Chúng ta

'Cơn mưa' sáng kiến tiền tỷ hội tụ chung khảo iKhiến số 7

Thứ năm, 26/9/2024 | 17:18 GMT+7

Bảng B của iKhiến năm nay tiếp tục bùng nổ với 11 sản phẩm, giải pháp không chỉ giúp gia tăng năng suất làm việc, giảm chi phí, mà còn hứa hẹn mang lại doanh thu nhiều tỷ đồng. Nhà Phần mềm và nhà Viễn thông là hai đơn vị đóng góp nhiều sáng kiến nhất trong vòng chủng khảo số 7 với 6/11 sáng kiến.

Chiều 25/9, chung khảo iKhiến số 7, bảng B - Về quy trình quản trị và công cụ, phương tiện làm việc chứng kiến sự xuất sắc của 11 sáng kiến đến từ 6 đơn vị FPT Software, FPT Telecom, FPT IS, FPT Education, FPT Retail và FPT Online.

Sáng kiến đầu tiên trong mùa iKhiến thứ 8 của FPT Online đã nhận được cơn mưa lời khen từ hội đồng thẩm định. Trong khi đó, ý tưởng mang đậm chất “văn hóa, tinh thần” của FPT IS lại đem đến một làn gió mới cho cách thức tổ chức các sự kiện văn hóa tại FPT.

-8703-1727344118.jpg

Anh Lưu Minh Long, đại diện nhóm sáng kiến Enterprise-level AWS Cloud Health Reporting Solution tại buổi chung khảo.

Mở đầu cho chuỗi sáng kiến bùng nổ tại chung khảo số 7, là sáng kiến Enterprise-level AWS Cloud Health Reporting Solution, của nhóm tác giả FPT Software. Kết nối từ điểm cầu TP HCM, nhóm tác giả cho biết, đây là giải pháp đầu tiên trên thế giới giúp quản lý vòng đời dịch vụ trên AWS để tối ưu hóa chi phí và nhân lực. Nền tảng điện toán đám mây AWS (Amazon Web Services) đứng đầu thị trường “cloud” 76 tỷ USD, lại đang gặp vấn đề nghiêm trọng về việc cập nhật số dữ liệu khổng lồ. Hơn nữa, nếu công tác cập nhật dữ liệu không được hoàn thành kịp thời sẽ dẫn đến khoản chi phí phát sinh cao hơn 2-6 lần do dữ liệu quá hạn.

Sau khi áp dụng sản phẩm này với chính khách hàng AWS, sáng kiến đã đem lại lợi ích đáng kể, giúp khách hàng giải quyết khó khăn cập nhật dữ liệu đúng hạn, tiết kiệm chi phí ước tính 4,8 tỷ USD, tiết kiệm 50 man-day/tháng. Ngoài ra, sáng kiến còn giúp phân loại, thống kê cụ thể từng tệp tài nguyên trên cloud theo thời gian thực, tổng hợp và báo cáo tiến trình công việc kịp thời cho các cấp quản lý của doanh nghiệp. Nhóm sáng kiến tiết lộ, ngoài việc áp dụng cho đối tác AWS, nhóm đang tiến hành giới thiệu sản phẩm với các nhóm khách hàng khác.

-3493-1727344118.jpg

Nhóm sáng kiến Hệ thống tối ưu hóa tài nguyên mạng của nhà Viễn thông.

Tiếp nối sáng kiến đầu tiên, nhóm tác giả tới từ FPT Telecom trình bày sáng kiến Hệ thống tối ưu hóa tài nguyên mạng. Đặt vấn đề tại buổi chung khảo số 7, nhóm khẳng định, địa chỉ IP giống như “hộ chiếu”, trong đó dãy số IPv4 là bắt buộc để người dùng thực hiện thao tác trên không gian mạng. Theo thời gian, số lượng người dùng ngày càng tăng lên, dẫn đến sự khan hiếm IP khi nguồn cung ngày càng hạn hẹp, mang đến những thách thức để nhà mạng phân phối và quản lý nguồn IP hiệu quả. Hơn nữa, việc xử lý thủ công cho thấy những rủi ro tiềm tàng trong khâu vận hành, và từ thực tế cho thấy, mỗi sự cố tiêu tốn rất nhiều thời gian để xử lý lỗi, gây gián đoạn trải nghiệm sử dụng của khách hàng.

