Trong bối cảnh thương mại điện tử và thanh toán số tại Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu của người dùng đối với các phương thức thanh toán đa dạng, tiện lợi và bảo mật cũng tăng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái FPT lại sử dụng một phương thức thanh toán riêng biệt. Điều này đã trực tiếp tạo ra những trải nghiệm không đồng nhất và gây nhiều bất tiện cho khách hàng.
Nhóm sáng kiến FPT Pay v3.0 trình bày trong buổi chung khảo. |
Việc phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau để thanh toán các dịch vụ khác nhau là một trong những trở ngại lớn nhất, gây ra sự bất tiện và làm giảm sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán cũ còn phụ thuộc nhiều vào các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán bên ngoài, dẫn đến chi phí cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật dữ liệu.
Để giải quyết những vấn đề trên và đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhóm sáng kiến đến từ FPT HO đã cho ra đời Cổng thanh toán FPT Pay phiên bản 3.0 với những cải tiến vượt trội. Sáng kiến này tập trung vào việc tích hợp đa dạng các phương thức thanh toán, nhằm mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn. Đồng thời, để tối ưu hóa quy trình thanh toán và giảm chi phí cho doanh nghiệp, FPT Pay đã hợp tác trực tiếp với Visa - công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới.
“Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác với MasterCard và các tổ chức thẻ lớn khác. Điều này cũng góp phần giúp cho các giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và đồng nhất. Sáng kiến còn giúp các khách hàng doanh nghiệp quản trị rủi ro, cải tiến quy trình vận hành và hỗ trợ 'may đo' sản phẩm theo yêu cầu, đặc thù của từng doanh nghiệp”, anh Đỗ Thành Nam, đại diện nhóm cho hay.
Kết quả đạt được từ khi áp dụng FPT Pay v3.0 là vô cùng khả quan. Số lượng giao dịch tăng trưởng ấn tượng với 25,1% trong 5 tháng đầu 2024, từ đó tăng 14,72% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên là hệ quả của việc tích hợp đa phương thức thanh toán, bao gồm 48 thẻ ngân hàng nội địa, 4 thẻ thanh toán quốc tế, 30 ngân hàng trả góp thẻ tín dụng cùng nhiều ví điện tử khác. Sự vượt trội của sáng kiến đã đem lại cho FPT Pay các hợp đồng giá trị cao với các đối tác chiến lược toàn cầu như Prudential và TikTok, khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến tại Việt Nam.
Giao diện Cổng thanh toán điện tử FPT Pay v3.0. |
Cốt lõi thành công của FPT Pay v3.0 bắt nguồn từ việc lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng trên chặng đường 4 năm ròng rã cùng những thay đổi và số phiên bản đổi mới không đếm được hết của sản phẩm. “Ngay cả đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục phát triển để phù hợp với thực tiễn của thị trường”, đại diện nhóm sáng kiến chia sẻ.
“Trong quá trình phát triển sản phẩm này, nhóm cũng gặp một số khó khăn, không chỉ về công nghệ, mà còn là các yêu cầu về mặt pháp lý và trải nghiệm người dùng. Khi đó, chúng tôi luôn bám sát theo chỉ đạo và chiến lược của Ban Giám đốc, kết hợp với kỹ thuật, quy trình làm việc hiệu quả, và sự thích ứng linh hoạt”, anh Nam nhấn mạnh.
Chương trình iKhiến năm 2024 đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của Đơn vị chiến lược DC5. Tuy vậy, với Cổng thanh toán FPT Pay v3.0 cùng với những kết quả thực tiễn thiết thực, màn “chào sân” của DC5 đã ngay lập tức thu về giải Bạc cho đơn vị này. “Được sự động viên của Giám đốc DC5 - anh Phạm Duy Phúc, chúng tôi đã tham gia iKhiến. Đây là lời cổ vũ ý nghĩa với FPT Pay để chúng tôi tiếp tục hành trình hoàn thiện sản phẩm, đi sâu và đáp ứng nhiều hơn nữa các nhu cầu thực tiễn của khách hàng, từ đó mang về nhiều hợp đồng hợp tác lớn với các khách hàng mới trong thời gian tới”, anh Nam cho hay.
Anh đánh giá chương trình iKhiến của FPT là động lực quan trọng thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong tập đoàn. iKhiến không chỉ khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng sáng tạo mà còn giúp họ hiện thực hóa những sáng kiến, mang lại giá trị thực tế cho doanh nghiệp và khách hàng. Bên cạnh đó, iKhiến tạo ra một môi trường tự do sáng tạo, nơi nhân viên tự nguyện cải tiến và đổi mới để hoàn thiện công việc. Những ý tưởng xuất sắc không chỉ dừng lại trên giấy, mà còn được đầu tư để thương mại hóa, góp phần nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí cho FPT.
“Việc tham gia iKhiến giúp team lan toả tinh thần, văn hoá đổi mới - sáng tạo đến toàn thể ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong FPT Pay, khích lệ tinh thần anh em sẵn sàng chấp nhận thử thách, sẵn sàng sáng tạo - đổi mới và cống hiến trong công việc”, đại diện nhóm tác giả nói thêm.
Anh Đỗ Thành Nam (bên trái) trao đổi cùng đại diện đối tác Visa khu vực châu Á (bên phải) nhằm tối ưu sản phẩm FPT Pay v3.0. |
Theo kế hoạch phát triển sáng kiến, nhóm sẽ tiếp tục ưu tiên tối ưu giao diện cổng thanh toán, nâng cấp công cụ quản lý giao dịch và thiết kế luồng switch nguồn tiền để đẩy mạnh hơn nữa khả năng tối ưu chi phí và hiệu quả vận hành cho doanh nghiệp. Việc tăng cường hợp tác chiến lược với các đơn vị tài chính, thẻ thanh toán,… cũng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường của sản phẩm FPT Pay v3.0. Cùng với các CTTV khác của FPT như FPT IS và FPT Software, nhóm sẽ đẩy mạnh khâu đóng gói sản phẩm, từ đó cung cấp cho các khách hàng ngoài FPT.
FPT Pay đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ trở thành một trong những cổng thanh toán được ưu tiên hàng đầu (top-of-mind) khi khách hàng lựa chọn giải pháp thanh toán. Đến năm 2027, FPT Pay đặt mục tiêu sẽ lọt top 3 cổng thanh toán có số lượng giao dịch lớn nhất Việt Nam.
Đức Trung
Ý kiến
()