Chúng ta

FPT tìm lời giải cho mục tiêu 1 tỷ USD toàn cầu hóa

Thứ sáu, 3/4/2015 | 09:13 GMT+7

Ngày 3/4, Tập đoàn FPT sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông và một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu là làm sao để đạt doanh thu 1 tỷ USD từ toàn cầu hóa vào năm 2020, trong khi năm 2014, con số này mới là 170 triệu USD.

Doanh thu từ thị trường toàn cầu của FPT trong 3 năm gần đây (2012-2014) luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 33% mỗi năm. Năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 174 triệu USD (tương đương 3.684 tỷ đồng), tăng 37% so với năm 2013.

Trong các thị trường nước ngoài của FPT, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu là ba thị trường chính. Trong đó, đóng góp doanh thu lớn nhất là Nhật Bản và Mỹ; còn thị trường châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

2015-04-03-053452.jpg

Bảng số liệu doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2014 của FPT.

Để đạt 1 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài vào năm 2020, FPT không còn cách nào khác là phải đạt mức tăng trưởng 34%/năm. Bởi thế, FPT đã xây dựng được những năng lực chuyên sâu phù hợp tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt, đẩy nhanh tốc độ chiếm lĩnh thị trường và quy mô tăng trưởng ở một số thị trường trọng điểm.

Chẳng hạn như tại thị trường Nhật Bản, nguồn nhân lực CNTT đang khá khan hiếm, các doanh nghiệp nước này đang tìm kiếm nguồn nhân lực bổ sung từ các thị trường bên ngoài Nhật Bản. Đây cũng là lý do chính để FPT quyết tâm thực hiện Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) cho thị trường Nhật Bản với mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2017 sẽ đào tạo được khoảng 2.000 BrSE tại Nhật Bản. Hiện FPT đang nhận được những cam kết mạnh mẽ từ các công ty hàng đầu của Nhật Bản như Hitachi, Fujitsu, Toshiba.

BrSE-n-5424-1425460635-8172-1428022831.j

FPT thực hiện chương trình 1.000 kỹ sư cầu nối để tiếp tục chinh phục thị trường Nhật Bản.

Còn tại Mỹ, với việc trở thành một trong những đối tác phát triển ứng dụng theo các xu hướng công nghệ mới cho các dịch vụ truyền hình do hãng truyền hình vệ tinh hàng đầu của Mỹ, DTV cung cấp, FPT xem việc cung cấp dịch vụ S.M.A.C (Social - Mobile - Analytics - Cloud) là “con át chủ bài” cho việc phát triển mạnh hơn nữa ở thị trường này.

Xác định công nghệ mũi nhọn cho toàn cầu hóa

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình từng nói: “Xu hướng S.M.A.C và Internet of Things trên toàn cầu đã mang lại cơ hội không giới hạn cho FPT. FPT có lẽ đang tích cực chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để biến những cơ hội này thành hiện thực. FPT cũng đã xác định cung cấp dịch vụ/giải pháp dựa trên công nghệ S.M.A.C là mũi khoan toàn cầu hóa quan trọng nhất của FPT”.

Năm 2014, mũi khoan này đã mang về cho FPT doanh thu 628 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với năm 2013.

Hiện FPT đang có những cơ hội khá tốt trong việc đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng doanh thu từ các giải pháp/dịch vụ trên nền công nghệ S.M.A.C.

11-4816-1428022831.jpg

FPT xác định công nghệ là mũi nhọn để toàn cầu hóa.

Đơn cử như với khách hàng DTV, năm 2015, quy mô nhân sự làm việc cho dự án với khách hàng này sẽ đạt con số 600 người, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Hay như tại thị trường Nhật Bản, sau thành công của các dự án cung cấp dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ cloud cho các công ty hàng đầu tại Nhật Bản như Toshiba, Calsonic Kansei, Gulliver... FPT đang có những tín hiệu khá tốt từ thị trường này.

Trong Ngày Công nghệ điện toán đám mây 2015 do Tập đoàn Nikkei tổ chức, đã có hơn 200 đại diện doanh nghiệp của Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đến các giải pháp/dịch vụ liên quan đến công nghệ Cloud mà FPT giới thiệu tại sự kiện.

Liên tiếp bổ nhiệm nhân sự cho toàn cầu hóa

Tháng 5/2014, Ban lãnh đạo FPT được bổ sung hai chức danh mới Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Toàn cầu hóa (ông Dương Dũng Triều) và Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Nguồn lực Toàn cầu hóa (ông Nguyễn Khắc Thành). Một trong những lý do được FPT đưa ra là để góp phần thúc đẩy việc thực thi chiến lược Toàn cầu hóa.

5 tháng sau, Hội đồng Quản trị FPT tiếp tục thông qua việc bổ nhiệm tạm thời ông Tomokazu Hamaguchi, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) và ông Dan E Khoo, Chủ tịch Danh dự của Liên minh CNTT Thế giới (WITSA) là các Thành viên HĐQT độc lập. Do đó, HĐQT FPT hiện có 3/7 thành viên là người nước ngoài.

Các thành viên mới được kỳ vọng sẽ tư vấn, chỉ đạo thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia đang phát triển. Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT năm 2015 vào ngày 3/4 tại Khách sạn Daewo Hà Nội, Hội đồng Quản trị FPT cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc bổ nhiệm chính thức hai thành viên HĐQT độc lập này.

Không chỉ bổ nhiệm nhân sự cho toàn cầu hóa ở cấp tập đoàn, mới đây, FPT cũng đã bổ sung lãnh đạo nước ngoài phụ trách các thị trường trọng điểm xuất khẩu phần mềm - mảng có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong tổng doanh thu từ toàn cầu hóa của FPT. Đó là ông Malay Verma, cựu Giám đốc Wipro làm Giám đốc Kinh doanh FPT USA và ông Hatakeyama Tsutomu (cựu lãnh đạo DHL, Unilever), Phó giám đốc FPT Japan.

Kỳ vọng của FPT khi bổ nhiệm hai vị lãnh đạo này là doanh thu từ mảng dịch vụ doanh nghiệp tại thị trường Nhật sẽ đóng góp 20% vào tổng doanh thu của thị trường này và nhanh chóng có được nhiều khách hàng mới trong danh sách Fortune 1000 tại thị trường Mỹ.

Với những hướng đi trên, có lẽ FPT đã từng bước tìm ra lời giải cho việc chinh phục mục tiêu “1 tỷ USD từ toàn cầu".

Báo Đầu tư

Ý kiến

()