Chúng ta

PTGĐ Đỗ Cao Bảo tranh luận 'nảy lửa' về đề tài TP HCM xây nhà hát 1.500 tỷ

Thứ bảy, 13/10/2018 | 09:43 GMT+7

Cuộc tranh luận vừa diễn ra giữa hai doanh nhân Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập và hiện tại là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT và doanh nhân Lâm Minh Chánh, Giám đốc trường kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp về đề tài TP HCM xây nhà hát, nên hay không?

tranhluanachanh-bao-vlbb-9453-1539398564

Chiều ngày 12/10, hai doanh nhân Việt đã có cuộc tranh luận trên mạng xã hội về đề tài TP HCM xây nhà hát vũ kịch 1.500 tỷ - Ảnh chụp màn hình buổi livestream.

Cuộc tranh luận có thể nói là có một không hai bởi có lẽ người ta chưa bao giờ thấy hai doanh nhân Việt là những facebooker có ảnh hưởng, dùng Facebook livestream trên mạng xã hội tranh luận về một vấn đề nào đó, không ekip, không người dẫn… Cuộc tranh luận thu hút hàng chục nghìn người người xem và hàng nghìn bình luận.

Trước giờ G của cuộc tranh luận về đề tài đang được dư luận quan tâm hiện nay, doanh nhân Lâm Minh Chánh đăng tải chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tranh luận “đàng hoàng” và “tử tế”. Chúng tôi sẽ đấu trí và không khoan nhượng nhau về quan điểm, nhưng sẽ không có thắng thua trong cuộc tranh luận này. Vì suy cho cùng, cuộc đời không có đúng sai. Đúng hay sai là tuỳ góc nhìn và suy nghĩ của từng người. Tôi tham gia cuộc tranh luận này vì muốn góp phần cung cấp ý kiến đa chiều về dự án nhà hát 1500 tỷ; góp phần xây dựng văn hoá tranh luận. Tranh luận không phải là chửi, cũng không phải là khóc, đầy cảm tính; và tôi cùng với anh Bảo nâng cao tinh thần khởi nghiệp”.

Mở đầu cuộc tranh luận, ông Chánh nêu muốn tổ chức cuộc tranh luận khi đọc ý kiến ủng hộ xây dựng nhà hát của ông Bảo trên trang cá nhân. Do đó, là người không đồng tình với chủ trương này của thành phố, ông đã “thách đấu” ông Bảo tham gia tranh luận.

“Góc nhìn của tôi đối với một cá nhân, một công ty cảm xúc con số 1.500 tỷ rất là lớn. Thế nhưng đối với một thành phố như TP HCM riêng một năm tiêu hơn 86.000 tỷ cộng với Nhà nước, Chính phủ đầu tư riêng cho những công trình cấp quốc gia, nhà nước ở thành phố như các trường đại học, bệnh viện, tàu điện ngầm… không tính trong 86.000 tỷ thì phải lên hơn 100.000 tỷ một năm”, ông Bảo mở đầu phần ý kiến của mình.

Ông Bảo nêu con số 1.500 tỷ tính trên 100.000 tỷ thì chỉ chiếm khoảng 0,56% (giả thiết nếu xây nhà hát trong 3 năm). Nhưng nếu 30 năm mới xây một lần thì lại chỉ chiếm 0,056%. Ví như một gia đình có thu nhập 20 triệu/tháng mà tiêu cho giải trí chỉ 56.000 đồng nếu 3 năm xây 1 lần, nếu 10 năm xây một lần thì chỉ 5.600 đồng. Tức là con số rất nhỏ nhoi để có ý nghĩa làm việc khác. Con số đó quá nhỏ để đầu tư cho giải trí của một gia đình.

Thứ hai, ông Bảo cho rằng một thành phố lớn như TP HCM hiện không có một công trình nào thực sự là ấn tượng, là biểu tượng đại diện cho thành phố lớn nhất, giàu nhất nước, là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Thứ ba, nhiều người nghĩ rằng công trình này chỉ xây nhà hát nhạc vũ kịch, cao siêu quá không cần. Thế nhưng ông Bảo cho rằng nhà hát này xây và sẽ dùng đa năng, sẽ không thuần túy cho nhạc vũ kịch. Rất nhiều môn nghệ thuật khác có thể biểu diễn ở đây, nhiều sự kiện hội thảo quốc tế cần sang trọng, số đông thì đều có thể sử dụng nhà hát này nên có thể thấy công năng sử dụng lớn hơn.

“Vừa rồi kỷ niệm 30 năm, FPT có xây dựng chương trình về giao hưởng xây dựng nên quá trình 30 năm khát vọng của FPT. Từ khát vọng đổi mới đến khát vọng toàn cầu hóa, chinh phục thế giới vượt qua khó khăn ghềnh thác như thế nào… thì tôi thấy nhạc giao hưởng đấy đầy đủ cung bậc cảm xúc, công cụ phản ánh khắc khoải, đam mê, khát vọng, quyết tâm, nỗ lực thì tôi nghĩ chúng ta cần cái dòng nhạc đủ thể hiện những điều như vậy mà những dòng nhạc khác nó không thể hiện được”, lãnh đạo FPT lấy ví dụ.