Giải pháp là công cụ được tự động hóa hoàn toàn, cho phép quản lý toàn bộ tài nguyên hạ tầng trên hệ thống. Từ thời điểm áp dụng, công cụ này đã giảm đáng kể thời gian quản lý tài nguyên, từ 175 giờ xuống còn 73 giờ mỗi tháng, loại bỏ rủi ro tiềm ẩn do thực hiện thủ công, giảm thời gian xử lý sự cố phát sinh xuống còn 3 phút.

Trong phần trình bày sáng kiến, nhóm cũng đưa ra kế hoạch áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2. Trong thời gian ban đầu, nhóm sẽ tập trung số hóa kinh nghiệm vận hành của các kỹ sư, từ đó xây dựng nguồn dữ liệu để tiến hành đào tạo cho công cụ AI, tự động hóa hoàn toàn các khâu trong công việc quản lý tài nguyên hệ thống và đề xuất, tự động có hành động khi sự cố phát sinh.

-3248-1727344118.jpg

Chị Thái Hiền Lương, đại diện nhóm trình bày về sáng kiến SMMbile.

Sau sáng kiến từ FPT Telecom, sáng kiến SMMobile của nhóm sáng kiến đến từ FPT IS tiếp tục gây ấn tượng với hội đồng giám khảo. SMMoble là ứng dụng di động, tích hợp hệ điều hành iOS và Android, đã được phát triển cho hệ thống Service Desk, giúp tiếp nhận yêu cầu 24/7, đảm bảo thiết bị vận hành hiệu quả và hỗ trợ kịp thời các vấn đề phát sinh. Giải pháp này giúp gia tăng hiệu quả trong quản lý qua hệ thống web đối với hơn 11.000 thiết bị sử dụng dịch vụ bảo hành - bảo trì của FPT IS, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đặc biệt trong các tình huống cần hỗ trợ trực tiếp.

Đóng vai trò là kênh kết nối trực tiếp giữa nhân viên bảo hành, bảo trì và nhà cung cấp, ứng dụng đã giảm tối đa các tác vụ thủ công của con người trong việc đặt, mua phụ tùng, phụ kiện. Tỉ lệ cập nhật tiến độ tăng từ 30% lên 100%, giảm tới 80% thời gian xử lý đơn đặt hàng, từ đó tương đương tiết kiệm 167 manday/năm, giảm 257 manday/năm trong khâu kiểm soát tiến độ xử lý yêu cầu, giảm 20 ngày/năm để thu hồi biên bản, tiết kiệm 1.6 tỷ đồng.

-2516-1727344118.png

Anh Lưu Xuân Việt, tác giả sáng kiến Podcast Generation.

Podcast Generation - Công cụ tự động tạo điểm tin Podcast, sáng kiến đầu tiên của FPT Online trong mùa thứ 8 của iKhiến, đã nhận được sự ủng hộ lớn của hội đồng giám khảo về tính thực tiễn của sản phẩm.

Đề cập về bối cảnh phát triển sáng kiến, đại diện nhóm sáng kiến, anh Lưu Xuân Việt nhận định, Podcast (nội dung âm thanh) là sản phẩm có tính xu hướng, dần trở thành món ăn tinh thần thịnh hành và được đông đảo khán giả đón nhận. Do đó, biên tập viên đầu tư nhiều công sức để xây dựng nội dung và xuất bản hoàn chỉnh, đem đến những sản phẩm chất lượng đến với độc giả. Tuy nhiên, các biên tập viên thường mất hơn 150 phút để xuất bản điểm tin. Không những thế, công việc đòi hỏi người thực hiện phải sử dụng rất nhiều công cụ phần mềm khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian đào tạo và thường tốn khoảng 4 triệu đồng/tháng chi phí bản quyền. Với mong muốn giải quyết những điểm vướng mắc trên, sáng kiếm Podcast Generation được ra đời. Công cụ được tích hợp tất cả các chức năng cần thiết để thực hiện hoàn chỉnh tin Podcast theo tiêu chuẩn.

