Chúng ta

Ông viện trưởng... 'hâm tử tế'

Thứ năm, 21/6/2018 | 08:56 GMT+7

Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT - Trần Thế Trung (40 tuổi), được nhân viên gọi là người “hâm tử tế” vì ông luôn kiên trì nhường đường cho người đi bộ, mời những người khách dọc đường lên ô tô cá nhân, chở miễn phí.

5b4456575dtrungtute-yynw-2379-1529544451

Ông Trần Thế Trung phấn khởi khi dán decal lên chiếc xe đi làm để mời khách đi miễn phí.

Lâu nay, ông Trung luôn nhường đường cho người đi bộ. Mỗi lần như thế, ông lại nhận được một nụ cười của họ và cảm thấy có động lực để kiên trì thực hiện việc này, dù đang vội hay không, dù đường đông hay vắng. Mới đây, ông Trung lại có ý tưởng chở miễn phí những người đi đường dọc hành trình đi làm từ nhà đến cơ quan và ngược lại.

Ai cũng hoài nghi

Ông dán decal lên ô tô cá nhân với dòng chữ “Mời bạn đi xe miễn phí” ghi cụ thể lộ trình và thời gian đi - về của tuyến xe “lạ lùng” này. Hằng ngày, trên cung đường đi làm từ nhà riêng (ở Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) tới cơ quan ở đường Duy Tân (Cầu Giấy) chừng 15 km, ông lại ghé vào các trạm dừng chờ xe buýt để “bắt” khách. Hễ thấy ai cần đi, là ông xuống mời lên xe. Thế nhưng, điều trớ trêu là để "bắt" được khách đi miễn phí lại không hề đơn giản, vì “ai cũng tỏ ra hoài nghi về việc chở miễn phí này”, ông Trung kể.

Một buổi sáng, tôi cùng ông Trung “tử tế” xuất phát từ nhà riêng của ông đến cơ quan, thì thấy vị khách nào khi được ông mời, cũng hỏi có đúng là chở miễn phí không? Hoặc đây là chương trình gì, của đơn vị nào?... Ông Trung trình bày chỉ là ô tô cá nhân và do ông tự nghĩ ra cách giúp đỡ mọi người chứ không thuộc cơ quan, đơn vị nào cả. Có vị khách còn truy cả việc ông đi làm cái việc này thì cơ quan có biết không, gia đình có biết không?...

Bà Phạm Thúy Nga (ở D2A, Phương Mai) rất ngần ngại khi được mời lên xe, mặc dù bà đã chờ xe buýt gần 30 phút. “Tôi nhìn thấy xe có dòng chữ mời bạn đi xe miễn phí, nhưng không dám tin vì chắc gì đã là thật. Nhỡ lên xe rồi mà bị đòi tiền thì làm thế nào”, bà Nga chia sẻ khi đã ngồi trên xe.

Anh Hà Văn Hợi (sinh viên năm thứ 4, Trường đại học Khoa học tự nhiên) được mời lên xe khi đang đứng chờ xe buýt, tỏ ra ngần ngại: “Tôi nghĩ là xe chỉ dán decal đó để chơi, nên không dám vẫy vì sợ bị quê. Khi được mời lên xe, tôi thoáng nghĩ, điều gì đang xảy ra, liệu có thật thế không? Làm gì có người lạ nào lại tốt với mình đến vậy. Trên đời này, có ai cho không mình cái gì bao giờ. Nhưng tôi cũng tò mò cứ thử đồng ý xem có được đi thật không. Vậy nên tôi mới dám lên xe”.

Không chỉ nghi ngại, nhiều vị khách còn sợ khi được mời lên xe. Tại một trạm xe buýt, khi tôi cùng ông Trung mời một học sinh lên xe thì em này xua tay và bước đi rất nhanh như sợ bị bắt cóc. Còn một sinh viên nữ khác thì từ chối: “Cháu không biết là ai. Nhỡ lên xe rồi bị đưa đi đâu thì làm sao!”.

Những vị khách “dũng cảm” lên xe của ông Trung thì không khỏi xúc động khi được ông tận tình đưa đến tận nơi cần đến. Vị khách đầu tiên mà ông Trung chở đã thốt lên: “Từ lúc tôi đi làm đến lúc nghỉ hưu, giờ mới thấy có mô hình này. Mỗi người làm được một việc tốt thì xã hội sẽ tốt lên”. “Đây là việc tử tế, người tử tế”, anh Hợi cũng vui sướng chốt lại.

