Học bí quyết thành công của Alibaba
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT, từng chia sẻ cách chia và cách dùng người của Jack Ma và Alibaba. Theo đó, tỷ phú giàu nhất châu Á Jack Ma chia nhân viên ra làm 3 nhóm: "Chó hoang", "Chó săn" và "Thỏ trắng".
Nhóm "Chó hoang" là những nhân viên có hiệu quả công việc tốt nhưng các giá trị sống, triết lý không giống các giá trị sống và triết lý của Alibaba. Với nhóm này, Alibaba sẽ nỗ lực để họ chia sẻ giá trị sống, triết lý của Alibaba, nhưng nếu mãi họ không thể thay đổi thì Alibaba sẽ buộc phải thanh loại.
Nhóm "Thỏ trắng" là những nhân viên làm việc kém hiệu quả nhưng những giá trị sống, triết lý giống với giá trị sống và triết lý của Alibaba. Với nhóm này, Alibaba chuyên tâm bồi dưỡng, giúp đỡ họ phát triển, nhưng nếu mãi vẫn không trưởng thành thì Alibaba cũng buộc phải chia tay.
Nhóm "Chó săn" là những nhân viên vừa có hiệu quả làm việc tốt vừa có giá trị sống, triết lý trùng với giá trị sống và triết lý của Alibaba. Với nhóm này, Alibaba vừa trọng dụng vừa bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ cốt cán, cán bộ kế cận.
Việc Alibaba không dùng nhóm Thỏ trắng thì dễ hiểu, nhưng tại sao Alibaba không dùng nhóm Chó hoang, dù họ có tài năng, có hiệu quả làm việc tốt. Để lý giải điều này, ông Cao Bảo cho rằng: Cần tìm hiểu xem tài sản hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì?
Chúng ta thường nghe nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố: "tài sản quý nhất của chúng tôi là con người". Ai cũng nói "tài sản quý nhất của chúng tôi là con người", nói giống nhau quá. Vậy con người là con người nào? Con người thông minh, tài năng, chăm chỉ, không ngừng học hỏi... thế đã đủ chưa?
Chọn nhân viên không cần phải thông minh nhất, tài năng nhất, họ chỉ cần là những người phù hợp nhất...Ảnh: FPT. |
Jack Ma đã chỉ ra rằng, lãnh đạo và các thành viên sáng lập Alibaba không phải là những người thông minh nhất, không phải là những người tài năng nhất, họ chỉ là những người phù hợp nhất, bù đắp cho nhau, hiểu nhau, phối hợp với nhau tốt, đặc biệt là họ có chung mục tiêu, chung triết lý sống, triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo.
Chính vì chung các giá trị, chung mục tiêu, nên họ không mất thời gian vô bổ để tranh cãi những vấn đề cốt lõi, càng gặp khó khăn họ càng đoàn kết, trong bất cứ hoàn cảnh nào không có ai rời đội ngũ. Năm 1997, khi dời Hàng Châu lên Bắc Kinh, họ có 7 người; năm 1999, sau khi thất bại ở Bắc Kinh quay về Hàng Châu lập Alibaba, họ không những còn đủ 7 người mà còn kéo được thêm 10 người nữa thành 17, cộng thêm Thái Sùng Tín, họ trở thành 18 thành viên sáng lập Alibaba và đến ngày lên sàn chứng khoán, họ còn nguyên 18 người và cả 18 đều trở thành tỷ phú. Đấy là sự khác biệt lớn nhất giữa Alibaba và các công ty khác.
Như vậy, nói giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là con người thì chưa đủ, mà phải là con người có chung giá trị sống, chung triết lý kinh doanh, chung triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo.
Chỉ có những con người có chung giá trị cốt lõi, đứng chung trong một đội ngũ, mới đủ sức đưa doanh nghiệp phát triển 20, 30, 50, 100 năm và lâu hơn nữa.
Biết đủ là đủ
Ông Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng sáng lập FPT, viết chia sẻ trên website nội bộ của FPT rằng, có một nghịch lý: người nghèo thiếu ít hơn, người khá giả thiếu nhiều hơn.
Khi đi bộ, bạn thiếu xe đạp. Khi có xe đạp, bạn thiếu xe máy. Khi có xe máy, bạn thiếu ô tô. Khi chưa có nhà, bạn chỉ thiếu tiền mua căn hộ. Khi có căn hộ, bạn sẽ thiếu tiền mua biệt thự...
Càng giàu, cái thiếu càng lớn hơn, cho tới khi... bạn ngộ ra đạo lý: Biết đủ là đủ.
Ông Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng sáng lập FPT . Ảnh: CafeF. |
Tuy nhiên, không dễ ngộ ra đạo lý này. Chính lòng tham vô đáy của con người là trở ngại lớn nhất, như câu chuyện ngụ ngôn dưới đây:
Một vị tướng quân có công lớn, được vua ban thưởng theo cách sau: tướng quân có thể phi ngựa liên tục không ngừng nghỉ; ngựa phi tới đâu thì đất Vua ban tới đó. Và thế là vị tướng quân này đã lên ngựa, phi liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Ngựa của ông đã đi qua những vùng đất bao la rộng lớn. Ông thấy đất vẫn chưa đủ rộng. Phi tiếp. Khi người và ngựa đã rất mệt, ông vẫn cố gắng. Ông muốn lãnh địa của mình phải rộng lớn hơn tất cả. Cuối cùng sức lực cũng cạn kiệt, cả người và ngựa đã gục ngã xuống đất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông mới hiểu rằng, thực ra mình không cần nhiều đất như thế (mà chỉ cần có sáu tấc).
Người không biết đủ, dù giàu mà vẫn nghèo. Họ luôn nhìn lên những thứ người khác có mà mình không có. Họ chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.
Người biết đủ, dù nghèo mà không nghèo. Họ không dằn vặt vì những thứ mình không có. Thay vào đó, họ trân trọng và hạnh phúc với những gì mình đang có.
Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc - Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, thì bao giờ mới đủ.
Làm 10 chỉ nên nói 7, 8
Ông Khúc Trung Kiên, Trưởng Ban Chiến lược và Phát triển FPT Software, nguyên Giám đốc Chiến lược Công ty Phần mềm FPT, kể trên Chungta.vn: “Tôi có một anh bạn lớn. Một người rất thành công trong kinh doanh và cũng thành công không kém trong các bài viết và đúc kết sâu sắc về quản lý, về giá trị sống, về các vấn đề xã hội.
Có lần anh nói: "Mình có một điểm rất yếu là làm được một mà chỉ dám nói đến 3, 4 trong khi người khác họ nói đến 10".
Ông Khúc Trung Kiên: Làm 10 chỉ nên nói 7, 8. Ảnh: Dân trí. |
Đừng vội phán xét, anh là một người cực kỳ nghiêm túc và luôn được khách hàng quý mến trong hơn 20 năm lăn lộn ở thị trường phía nam.
Một người bạn lớn khác, cũng rất thành công, rất nghiêm túc lại từng nói với tôi: "Không bao giờ được nói quá về những gì mình làm được".
Thậm chí nếu làm được 10 chỉ nên nói 7, 8. Khi đó khách hàng họ sẽ thấy hoá ra là họ còn nhận được nhiều hơn cái họ nghĩ.
Tôi tin rằng hai cách tiếp cận ngược nhau này đều đúng. Nó phù hợp với những điều kiện khác nhau. Câu hỏi là khi nào thì nên áp dụng cách nào mà thôi!”.
Vietnamnet
Ý kiến
()