Chúng ta

Ông Trương Gia Bình: 'Start-up nhỏ có lợi thế trong cách mạng 4.0'

Thứ tư, 21/6/2017 | 08:11 GMT+7

Chia sẻ trực tuyến trên VnExpress, Chủ tịch FPT cho rằng với cách mạng 4.0, các bạn trẻ có thể làm ngay không cần suy tính về dòng vốn.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra sáng 20/6, trên VnExpress, Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình cùng ông Phạm Văn Tam - CEO Công ty Asanzo Việt Nam chia sẻ những cơ hội lẫn thách thức cho start-up Việt trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh: Quý Nguyễn.

Ảnh: Quý Nguyễn.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước nhưng không nên bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghệp 4.0.

"Nếu Việt Nam không đón được sóng, dễ rơi vào tình trạng 'đã già lại còn nghèo', 'một người phải nuôi cả 4 người' chưa kể nhiều vấn đề khác. Chỉ có một con đường là phải bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0", ông Bình bày tỏ.

Theo ông Bình, 4.0 đang diễn ra với tốc độ chóng mặt bởi có sẵn nền tảng từ 3 cuộc các mạng trước và gần như lúc này đang "đứng trên vai các cuộc cách mạng".

"Thời gian tới, các bạn không còn trầm trồ ngạc nhiên khi mọi ôtô có thể tự vận hành mà không cần người lái, thậm chí các dòng máy bay cũng vậy. Tôi cũng hình dung sẽ có nhiều thành phố không còn đèn xanh đèn đỏ; quần áo găn lượng chip khổng lồ nhằm kiểm soát các hành vi, tình trạng sức khỏe...", ông Bình nhận định.

Đồng quan điểm với ông Trương Gia Bình, ông Phạm Văn Tam cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng đến tư duy và cả hành động của mọi người dân Việt Nam. Ngay trong công ty của Asanzo Việt Nam, vị CEO cũng từng bước ứng dụng công nghệ để thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.

Nếu như trước đây khách hàng dùng phiếu bảo hành, thì ngay từ những ngày đầu vận hành doanh nghiệp, vị CEO trẻ tuổi đã sử dụng các phần mềm thay thế. Mọi thông tin của khách hàng sẽ được thu thập lại, dễ dàng kiểm tra, đối chiếu và tiết kiệm chi phí không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả người dân.

Ảnh: Quý Nguyễn.

Ảnh: Quý Nguyễn.

Đánh giá về cơ hội của cộng đồng khởi nghiệp tại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Bình cho biết, tiềm năng của Việt Nam rất lớn khi 65% dân số đều dưới độ tuổi 35 thích học hỏi, thích Internet. Dù vậy, khởi nghiệp luôn gắn với tính mạo hiểm.

Theo ông Bình, nếu các cuộc cách mạng trước cần nhiều tiền bởi thiên về phần cứng, thì với 4.0 chỉ thiên về ý tưởng, công nghệ, các bạn trẻ có thể làm ngay không cần suy tính về dòng vốn. Do đó, những nhóm nhỏ cá nhân vẫn có nhiều lợi thế. Các bạn trẻ có thể đi từ những ngành tiểu ngạch, tận dụng những gì sẵn có.

Chủ tịch FPT cũng khuyên các start-up nên mở ra nhiều chiều, trong đó có chiều công nghiệp. “Ngày xưa thiên về thương mại điện tử, thanh toán thì nay thế giới đang thiếu trầm trọng các start-up phục vụ doanh nghiệp”, Chủ tịch tập đoàn FPT khuyên các start-up.

Từ hệ sinh thái (Ecosystem) đang được xây dựng tại FPT, ông Bình cho rằng, cơ hội cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp lúc này nhiều vô tận. Hầu hết các công ty đều làm ra sản phẩm để phục vụ khách hàng. Với những ứng dụng trong cách mạng số, các start-up có thể phát triển các ứng dụng cụ thể, riêng biệt cho từng lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển...

Ảnh: Quý Nguyễn.

Ảnh: Quý Nguyễn.

Ở khía cạnh khác, CEO Asanzo lại có quan điểm bình dân hóa thành tựu của cách mạng 4.0 vào hoạt động khởi nghiệp - như chính định hướng mà công ty này đang theo đuổi.

"Quan trọng là làm thế nào 4.0 bình dân hóa trong suy nghĩ của cộng đồng, để họ thấy không còn cản trở và không còn sợ sự thay đổi", ông nói.

Tuy đứng trước vô vàn cơ hội, nhưng hai vị lãnh đạo tập đoàn thừa nhận, các startup cũng sẽ gặp khó khăn trong cuộc cách mạng công nghiệp này. Trong đó,  hạn chế về ngoại ngữ được các chuyên gia đánh giá là rào cản lớn cho nguồn nhân lực thế hệ 4.0.

Đi ngược với lo ngại của nhiều người về sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn con người thật, ông Bình cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trước. Bởi yếu tố cá thể hóa là một trong những đặc điểm của cách mạng 4.0. Các ý tưởng đưa ra chỉ phục vụ cho một cá nhân. Mỗi sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật sẽ mở ra nhiều việc làm hơn với điều kiện doanh nghiệp biết chủ động khai thác lợi thế; để bị động sẽ lạc hậu.

"Thách thức hay không phụ thuộc vào cách mà chúng ta ứng xử với cơ hội", ông Tam cho biết.

Tại tọa đàm, hai vị khách hàng cũng nhận nhiều câu hỏi từ độc giả VnExpress, từ quá trình khởi nghiệp đến kinh nghiệm nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Kể lại câu chuyện khởi nghiệp của mình khi đứng trước khó khăn lớn nhất là cạnh tranh với các thương hiệu tivi nước ngoài, chủ hãng Asanzo cho biết, thành công của doanh nghiệp một phần là nhờ có tư duy cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường.

"Với cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức và rủi ro đều song hành, tuy nhiên khi các cơ chế chính sách của Chính phủ khuyến khích thì các start-up Việt nên bắt đầu ý thức thay đổi tùy nhu cầu và khả năng tài chính của mình", ông Tam nói.

VnExpress

Ý kiến

()