Dòng chữ dán trên xe đều làm mọi người tò mò. Khi ông Trung dừng lại mời khách ở một điểm đỗ xe buýt, có một số người hành nghề chở khách kéo nhau ra xem, ngó nghiêng chiếc xe “xịn” lại có biển chở miễn phí thì tỏ ra rất nghi ngờ, thậm chí còn định xua đuổi vì sợ bị tranh giành khách.

5b4456575dkhachtrung-swln-8849-152954445

Bà Phạm Thúy Nga vui mừng khi được mời lên xe chở miễn phí.

Sung sướng vì đem lại niềm vui cho người khác

Lý giải về việc làm của mình, ông Trung thật thà: “Tôi cũng không biết ý tưởng này đến từ đâu. Cũng không rõ ràng muốn gì ở việc này. Nó chỉ đến một cách ngẫu hứng, khi đi qua các trạm xe buýt, thấy cảnh mọi người mệt mỏi đứng chờ, thì tôi chợt nghĩ đến cảnh ngày xưa mình cũng phải đi xe buýt. Lúc mệt mỏi thấy có xe đi qua trước mặt, tôi từng thầm mong có một phép màu để mình được lên xe đi cùng. Tôi thấy vui vì mình đã mang lại niềm vui cho người khác”.

Ông Trung so sánh: “So với thời gian đi làm mà không đón khách và thời gian có chở khách miễn phí, thì tôi chỉ mất thêm khoảng 5 phút”. Khi hỏi vợ con có biết việc này không thì ông Trung bảo: “Vợ tôi không biết và cô ấy không để ý đến những việc này. Cô ấy biết tính tôi rồi…”. Ông Trung cũng cho hay, vợ ông làm bác sĩ, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nên rất bận.

Hằng ngày, ông vẫn giúp vợ công việc gia đình và không làm ảnh hưởng gì đến việc nhà và việc cơ quan. Còn vợ và 2 con gái của ông (một cháu học lớp 5, một cháu học lớp 3) thì hằng ngày vẫn đi bộ đi làm và đi học do trường học và cơ quan đều ở gần nhà. “Khi tôi làm việc này, có nhiều người lo cho tôi về sự mất an toàn, nhưng khó khăn lớn nhất với tôi là mọi người còn hoài nghi, nên chưa nhiều người dám đi. Đó cũng là phản xạ tự nhiên thôi và có lẽ những người trải nghiệm rồi thì sẽ hiểu”, ông Trung bộc bạch.

Thấy ông Trung tận tình đưa đón người dưng, những người dân trên đường cũng ngạc nhiên, xúc động. “Lần đầu tiên tôi thấy có việc này. Có những xe như thế sẽ giúp cho nhiều người dân không có điều kiện về kinh tế”, chị Nguyễn Bích Thủy (ngụ Phương Mai) nói. Nhận xét về việc làm của ông Trung, một đồng nghiệp, cũng là một nhân viên đầu tiên được ông chia sẻ ý định này, anh Đặng Hoàng Vũ hài hước nói: “Việc này cũng hâm, nhưng là hâm tử tế. Cần phải phát huy loại hâm này”.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Năm 18 tuổi, ông Trung được trao giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu do T.Ư Đoàn lần đầu tiên tổ chức bình chọn vì đạt huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế 2 năm liên tiếp (năm lớp 11 và lớp 12). Sau đó, ông Trung sang Úc học đại học (ĐH) và tốt nghiệp cử nhân ngành toán lý tại ĐH Quốc gia Úc.

Do đam mê nghiên cứu khoa học, ông lại sang Pháp làm luận án thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ về vật lý thiên văn tại ĐH Paris 6. Năm 2005, ông Trung hoàn thành luận án tiến sĩ nhưng vẫn ở lại Pháp để tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ với đề tài “Khí quyển sao Hỏa”. Năm 2007, ở tuổi 30, với nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, được nhiều lời mời hấp dẫn làm việc ở nước ngoài, nhưng ông Trung về nước làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH FPT.

>> FPT Software mang công nghệ ‘hot’ nhất đến cộng đồng

Thanh Niên

Ý kiến

()