Chúng ta

Nắm cơm nóng cho người vô gia cư

Thứ sáu, 10/7/2015 | 10:43 GMT+7

Hơn một năm nay, ngày nào Trịnh Thị Hân, sinh năm 1990, sinh viên năm cuối Trường ĐH FPT, cũng dành vài ba tiếng đồng hồ để đi làm giúp việc gia đình. Hằng đêm, Hân lại dùng chính số tiền có được từ công việc “ô sin” để mua gạo, làm những hộp cơm nắm trộn với muối lạc, vừng, đi xe máy trao đến tận tay người vô gia cư ở Hà Nội.

Nắm cơm nóng giữa đêm

Các điểm đông người vô gia cư Hân thường mang cơm đến là ở Ga Hà Nội, Bến xe Giáp Bát, gầm cầu Long Biên, gầm cầu Chương Dương, phố Bà Triệu… 21h, tôi gặp Hân lúc em đang cùng nhóm bạn nấu cơm dành cho người vô gia cư. Đưa tay xới nồi cơm to, trán lấm tấm mồ hôi vì hơi nóng, Hân cho biết, mỗi nồi cơm được nấu từ 7 đến 10 kg gạo thơm. Để có tiền mua loại nồi cơm điện cỡ lớn này, Hân đã phải dành dụm tiền làm giúp việc hơn một tháng. Vì phòng trọ nhỏ nên Hân chọn sân thượng của tòa nhà làm khu bếp để nấu cơm.

7a-moi-GSSW-1836-1436492048.jpg

Nhiều người vô gia cư xúc động khi biết hoàn cảnh của Hân và quý cô gái như con cháu. Ảnh: Quang Lộc.

Cơm chín, các bạn trẻ tỉ mỉ nhào nặn bằng chiếc khăn trắng cho đến khi quyện lại với nhau. Các nắm cơm được đựng cẩn thận trong từng chiếc hộp cùng với túi muối lạc trộn vừng đã chuẩn bị sẵn. Dưới cái nóng oi bức của mùa hè, lúc nồi cơm được vét đến hạt cuối cùng cũng là lúc chiếc áo của các thành viên trong đội ướt đẫm mồ hôi. Dù vậy, khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm vui.

23h giờ đêm, hơn 60 suất cơm được sắp xếp ngay ngắn trên xe máy, Hân cùng nhóm bạn lên đường đến với các điểm có nhiều người vô gia cư ở Hà Nội. Hân cho biết, cô thường phát cơm tuần hai buổi cố định vào thứ 3 và thứ 6. Thời gian phát cơm thường từ 23h đêm đến 2h sáng hôm sau. 

Điểm đến đầu tiên của nhóm là Ga Hà Nội. Vừa phát cơm cho những người vô gia cư, Hân và nhóm bạn luôn miệng cười bảo “chúng cháu xin lỗi vì hôm nay đến trễ hơn mọi hôm làm các bác phải chờ, chúc các bác ngon miệng”. Hân cho biết, nhóm của cô luôn nhắc nhau rằng, trao cơm cho người nghèo làm sao để họ nhận không chỉ là suất cơm mà còn cả tấm lòng của người trao. 

Chị Nguyễn Thị My (quê Bắc Giang) đang làm kế toán ở Hà Nội, thành viên trong đội cười tươi chia sẻ, “công việc này tuy vất vả nhưng ý nghĩa, mình có thể giúp đỡ được nhiều người kém may mắn. Khi trao tận tay hộp cơm cho người vô gia cư, thấy họ đón nhận, trân trọng hộp cơm, nở nụ cười mình cũng thấy ấm lòng”.

Sau Ga Hà Nội, nhóm tiếp tục hành trình đến Bến xe Giáp Bát, gầm cầu Long Biên, cầu Chương Dương, các cây ATM… Hơn 1h sáng, trên tay Hân còn lại hộp cơm cuối cùng. Tiễn các bạn về nhà trước, một mình Hân đến phố Bà Triệu. “Mình đem phần cơm này cho bà ở trước tòa nhà Vincom Bà Triệu. Mình quý bà ấy như bà mình vậy. Lúc nào đi phát cơm, mình đều cất một suất mang đến cho bà”, Hân nói.

Người mà Hân nói đến là bà Dương Thị V, 67 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Vừa thấy Hân, bà V cười bảo,

“Từ bé, mình và bà nội phải sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn đủ bề. Vì thế, hơn ai hết mình luôn có sự đồng cảm và tình thương đặc biệt với những người khó khăn, bất hạnh. Mình mong muốn sau này có thể mở được một quán cơm 5.000 đồng cho những người nghèo. Để họ có được những suất cơm ngon, đầy dinh dưỡng, giá rẻ”, Trịnh Thị Hân chia sẻ

“hôm nay là thứ 3, bà biết kiểu gì cháu cũng tới. Bà định mua xôi rồi nhưng nghĩ tới con nên bà dành tiền lại”. “Cơm đang nóng, bà ăn đi kẻo đói rồi bà cháu mình nói chuyện bà nhé”, Hân bảo.

