Chúng ta

Trí tuệ nhân tạo - nhân tố thay đổi cuộc sống

Chủ nhật, 18/2/2018 | 09:26 GMT+7

Việc chạy đua công nghệ nói chung và trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói riêng để tạo ra bước đột phá, góp phần thay đổi cuộc sống sẽ là xu thế phát triển trên toàn thế giới.

Hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống như giao thông, chăm sóc sức khoẻ, điều khiển ô tô tự lái, nhà thông minh… Trí tuệ nhân tạo được coi là nhân tố nền tảng để các doanh nghiệp chuyển dịch số hoá, tạo ra nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống.

Hiện diện khắp mọi nơi

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hoá các hành vi thông minh. Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo chính là trí tuệ của máy móc do con người tạo ra. Trí tuệ nhân tạo có thể nghe, nhìn, tư duy, suy nghĩ, thậm trí học hỏi yếu tố mới như con người. Không chỉ vậy, trí tuệ nhân tạo có khả năng xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều cuộc thi giữa con người và trí tuệ.

ictnews-cto-fpt-ai-2248-151291-5243-3706

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, nhấn mạnh, các công nghệ trí tuệ nhân tạo, robotic là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển.

Năm 1997, siêu máy tính Deep Blue đã thắng đại kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kimovich Kasparov. Mới đây, “thần đồng” cờ vây 19 tuổi người Trung Quốc Ke Jie đã thất bại trong loạt đấu 3 trận kéo dài 4 giờ 30 phút trước một sản phẩm trí tuệ nhân tạo của hãng Deep Mind có tên gọi là AlphaGo. Chiến thắng của trí tuệ nhân tạo một lần nữa lại thách thức giới hạn năng lực tư duy của con người...

Trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trong hầu hết trong các lĩnh vực, đi đầu là quảng cáo, tài chính, chăm sóc sức khoẻ, tiêu dùng và hàng không vũ trụ… Trí tuệ nhân tạo đã tạo điều kiện đột phá trong các hệ thống tự vận hành như máy in 3D, xe ô tô tự lái, điều khiển các thiết bị trong nhà bằng giọng nói…

Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Lê Hồng Việt chia sẻ: Trong mảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, FPT phần lớn đầu tư vào mảng xe tự lái với mong muốn công nghệ này phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện có nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích dữ liệu vượt trội, tương tác với khách hàng bằng ngôn ngữ giọng nói hoặc tin nhắn, thậm chí có thể tự đặt lịch thực hiện công việc theo định kỳ. Bà Bùi Hà Phương (Tập đoàn NextTech) cho biết: Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ sử dụng thiết bị bảo mật Token của NextTech để thanh toán nhiều loại dịch vụ trong đó có cả cả dịch vụ mới gọi đặt xe trên các ứng dụng mới như uber, grab… Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ở các sản phẩm của NextTech đã giúp cho khách hàng có thể thanh toán an toàn, đảm bảo sự tin cậy.

Hiện nay Google tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo ở lĩnh vực xe tự vận hành, nhân diện giọng nói; Facebook dùng trí tuệ nhân tạo để nhận diện hình ảnh; Microsoft theo đuổi dự án điều trị ung thư bằng trí tuệ nhân tạo… Có thể khẳng định rằng, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trên thế giới như hiện nay thì trong tương lai, cuộc sống “viễn tưởng như trong phim" của con người sẽ có nhiều khả năng thành hiện thực.

Xây dựng đô thị thông minh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, con người có thể điều khiển nhà thông minh, giao thông thông minh, hệ thống y tế thông minh… và hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Thành phố thông minh với các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo như trợ lý ảo, hệ thống chatbots, robot… đang giúp con người điều khiển các thiết bị từ xa chỉ bằng điện thoại thông minh kết nối internet, giọng nói...

Mới đây Ngân hàng Tokyo (Nhật Bản) đã giới thiệu trợ lý ảo có tên gọi “M A I” có thể ghi nhận giọng nói của khách hàng, hiểu thông tin khách hàng đưa ra và hướng dẫn khách hàng những thủ tục đơn giản khi giao dịch trực tuyến. Tại nhiều nước phát triển, khi xây dựng thành phố thông minh có ứng dụng công nghệ giúp người dùng có thể thanh toán trực tuyến đạt tới 90% tổng phương tiện thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%.

Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tạo nên giải pháp đột phá trong dịch vụ ngân hàng điện tử, giúp khách hàng thực hiện hầu hết các giao dịch từ thiết bị điện tử, xác nhận giao dịch bằng chữ ký số mà không cần trực tiếp tới ngân hàng.

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ: Để xây dựng và hoàn thiện hơn nữa hệ thống thanh toán thông minh, trực tuyến ở Việt Nam cần có sự đồng thuận của toàn xã hội. Về phía ngân hàng, cần phối hợp xây dựng các trung tâm bù trừ tự động, tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng thanh toán kết nối với các hoạt động hải quan, tài chính, thương mại điện tử… và kết nối với cổng điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Để xây dựng thành đô thị thông minh, các đơn vị chức năng cần giải quyết các vấn đề về giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh…, các sản phẩm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đòi hỏi phải có nguồn nhân lực công nghệ thông tin cao và nguồn lực kinh tế lớn.

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT, Tập đoàn FPT chia sẻ: Khi triển khai dịch vụ ứng dụng công nghệ cao của FPT ở các địa phương thì thách thức đầu tiên là vấn đề kinh phí. Do tiềm lực kinh phí có hạn nên đầu tư cho công nghệ còn manh mún, không có nguồn bảo dưỡng, duy tu hệ thống công nghệ. Vấn đề tiếp theo là quyết tâm của lãnh đạo. Công nghệ thông tin chỉ là công cụ bổ trợ cho lãnh đạo và việc ứng dựng công nghệ thông tin hiệu quả hay không cũng phụ thuộc vào sự thay đổi của người dùng.

Chương trình Quốc gia về ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển 3 đô thị thông minh tại Việt Nam. Theo đó, giải pháp nền tảng cho việc xây dựng thành phố thông minh sẽ đòi hỏi địa phương phải có phương án hiệu quả sử dụng các nguồn lực từ con người, tài nguyên, trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, vốn đầu tư… để đẩy nhanh tốc độ xây dựng thành phố thông minh, hướng tới quốc gia thông minh.

Để thành phố thông minh trở thành hiện thực, cần sự quyết tâm của Chính phủ, sự sáng tạo trong giải pháp công nghệ của doanh nghiệp công nghệ thông tin trên nền tảng công nghệ mới, nhất là ứng dụng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo, sự ủng hộ của người dân và nguồn lực của toàn xã hội.

>> Kỹ sư 9x FPT viết phần mềm công nghệ xe ô tô tự hành

TTXVN

Ý kiến

()