 65% số lượng thiết bị tái sử dụng đầu ra, cũng như đảm bảo 100% chất lượng của các thiết bị.

-1496-1721276208.jpg

Nhóm sáng kiến PT AT bảo vệ trước Hội đồng giám khảo trong buổi Chung khảo 1.

Ngay sau khi vượt qua vòng Chung khảo, nhóm sáng kiến “vàng” của FTEL đã lên kế hoạch phát triển thêm về sản phẩm, cũng như chuẩn bị tinh thần cho vòng Bán kết sắp tới, diễn ra vào tháng 11. “Dự kiến nhóm sẽ phát triển thêm các dòng Access Point, sau đó là Box IPTV cho sáng kiến này. Ngoài ra nhóm cũng sẽ tập trung hết sức lực vào hoàn thiện sản phẩm và hỗ trợ các chi nhánh triển khai trên toàn quốc”, chị Mỹ Hạnh cho hay.

Nói về trải nghiệm của nhóm khi tham gia chương trình iKhiến, chị Hạnh bày tỏ, đây là “kết quả ngoài sự mong đợi”, kèm theo đó là niềm vui và sự bất ngờ của người lần đầu tham gia dự thi giải thưởng này. Đây là động lực không nhỏ để nhóm sáng kiến phát triển hơn và tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo hơn trong tương lai. Đại diện nhóm cũng không quên gửi lời cảm ơn tới các anh, chị đồng nghiệp tại FPT Telecom và các đơn vị khác đã đóng góp và hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.

Theo chị Mỹ Hạnh, chương trình iKhiến là môi trường “màu mỡ” để người tham gia có cơ hội học hỏi các bậc “tiền bối” trong Hội đồng thẩm định. “Ở đơn vị mình cũng rất đề cao và chú trọng tính sáng tạo. Mọi người hay nói vui là đổi mới, hoặc đổi người”, chị Hạnh chia sẻ thêm về tinh thần “iKhiến” tại đơn vị.

Khởi động từ năm 2017, chương trình iKhiến đã không chỉ thành công trong việc gìn giữ và thúc đẩy "Gen đổi mới sáng tạo" của FPT, mà còn tạo động lực để các tác giả nghĩ bài toán lớn, áp dụng rộng hơn khi lên ý tưởng và triển khai sáng kiến​. Qua đó góp phần quan trọng trong việc nhân rộng thành công các sáng kiến, đồng thời thúc đẩy mở rộng mạng lưới các nhà sáng tạo trong tập đoàn.

Tính đến hiện tại, iKhiến 2024 ghi nhận 2.510 sáng kiến nộp về các đơn vị, lũy kế đạt 8.547 sáng kiến, thực sự trở thành sân chơi thúc đẩy văn hóa sáng tạo lớn nhất tập đoàn. Chỉ tình riêng trong năm ngoái, iKhiến 2023 đã thu hút 2.906 sáng kiến, 62 sáng kiến vào vòng chung khảo được thẩm định mang lại cho tập đoàn giá trị trên 1.000 tỷ đồng, 5 sáng kiến được đề nghị nhân rộng.

Tham gia gửi sáng kiến ngay TẠI ĐÂY.

Duc Trung

Ý kiến

()