Hiện nay, Podcast Generation đã có thể tự động đề xuất danh sách bài phù hợp, tự thiết lập khung giờ sản xuất bài hàng ngày, tự động tóm tắt nội dung và chuyển sang dạng audio, hoàn thiện sản phẩm và đăng tải lên nền tảng báo chí.

Thành viên hội đồng giám khảo, chị Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành FPT Retail, dành lời khen cho tính thiết thực của sáng kiến, nhưng băn khoăn về độ chính xác trong các sản phẩm Podcast. Chia sẻ với hội đồng giám khảo, anh Lưu Xuân Việt cho biết, trong giai đoạn phát triển và ứng dụng sáng kiến, nhóm đã liên tục kiểm tra chéo giữa nội dung AI và nội dung BTV chỉnh sửa để tối ưu cho mô hình AI. Kết quả cho thấy, sản phẩm đáp ứng được 90% yêu cầu, công việc còn lại chỉ còn là thêm hoặc bớt nội dung và kiểm tra chính tả.

Sáng kiến thứ 5 trong buổi chung khảo là Giải pháp ghi âm toàn diện giúp nâng cao OpEx của nhóm tác giả đến từ FPT Retail. Giải pháp ra đời giúp giải quyết vấn đề thiếu công cụ ghi âm trong quá trình tư vấn khách hàng của nhân viên nhà Bán lẻ, cải thiện công tác kiểm soát chất lượng phục vụ, từ đó mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Nhóm sáng kiến cho biết, thay vì mang theo thiết bị ghi âm, vốn dễ “mất thiện cảm” trong mắt khách hàng, thì giờ đây, giải pháp tự động ghi âm được tích hợp ngay trên laptop làm việc đã giúp tư vấn viên tự tin hơn khi giao tiếp với khách hàng. Sáng kiến đem lại sự hiệu quả âm thầm, nhanh chóng và tự động. Không chỉ vậy, các cuộc tư vấn cũng sẽ tự động được phân loại theo tên khách hàng, mã nhân viên, theo thông tin cần tìm. Sáng kiến áp dụng AI tự động đánh giá phân tích chỉ số cảm xúc theo bộ tiêu chí từ các dữ liệu đã thu thập. Cán bộ quản lý không còn mất nhiều thời gian để bóc tách băng ghi âm, từ đó nhanh chóng cải thiện chất lượng tư vấn, cũng như giảm thời giam giải quyết khiếu nại từ 30 phút về 1 phút.

Hội đồng giám khảo nhận định, ý nghĩa lớn nhất công cụ này là giúp tăng tỉ lệ tư vấn thành công, vì sau khi thu âm sẽ có thể tìm ra kịch bản bán hàng tối ưu từ người có kịch bản tốt nhất, sau đó áp dụng cho tất cả tư vấn viên khác. “Đây là lí do tại sao Long Châu dù đi sau trong lĩnh vực y tế nhưng vẫn có thể cạnh tranh với các đơn vị top đầu về dịch vụ y tế. Có thể áp dụng cho các đơn vị khác trong tập đoàn, như bộ phận tuyển sinh ở khối Giáo dục”, Giám đốc điều hành FPT Retail khẳng định.

-2355-1727344118.jpg

Nhóm sáng kiến EasyFix đến từ đơn vị FPT Software.

Trước đây, các sự cố IT chỉ được phát hiện khi đã ảnh hưởng đến công việc, người dùng phải mất thời gian liên hệ để hỗ trợ, thường kèm theo thông tin thiếu chi tiết, gây khó khăn cho việc xử lý. Để khắc phục, phòng IT nhà FPT Software đã phát triển sáng kiến EasyFix – công cụ giúp người dùng chủ động phát hiện và xử lý nhanh sự cố chỉ với một cú click chuột mà không cần chờ đợi hỗ trợ của chuyên viên IT.

EasyFix được phát triển với ba tiêu chí: thời gian thực (realtime), nhanh chóng và “Một cú nhấp chuột”. Easyfix đã tự động hóa được nhiều bước, rút ngắn thời gian sửa lỗi từ 8 giờ còn về 1 phút. Sau 3 tháng thử nghiệm, EasyFix đã tiết kiệm 61.000 giờ thời gian làm việc cho người dùng, xử lý gọn 7200 vấn đề, tiết kiệm 4.8 tỷ đồng cho FPT Software. Nhóm dự tính quý IV năm nay sẽ tiết kiệm ước tính 29 tỷ đồng cho đơn vị, không những thế, còn có thể phát triển chéo và bán cho các đơn vị khác.