Hân chia sẻ, tháng trước trong một lần phát cơm ở phố Bà Triệu, cô gặp chị Nguyễn Thị Quế (SN 1981) ở Thanh Hóa đã mang bầu gần 9 tháng cùng đứa con gần 2 tuổi lang thang ở đường phố, ngủ ở lề đường. Không chỉ phát cơm cho 3 mẹ con, Hân còn xin lại số điện thoại và viết số điện thoại mình trên mảnh giấy cho chị Quế và dặn nếu gặp khó khăn thì gọi cho cô.

Mấy tuần sau, Hân nhận được điện thoại cầu cứu từ chị Quế khi chị chuyển dạ nhưng không có người thân bên cạnh. Không có tiền, Hân ngược xuôi vay mượn bạn bè được gần 4 triệu đến đưa chị Quế đi Bệnh viện C sinh con. “May mà vào viện mẹ tròn con vuông, mình cũng thấy hạnh phúc. Còn số tiền mình vay mượn cũng không phải dùng đến vì có tiền từ quỹ từ thiện của bệnh viện. Lúc cô ra viện mình mua mấy hộp sữa cho cô và khuyên cô đến xin ngôi chùa nào đó ở nuôi con và cô bảo đang suy nghĩ”.

Bà Ngô Thị An (quê Hòa Bình) không có nhà, hằng ngày bà nhặt ve chai ở Ga Hà Nội, cho biết, “tôi được Hân phát cơm đã nhiều lần. Khi nói chuyện và biết hoàn cảnh của Hân tôi cảm động và biết ơn cháu lắm. Nhờ cơm của cháu mà tôi chống được cái đói lúc đêm”, bà An nói.

7b-kftd-7728-1436492048.jpg

Hân nắm cơm nóng cho người vô gia cư.

Sống không chỉ cho riêng mình

Nhìn cô gái trẻ luôn nở nụ cười tươi trên môi, ít ai biết cô đã phải trải qua nhiều nỗi đau, mất mát. Kể về bản thân mình, giọng Hân chùng xuống. Hân sinh năm 1990 tại Việt Yên (Bắc Giang).

Khi Hân mới được 18 tháng tuổi, cả bố và mẹ mất trong một vụ tai nạn lở núi. Bố, mẹ Hân qua đời để lại 4 người con thơ dại. Anh cả khi đó mới 7 tuổi, cô em út được 6 tháng. Sau đó, 3 người con đầu (trong đó có Hân) về ở với bà nội, còn em út được gửi sang ở với người bác ruột. Khi Hân lên 16 tuổi, bà của Hân qua đời. Sau đó, Hân chuyển về ở với bà ngoại.

Học xong THPT, cô được họ hàng bảo lãnh sang sinh sống và làm việc ở Nga. Sang xứ người được 4 năm, năm 2011, vì nỗi nhớ quê hương, Hân quyết định về lại Việt Nam. Cô ôn thi lại đại học và đậu vào Trường Đại học FPT.

Hân chia sẻ, từ bé, cô và bà ngoại sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn đủ bề. Vì thế, hơn ai hết, Hân luôn có sự đồng cảm và tình thương đặc biệt với những người khó khăn, bất hạnh.

Đi học ĐH, để có tiền làm từ thiện, Hân chọn làm công việc “ô sin”, khi thì đi quét dọn cho các tòa nhà chung cư, khi thì đi trông con cho các gia đình. Số tiền mỗi tháng Hân kiếm được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Biết Hân đi làm để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, nhiều chủ nhà cũng giúp đỡ thêm. Ngoài ra, Hân còn xin lại thức ăn thừa, xin những vỏ chai, lọ để dành cho những người khốn khó.

Ngoài phát cơm nắm cho người vô gia cư, Hân còn tích cực kêu gọi mọi người quyên góp thêm quần, áo ấm, sách vở cho trẻ em vùng cao. Tháng 10/2014, hơn 10 bao tải đựng quần áo, sách vở giá trị gần 20 triệu đồng đã theo Hân lên với bà con dân bản ở Lùng Tám (Hà Giang). Tháng 4/2015, ở Hà Nội, Hân kết hợp với các bạn của CLB Guitar tổ chức chương trình văn nghệ và quyên góp cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận.

“Mình mong muốn sau này có thể mở được một quán cơm 5.000 đồng cho những người nghèo. Để họ có được những suất cơm ngon, đầy dinh dưỡng, giá rẻ”, Hân nói về ước mơ giản dị của mình.

>> FPT HCM tổ chức hiến máu lần thứ 4 trong năm

Tiền Phong

Ý kiến

()