Chúng ta

Live streaming: 
hào hứng và âu lo

Thứ ba, 9/8/2016 | 08:20 GMT+7

285.000 là số người xem trên Facebook ngay tại thời điểm diễn ra đêm nhạc Đinh Mạnh Ninh Live! (tối 30/7 tại rạp Công Nhân, Hà Nội). Cùng thời điểm đó, có 45.853 người xem buổi diễn trên FPT Play.

Có vẻ như những nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam đang tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho thị trường biểu diễn ca nhạc sau nhiều tháng ngày lay lắt sáng đèn, vắng vẻ khán giả…

Với sự tiện lợi, nhanh chóng của Facebook Live và YouTube, ngay cả những tên tuổi “nóng” nhất thế giới như Beyonce, Taylor Swift hay Adele... (từng không có thiện cảm với nhạc số trước đó) nay cũng đều đã đồng ý phát hành album nhạc số cũng như nhiều hình thức cung ứng dịch vụ âm nhạc số khác để thích ứng với nhu cầu của thị trường toàn cầu.

live-fpt-play-3284-1470649887.jpg

Diễn viên Hàn Quốc Han Min Chae và ca sĩ Đinh Mạnh Ninh trong chương trình Đinh Mạnh Ninh LIVE! (30/7 tại Hà Nội), chương trình đầu tiên được live streaming cả một live concert cũng như được thu âm trực tiếp đúng chuẩn phòng thu. Chương trình được đánh giá là tiên phong cho trào lưu làm show live streaming một cách chuyên nghiệp tại VN - Ảnh: Mỹ Thanh.

Tại Việt Nam, ngoài Đinh Mạnh Ninh, Sơn Tùng M-TP, đã có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ sử dụng ứng dụng Live trên Facebook để “trực tiếp” phần trình diễn, giới thiệu ca khúc mới của mình trên trang cá nhân như: Tóc Tiên, Mai Khôi, Trúc Nhân, Thanh Duy...

Dẫu là một hướng đi mới, được ủng hộ và vận dụng ngày một nhiều nhưng live streaming hay trực tuyến (online) các buổi diễn, sản phẩm âm nhạc vẫn để lại không ít băn khoăn cho khán giả lẫn người trong cuộc.

“Nếu làm live concert, giỏi lắm mới có khoảng 20.000 khán giả đến xem, mà điều này là cực hiếm trong showbiz Việt. Vậy nên live streaming là một ý hay.

Quan trọng là ý tưởng này nhằm vào mục đích gì. Nếu muốn có một “big concert”, thật nhiều người xem hay có một đêm diễn thật xôm tụ lượt người xem, bình chọn, tương tác qua lại trên mạng thì hình thức này hoàn toàn phù hợp.

Còn nếu coi đây là cứu tinh cho thị trường âm nhạc thì chưa chắc vì nếu chỉ chạy theo công nghệ, thị hiếu của khán giả hay yêu cầu từ những đơn vị tài trợ thì mọi việc sẽ lại như cũ, thậm chí tệ hơn...” - đó là chia sẻ của ca sĩ - nhạc sĩ Vũ Cát Tường.

Trong khi đó ca sĩ Ông Cao Thắng - giám đốc, nhà sản xuất của Six Senses Entertainment JSC - lại đưa ra một quan điểm khác: “Tôi nghĩ hình thức live streaming sẽ được nhiều ca sĩ áp dụng hơn trong thời gian tới, nhưng nó sẽ nghiêng về hướng là một đêm hay buổi diễn có tính chất giao lưu nhiều hơn là những live concert thực thụ.

Còn ở góc độ là một ca sĩ, một bầu sô hay nhà sản xuất, tôi vẫn hứng thú hơn khi tổ chức những live concert thật chất lượng.

Tôi thấy âm nhạc cũng như bóng đá vậy, một trận cầu hay dù đã được truyền hình trực tiếp trên truyền hình khắp thế giới nhưng vẫn có rất nhiều khán giả sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để mua vé vào xem trực tiếp nơi sân cỏ, hòa vào không khí nơi đó.

Nghệ sĩ làm cách nào để có thể lôi kéo được khán giả, người nghe dành thời gian và tiền bạc đến với mình mới là một thách thức.

Khi đã kéo được hàng ngàn người nghe đến live concert của mình rồi thì có thêm bất cứ hình thức phát hành cộng thêm nào khác như live streaming trên YouTube, Facebook hay truyền hình Internet... là chuyện 
không quá khó”.

Ở góc độ khán giả, Hoàng Minh Tiến - một bạn yêu nhạc và cũng đang tập tành làm phòng thu ở Q.5, TP.HCM - viết trên trang cá nhân: “Live stream là chuyện hay".

Nhưng làm sao để buổi live streaming của mình tuyệt hảo như một buổi biểu diễn sống với chất lượng hình ảnh, âm thanh, không khí sống động, truyền đi những thông điệp mạnh mẽ và tích cực đến người xem, xã hội thì đó mới là đẳng cấp.

Và chúng ta vẫn đang chờ đợi những nghệ sĩ khẳng định được đẳng cấp của mình trong thời đại số”.

>> Show Đinh Mạnh Ninh trên FPT Play bội thu khán giả

Tuổi Trẻ

Ý kiến

()