-4351-1727344118.jpg

Nhóm sáng kiến Smart POP đến từ đơn vị FPT Telecom.

FPT Telecom mang đến buổi chung khảo số 7 sáng kiến thứ hai, mang tên Smart POP - Hệ thống quản lí nhà trạm thông minh. Trước đây, 3.435 trạm viễn thông của FPT Telecom chưa có hệ thống quản lý từ xa, khiến việc xử lý sự cố chậm trễ và khó dự đoán các tình huống phát sinh. Để khắc phục, INF đã phối hợp cùng P.IoT phát triển Smart POP – hệ thống quản lý nhà trạm thông minh tích hợp IoT, ứng dụng AI để phân tích dữ liệu, nâng cao hiệu quả giám sát và vận hành.

Sau khi đưa sáng kiến vào vận hành, hệ thống đã được giám sát liên tục 24/7, có thể tự động chẩn đoán lỗi và gửi thông tin trực tiếp đến các kỹ thuật viên nếu phát hiện sự cố và sự cố tiềm năng. Công cụ cung cấp khả năng xử lý, vận hành từ xa, do đó giảm đến 95% thời gian chẩn đoán và xử lý, từ 30-40 phút xuống chỉ còn 30 giây, tự động phân tích lỗi và tái khởi động thiết bị sau khi sửa. Việc áp dụng rộng rãi trên tất cả nhà trạm của FPT Telecom đã giúp tiết kiệm 47 tỷ đồng so với các giải pháp khác và 5.7 tỷ đồng chi phí điện mỗi năm.

-3587-1727344119.jpg

Anh Lê Hồng Quân, tác giả sản phẩm FIS30 The Next, trình bày trước hội đồng giám khảo.

Phần trình bày đầy nhiệt huyết của anh Lê Hồng Quân đến từ đơn vị FPT IS cho sản phẩm FIS30 The Next đã đem đến những giây phút thư giãn cho toàn bộ hội đồng giám khảo. Theo anh Quân, việc tổ chức sự kiện đại lễ sinh nhật FPT IS 30 tuổi cho 3.200 CBNV ở khu vực rộng 50 hecta tại Vin Wonder Nam Hội An, là một điều vô cùng thách thức cả về tài chính lẫn nguồn lực con người. Chính vì thế, sản phẩm “super-app” FIS30 The Next được ra đời. Ứng dụng được xây dựng toàn diện với đầy đủ các tính năng để tối ưu công tác truyền thông và quản lý sự kiện. Đây cũng là lần đầu tiên, sáng kiến công nghệ được xây dựng cho một sự kiện văn hóa do người FPT thực hiện.

Trong khuôn khổ sự kiện, tính thực tiễn của sáng kiến đã được chứng minh. Toàn bộ thông tin và hình ảnh được tìm kiếm nhanh chóng, dễ dàng và theo thời gian thực tới toàn bộ 3.200 thiết bị của người tham gia cùng một thời điểm. Ban tổ chức sự kiện đã thành công quản lý và điều phối 32 đội tham gia các hoạt động và teambuilding trong suốt 3 ngày sự kiện với chỉ 20% số nhân sự vận hành so với cách tổ chức truyền thống, từ 150 người xuống 30 người.

Sự thành công của sự kiện sinh nhật FPT IS 30 năm đã lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nội bộ FPT mà còn tới các công ty bên ngoài. Anh Lê Hồng Quân cho biết, anh rất mong muốn chia sẻ ứng dụng này tới các công ty thành viên, góp phần đưa trải nghiệm văn hóa của người FPT lên một tầm cao mới.

-2339-1727344119.jpg

Chị Vũ Thị Phương Thảo, đại diện nhóm Website quản lý học kỳ OJT, đơn vị FPT Education.

