Chúng ta

Quả ngọt đầu mùa

Thứ sáu, 23/12/2016 | 14:08 GMT+7

Sau nhiều lần ném đá dò đường, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng tại thị trường các nước đang phát triển.

Giấc mơ có thật tại Nam Á

“Tôi đã tưởng tượng đến việc chỉ với một chiếc máy tính có kết nối in-tơ-nét là có thể tự tính toán và nộp thuế ngay tại nhà. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức mà còn không mất phí dịch vụ tư vấn nữa”. Ông Muhammad Shafiqur Rahman, Giám đốc nghiên cứu Mạng lưới chăm sóc sức khỏe Quốc gia của Băng-la-đét đã chia sẻ niềm vui này tại Hội chợ thuế Băng-la-đét 2016 khi biết tin Hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp (BITAX) đã chính thức được Tổng cục Thuế nước này đưa vào vận hành. Đây là hệ thống CNTT quy mô toàn quốc đầu tiên của nước này. Đặc biệt, hệ thống lại do một công ty công nghệ của Việt Nam là FPT thực hiện.

Ba năm trước, FPT đến với Băng-la-đét như trong một nỗ lực “khai hoang vùng đất mới”. Theo lời kể của ông Chu Khánh Hòa, Phó Tổng Giám đốc Khối ngành Tài chính Công (thuộc Công ty Hệ thống thông tin FPT), khi tham gia gói thầu đầu tiên trị giá 6,6 triệu USD, “FPT không có gì ngoài sự tự tin đã từng triển khai các dự án tương tự ở Việt Nam…”.

Cán bộ thuế của FPT tư vấn khách hàng tại Băng-la-đét.

Cán bộ thuế của FPT tư vấn khách hàng tại Băng-la-đét.

Ít ai dám nghĩ rằng, Việt Nam có thể làm được những dự án hàng triệu USD tại Nam Á bởi đây là thị trường có điều kiện khá khắc nghiệt, lại có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thói quen làm việc. Đặc biệt, thị trường này có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty đến từ Ấn Độ (gần về địa lý) và các công ty Trung Quốc (giá rẻ). Thế nhưng, FPT lại dám mơ những hợp đồng triệu USD từ mảnh đất này!

Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, FPT đã phải tìm đối tác địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm và có quan hệ tốt với ngành thuế Băng-la-đét để giúp FPT hiểu rõ đặc thù của quốc gia và là cầu nối xây dựng quan hệ tốt với khách hàng. Vượt qua nhiều khó khăn, FPT đã trở thành doanh nghiệp CNTT đầu tiên tại Việt Nam có được hợp đồng giá triệu USD tại Bang-la-đét. Như vậy, chỉ sau ba năm ở Băng-la-đét, từ con số 0, FPT đã mang về bốn hợp đồng với tổng giá trị gần 60 triệu USD. Điều này còn góp phần thay đổi được hình thức xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn. Từ việc chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô như clanh-ke, sợi thô… sang Băng-la-đét, đến nay,Việt Nam đã có thể xuất khẩu được CNTT sang đất nước nằm ngay cạnh cường quốc lớn Ấn Độ.

Bước tiến mới tại Mi-an-ma và châu Phi

Khi VNG tuyên bố sẽ chọn Mi-an-ma trở thành thị trường nước ngoài đầu tiên để Zalo xuất ngoại nhiều người cho rằng, “giấc mơ lãng mạn mới của các kỹ sư Zalo” chỉ là ảo vọng. Còn nhớ, Viettel cũng đã phải mất 10 năm nằm vùng, vài lần thất bại mới có được bước tiến quan trọng đầu tiên khi trở thành nhà mạng cuối cùng được Chính phủ Mi-an-ma cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông ở đây.

Tuy nhiên, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG tuyên bố, “Zalo mong muốn sẽ là một phần trong cuộc cách mạng viễn thông ở Mi-an-ma… Mục tiêu lâu dài của Zalo là chiếm khoảng 50% số lượng người dùng Internet di động ở Mi-an-ma, tương đương khoảng từ 9-10 triệu người dùng”. Các chuyên gia nhận định, việc duy trì thành công của Zalo ở Mi-an-ma không hề dễ dàng bởi ngoài việc cần phải am hiểu hành vi người dùng Mi-an-ma thì Zalo còn phải tiếp tục cạnh tranh với Viber, Line, Beetalk hiện đã có mặt ở thị trường này từ rất sớm.

Không cờ, không trống, Zalo âm thầm tìm hiểu và xâm nhập thị trường và mạnh dạn đưa phần mềm nhắn tin đầu tiên “địa phương hóa” riêng cho Mi-an-ma vào hoạt động cũng như thiết lập máy chủ riêng cho thị trường này… Chỉ sau bốn tháng, VNG tuyên bố Zalo đã có hơn 2 triệu người dùng tại Mi-an-ma. So với mục tiêu chiếm 50% thị phần thì con số 2 triệu người dùng vẫn còn là khiêm tốn nhưng cho thấy, giấc mơ xuất khẩu trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, thậm chí ở những thị trường có nhiều trở ngại của người Việt hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Không chỉ Zalo, nhiều đơn vị ở Việt Nam cũng coi Mi-an-ma là một thị trường tiềm năng và đang tập trung phát triển tại đây như, Viettel sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào đây để đạt độ phủ tới gần 95% dân số trong vòng ba năm; còn FPT cũng có kế hoạch sẽ làm cáp quang, cung cấp băng thông rộng tới các thành phố lớn của Mi-an-ma, sau đó là một loạt dịch vụ gia tăng khác như truyền hình Internet (IPTV), game online, báo điện tử...

Ngoài Mi-an-ma, Viettel cũng vừa mở thêm hai thị trường mới là Tan-da-ni-a và Bu-run-di nâng tổng số quốc gia có mặt là 10 nước. Hiện Viettel đã nằm trong Top dẫn đầu về cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại 6/10 thị trường, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế lớn, tiêu biểu như đoạt 6 giải thưởng quốc tế liên tiếp ở Mô-dăm-bích (cho thương hiệu Movitel).

Cơ hội còn rất lớn

Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng phát triển tại các quốc gia đang phát triển như Băng-la-đét, Xri Lan-ca, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma… vẫn còn rất lớn. Hiện nay tại các quốc gia này, thị trường công nghệ thông tin còn mới ở giai đoạn sơ khai, nhiều nước mức độ ứng dụng CNTT còn đi sau Việt Nam, rất nhiều các hệ thống CNTT lớn cấp quốc gia, cấp ngành chưa được triển khai... Hiện Chính phủ các nước này đang có chiến lược xây dựng đất nước họ thành “quốc gia số” (Digital) và dự kiến sẽ chi đến 2 tỷ USD (như tại Băng-la-đét) cho CNTT trong vòng năm năm tới.

Với tiềm năng lớn từ thị trường, cùng với năng lực công nghệ của mình, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu được nhiều hơn nữa sản phẩm trí tuệ của mình ra nước ngoài.

>> Hai ông lớn bán lẻ ôm gọn thị trường laptop Việt Nam

Nhân dân

Ý kiến

()