Người Việt rất thông minh, nhưng đứng ở tầm quá thấp
Ông Nguyễn Thành Nam - cựu CEO Tập đoàn FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT. |
Ông Nguyễn Thành Nam - cựu CEO Tập đoàn FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT
Tại hội thảo “Tôi khởi nghiệp” kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FYT), Phó Chủ tịch ĐH FPT, nguyên Tổng Giám đốc (CEO) FPT Nguyễn Thành Nam nhắn nhủ các bạn trẻ khi khởi nghiệp (Start-up), phải nhìn ra thị trường toàn cầu rộng lớn, chứ không chỉ nhìn vào thị trường 92 triệu dân của Việt Nam.
“Nếu chỉ dặn một chữ các bạn làm gì khi khởi nghiệp thì ngay ngày đầu tiên, chúng ta đã phải nghĩ đến một thị trường toàn cầu, đã phải nghĩ đến thế giới, đã được kết nối với thế giới, bằng với thế giới” – ông Nguyễn Thành Nam khuyên nhủ.
Với FPT, ông cho rằng FPT có thể đạt thị trường 1 tỷ USD nhưng vẫn chỉ là 1 công ty Việt Nam. Toàn cầu hóa đang là mơ ước. Sở dĩ như vậy, ông Nam cho rằng “vì ngày đầu chúng tôi không dám nghĩ chúng tôi có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty công nghệ khác trên thế giới... Đáng lẽ FPT phải toàn cầu hóa ngay từ đầu”.
Bây giờ, nói tới toàn cầu hóa FPT là nói tới SMAC (viết tắt của Social - Xã hội, Mobile - Di động, Analytics - Phân tích, dựa trên Dữ liệu lớn và Cloud - Đám mây). “Thời chúng tôi bắt đầu, lúc bấy giờ mới có công nghệ thông tin. Máy tính cá nhân lúc ấy rất ít người có. Việt Nam lúc ấy rất không lạc hậu về mặt công nghệ so với các nước khác”.
“Năm 1988 cũng là một năm có cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới. Nhưng mình không dám đặt mình ngang tầm với người ta mà chỉ tìm cách giải quyết vấn đề của mình, không biết, không quan tâm thế giới có vấn đề gì, không dám giải quyết” – ông Nam thuật lại.
Ông buồn bã kể rằng, năm 1986, một ông giám đốc công nghệ một công ty phần mềm của Malaysia nói với ông rằng: “Người Việt các bạn rất thông minh, nhưng các bạn đứng ở tầm quá thấp”.
40 năm trước, công nghệ Việt Nam có thể nói như ông Nam, không lạc hậu so với thế giới. Nhiều cán bộ đã được cử ra nước ngoài học công nghệ tại những trường tốt nhất. Nhưng 40 năm sau, ông Nam than thở: Rất tiếc phải nói là khoảng cách về khoa học kỹ thuật của chúng ta đã xa hơn trước.
Không nghĩ lớn, Việt Nam sẽ thành thị trường của thế giới
Ông Nguyễn Hòa Bình – CEO của PeaceSoft – chia sẻ PeaceSoft cũng đang bước những bước tiến toàn cầu hóa và mơ giấc mơ doanh số 1 tỷ USD.
“Bạn chỉ thực sự thành công nếu bạn thành công ở bên ngoài nhà. Ở trong nhà mình thì quá đơn giản, thuận lợi. Sang nhà hàng xóm mà vẫn thành công được mới là giỏi” – ông Bình ví von.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo một nguy cơ khi toàn cầu hóa. “Nếu chúng ta không hành động, họ sẽ đến” – ông Bình nhận định.
“10 năm nữa, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có khả năng sẽ toàn là người Hàn Quốc, người Nhật... Sẽ có một làn sóng di cư ngược những người trẻ ở các quốc gia khác. Họ sẽ đến chiếm công việc của chính các bạn. Xu hướng toàn cầu hóa không thể thay đổi được”.
“Vậy tại sao chúng ta không nghĩ cách biến các thị trường khác thành thị trường của chúng ta, thay vì chúng ta là thị trường của họ?” – ông Bình gợi ý.
“Tôi biết rất nhiều bạn ở FYT đã lập doanh nghiệp nhưng tôi cũng biết rất ít bạn nghĩ rằng mình sẽ bán sản phẩm này trên toàn cầu. Nếu chúng ta có nhu cầu, tại sao các nước khác không có nhu cầu? Nhiều bạn tự hào được vào làm Google. Tôi thấy vào làm Google chả có gì tự hào, chỉ làm công ăn lương” – cựu CEO Nguyễn Thành Nam nhìn nhận.
Về vấn đề toàn cầu hóa, cựu CEO FPT cho rằng hiện ở Việt Nam mới chỉ có hai người đặt ra được vấn đề này.
Một là ông Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Viettel với câu nói: Thị trường phải đến 1 tỷ dân mới là thị trường của Viettel. “Thị trường rộng dễ chơi hơn rất nhiều”, ông Nam nhận định.
“Người thứ hai còn hay hơn ông Hùng, là Nguyễn Hà Đông. Không cần hô khẩu hiệu, bạn ấy viết chương trình và chơi... Điểm tôi nể phục Nguyễn Hà Đông là ngay từ ngày đầu đã nhìn thị trường là thế giới toàn cầu”.
“Điều tôi muốn nhắn nhủ là: Các bạn hãy cố gắng làm gì thì hãy nhìn thị trường tỷ dân. Tỷ USD không quan trọng bằng tỷ người. Có tỷ người sẽ có tỷ USD. Các bạn sẽ đứng trên làn sóng toàn cầu hóa và tiến bộ hơn rất nhiều, giúp rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới” – ông Nam khuyên nhủ.
Trí thức trẻ
Ý kiến
()