Nhóm sáng kiến đến từ FPT Education cũng đã mang tới một sáng kiến mang tính thực tiễn, hiệu quả cao. Với Website quản lý học kỳ OJT, chỉ với hai cán bộ giáo dục đã có thể quản lý, hỗ trợ toàn bộ cho 2.000 – 2.500 sinh viên tham gia trong mỗi kỳ học. Trước thời điểm sáng kiến ra đời, quy trình nộp hồ sơ của sinh viên vẫn còn thực hiện thủ công, việc trao đổi giữa sinh viên, cán bộ và doanh nghiệp chỉ đơn thuần qua email. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sinh viên mà còn tạo áp ực không nhỏ cho cán bộ chuyên trách.

Sau khi số hóa toàn bộ quy trình lên website, tỉ lệ tham gia của sinh viên đã tăng lên từ 600 lên 2500 mỗi kỳ, cùng với đó là giảm thời gian xử lý yêu cầu từ 1 - 2 ngày về còn 30 phút - 1 giờ. Độ hiệu quả đã tăng lên gấp 8 lần so với trước đây. Sinh viên không còn phản hồi không tốt về các hoạt động hỗ trợ OJT, tiết kiệm được manday để tìm kiếm các doanh nghiệp, đối tác mới. Sinh viên cũng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng, quá trình của mình trong kỳ thực tập tại doanh nghiệp.

-6425-1727344119.jpg

Nhóm sáng kiến Wifi Portal, đơn vị FPT Telecom.

Hệ thống quản lý WiFi Portal là sáng kiến cuối cùng của nhà Viễn thông trong buổi chung khảo số 7. Đây là giải pháp hiển thị thông báo trực tiếp qua banner khi khách hàng kết nối vào Wifi, đảm bảo thông tin quan trọng không bị bỏ sót, tránh khóa cước, đồng thời duy trì kết nối Internet liền mạch mà không cần đầu tư thêm nhiều chi phí hay thiết bị. Giải pháp giúp giải quyết tình trạng khó khăn trong việc nhắc và thu hồi cước, vốn đang là vấn đề “sống còn” của nhà FPT Telecom trong hoạt động kinh doanh.

Sau 1 tháng triển khai tại Hà Nội và Đà Nẵng, sáng kiến đã giúp giảm gần 15.000 hợp đồng bị khóa cước. Hơn 317.000 hợp đồng đã kích hoạt portal nhắc cước trong tháng 8; hơn 50.000 lượt click vào "Thanh toán", với tỷ lệ thanh toán trước khóa cước đạt 59,66%, tương đương hơn 189.000 khách hàng. Việc áp dụng Wifi Portal đã giảm chi phí nhắc cước qua SMS và Zalo, từ 16.37 tỷ đồng/năm còn 1,67 tỷ đồng/năm và giảm 400 giờ cuộc gọi tới trung tâm CSKH liên quan tới cước.

-4984-1727344119.jpg

Anh Trần Nguyễn Đăng Khoa, thành viên của nhóm sáng kiến OSS License Checker.

Sáng kiến cuối cùng tới từ nhà Phần mềm, mang tên OSS License Checker. Theo anh Trần Nguyễn Đăng Khoa, đại diện nhóm tác giả sáng kiến, quy trình kiểm duyệt bản quyền phần mềm mã nguồn mở trước đây mất đến 2 tuần cho mỗi yêu cầu và thiếu hệ thống giám sát ở mức công ty. Để khắc phục vấn đề này, anh Khoa và cộng sự đã phát triển OSS License Checker – công cụ tự động phát hiện và ngăn ngừa vi phạm bản quyền cho sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, không chỉ rút ngắn thời gian xử lý mà còn nâng cao độ chính xác và hệ thống hóa việc kiểm soát tại FPT Software.

Khi ứng dụng triển khai OSS License Checker trong năm nay, sáng kiến đã hỗ trợ gần 50 giải pháp với hơn 1.000 loại giấy phép về dữ liệu; tiết kiệm thời gian xử lý, nhanh gấp 100 lần so với quy trình cũ; tiết kiệm 200 manday của chuyên gia, tương đương hơn 1 tỷ đồng.

Cùng xem video tổng quan giới thiệu 11 sáng kiến tham gia vòng chung khảo số 7 iKhiến 2024.

Ý kiến

()