Ông Bảo cho rằng nước Mỹ có 280 giàn nhạc giao hưởng, châu Âu như Anh, Pháp, Đức có khoảng 30-58 nhà hát, châu Á thì Nhật có 14 nhà hát, nhỏ như Hong Kong cũng có 8 cái, Đài Loan cũng 8 cái, Phillipines cũng 4 cái. Trong khi đó TP HCM không có nổi một cái. Và ông cho rằng nếu nghĩ chúng ta nhà nghèo không đọc sách, không nghe nhạc chúng ta không thể có tâm hồn để vượt nghèo, có khi càng không chi cho đọc sách càng nghèo hơn.

Tranh luận lại ý thứ nhất, ông Lâm Minh Chánh cho rằng chúng ta đang có những nhà hát đang trống. Thành phố hiện có Nhà hát thành phố giữa trung tâm, nhà hát Bến Thành, nhà hát trong Nhạc viện, nhà hát Hòa Bình... “Chúng ta đã sử dụng hết chưa? Tại sao chúng ta không nghĩ đến phương án lấy 1.500 tỷ đấy để làm lại những nhà hát đấy đủ chuẩn, không lớn, không hoành tráng nhưng cũng chủ chuẩn để diễn nhạc kịch”, ông Chánh bày tỏ quan điểm.

Ông Chánh cho rằng chúng ta cần làm bài toán để phân tích giữa được và mất khi làm nhà hát 1500 tỷ. “Nếu bỏ 1500 tỷ xây cái mới, giữ lại những cái cũ để đấy, được gì mất gì so với bỏ 300 - 400 tỷ đưa vào nhà hát cũ cải tạo nó lên, còn số tiền dư dùng chuyện khác cũng văn hóa nghệ thuật. Dân chúng tôi cần được biết cái so sánh đấy, bài toán nghiên cứu đấy. Chứ không xây cái mới bỏ cũ đi sẽ gây ra phản ứng”, ông Chánh nêu.

Tranh luận lại ý thứ hai: Ông Chánh cho rằng TP HCM đã có biểu tượng là chợ Bến Thành. Việt Nam là đất nước châu Á không nên chọn biểu tượng là nhà hát Opera để làm biểu tượng, vì đó không phải là văn hóa của chúng ta. Ông Chánh nêu quan điểm có nhiều cách tạo ra điểm nhấn cho thành phố, có nhiều cách để dân thưởng thức opera mà không cần phải bỏ tới 1.500 tỷ.

“Tôi đã nói rồi với cá nhân thì con số 1.500 tỷ là lớn nhưng như đã phân tích nó chỉ chiếm 0,56% tổng chi cho thành phố trong một năm. Mọi người hiểu nhạc giao hưởng thính phòng là dành cho lớp thượng lưu thực ra không phải. Người bình thường có thể xem, giá rất rẻ, vấn đề là do sự dàn dựng để hấp dẫn người dân. Tôi tin rằng với kiểu dư luận như này thì làm gì cũng phản đối. Nhà hát con sò của Úc lúc làm cũng phản đối quyết liệt. Sau bao năm vẫn chửi kinh khủng, giờ vẫn chưa có lãi nhưng hiện người ta đánh giá nó trị giá 46 tỷ USD…”, ông Bảo giữ quan điểm. Và lãnh đạo FPT cho rằng do việc kém truyền thông chứ không phải việc xây nhà hát không cần. Nếu truyền thông tốt có lẽ người dân đã không phản ứng như hiện nay.

Đáp lại ông Chánh cho rằng trước khi dùng ngân sách 1.500 tỷ dành cho nhà hát, chúng ta cần xem lại chúng ta đã chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nghèo, dân trung bình như thế nào. Người dân rất ít phương tiện giải trí. Chúng ta cần phải lo cho số đông trước khi lo cho số ít là những người biết thưởng thức nhạc giao hưởng Opera. Ông Chánh cũng viện dẫn rằng hiện tại người dân Việt Nam đọc sách thì ít mà uống bia thì nhiều. Hiện tại này cần phải thay đổi. Đó cũng là điểm mà hai doanh nhân cùng thống nhất.

Cuối buổi livestream, hai doanh nhân, mặc dù vẫn giữ quan điểm của mình: ông Bảo ủng hộ xây dựng nhà hát 1.500 tỷ, ông Chánh không ủng hộ, nhưng vẫn rất vui vẻ với nhau. Họ cùng cho rằng cộng đồng mạng xã hội cần phải tranh luận một cách văn minh, tranh ý chứ không tranh người và nhất là không nên ném những hòn đá “chửi bới”, “lăng nhục” vào người có ý kiến khác với mình.

>> 'Sống' - Đêm nhạc tràn đầy cảm xúc của FPT

BizLive

Ý kiến

()