Chúng ta

FPT Telecom đứng thứ 47 trên thế giới về triển khai IPv6

Thứ ba, 25/10/2016 | 17:34 GMT+7

Tổng giám đốc FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT Telecom hiện đứng thứ 47 trên thế giới và xếp vị trí thứ 2 tại Việt Nam về triển khai IPv6.

Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia vừa có buổi làm việc với FPT Telecom về tình hình triển khai IPv6 tại doanh nghiệp này ngày 25/10.

Tại buổi làm việc, ông Khoa cho biết theo thống kê của Akamai tính đến ngày 25/10, FPT Telecom hiện đang đứng thứ 47 trên thế giới về triển khai IPv6 và xếp vị trí thứ 2 tại Việt Nam sau VNNIC.

IMG-2235-18-l-JPG-2837-1477382917.jpg

Ảnh buổi làm việc sáng 25/10 được thực hiện qua hệ thống Telepresence Hà Nội - TP HCM.

FPT Telecom chính thức cung cấp IPv6 đến hộ gia đình từ ngày 1/7, hiện FPT Telecom đã trở thành một trong ba đơn vị dẫn đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam, và có kết quả khá ấn tượng với gần 600.000 hộ gia đình được kích hoạt IPv6. FPT Telecom đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp góp phần tăng trưởng phần trăm người dùng IPv6 tại Việt Nam và mang đến nhiều lợi thế đáng kể cho người sử dụng.

Để đạt được những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận này, FPT Telecom đã luôn tích cực tham gia các buổi gặp mặt với Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia; Các khóa đào tạo IPv6 của VNNIC. Song song đó là các hoạt động triển khai nội bộ, đào tạo cán bộ chuyên sâu, liên tục xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 cho mạng FPT Telecom. Hằng năm, FPT Telecom luôn trích một phần chi phí đáng kể trong khoản mục chi phí để đầu tư thúc đẩy phát triển IPv6. Gần đây, FPT Telecom vừa cho ra mắt ứng dụng Hi FPT dành cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet và truyền hình FPT trên cả nước, và theo lộ trình sẽ cập nhật tính năng đăng ký chuyển đổi IPv6 trực tiếp trên App.

Ngoài ra, dấu ấn về triển khai IPv6 của FPT Telecom còn thể hiện ở các chi tiết: Triển khai thành công IPv6 với hơn 5 loại thiết bị khác nhau của FPT bao gồm thiết bị xPON, xDSL; Hệ thống Radius và hệ thống thanh toán cước kích hoạt IPv6 hỗ trợ hiển thị và cấp phát IPv6 cho khách hàng; Kích hoạt IPv6 trên hệ thống mạng nội bộ của FPT Telecom; Xây dựng hệ thống Proxy IPv6, DNSv6, DHCPv6; Hệ thống hỗ trợ tường lửa IPv6; Kích hoạt 100% IPv6 tại khu vực Trung tâm dữ liệu của FPT Telecom; hỗ trợ chuyển đổi thành công cho nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn…

Bên cạnh đó, 100% các website của FPT Telecom đã hoàn toàn chạy trên IPv6 như fpt.vn; Truyenhinh.fpt.vn; IPv6.fpt.vn; Fshare.vn; Fsend.vn; FPT Play.net; FPT Play.tv; Office365.fpt.vn…

Theo kế hoạch đến cuối năm 2016, FPT Telecom phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi thành công từ 700.000 – 750.000 hộ gia đình sử dụng IPv6 và phối hợp thành công với VnExpress, trang báo điện tử lớn nhất Việt Nam để kích hoạt đưa vào sử dụng nền tảng IPv6.

Năm 2017, FPT Telecom sẽ tiếp tục bổ sung và xây dựng kết nối IPv6 với các Upstream, Peering và Content quan trọng; Hoàn thành nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia; Hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam, đảm bảo cho Internet Việt Nam hoạt động hoàn toàn tương thích, an toàn với IPv6; Phấn đấu mục tiêu đạt 30% khách hàng hoạt động trong Trung tâm dữ liệu của FPT Telecom sẽ được kích hoạt lên nền tảng IPv6. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có hơn 1.000.000 hộ gia đình sử dụng dịch vụ broadband của FPT Telecom được kích hoạt IPv6 và tự động hóa chuyển đổi hoàn toàn lên nền tảng IPv6 khi đăng ký mới dịch vụ.

Chủ trì buổi làm việc ông ông Trần Minh Tân – Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã  ghi nhận FPT Telecom hiện đã trở thành đơn vị tiên phong của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi IPv6, nhờ nắm bắt được xu thế và nhận định đúng đắn về hướng đi của sự phát triển IPv6 toàn cầu và trong nước. Nỗ lực của FPT Telecom không chỉ giúp giải quyết các vấn đề về không gian địa chỉ Internet mà còn sẽ tác động đến các vấn đề về công nghệ và đời sống.

IMG-2225-28-l-JPG-8019-1477382917.jpg

TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa (áo trắng) cho biết, là đơn vị luôn nỗ lực đi đầu trong việc đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật, tiêu chuẩn mới, FPT Telecom đã ý thức được tầm quan trọng của IPv6 và bắt tay vào việc khai thác, cung cấp dịch vụ từ việc chuẩn bị nguồn nhân lực, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ ISP, hệ thống quản lý/giám sát, ứng dụng nội bộ và các dịch vụ khác. 

Ông Trần Minh Tân và đoàn công tác cũng đánh giá cao sự đóng góp tích cực của FPT Telecom trong việc đẩy mạnh vị thế của Việt Nam trên bản đồ IPv6 thế giới. FPT Telecom đã nhận thức sớm công tác chuyển đổi IPv6 là cần thiết. Theo đó, người sử dụng được hưởng các lợi ích như tốc độ truy cập tăng, có thể truy cập vào nhiều dịch vụ, nội dung tiên tiến.

Theo đó, ông Tân đề nghị FPT Telecom đưa thêm thông tin các dịch vụ của FPT Telecom có dịch vụ cộng thêm IPv6 chất lượng, tốc độ, đảm bảo an toàn an ninh để khách hàng cảm nhận và nhận thấy sự khác biệt về dịch vụ và cả giá dịch vụ.

Các chuyên gia của Ban công tác cũng đề nghị các trang dịch vụ, nội dung của FPT Telecom đã hỗ trợ IPv6 rồi thì triển khai các hoạt động công nhận, gắn nhãn IPv6 để khách hàng nhận biết/

Ban công tác trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ giới thiệu những lợi ích của IPv6 là xu hướng của thế giới, và Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp, và công chúng để được hưởng những lợi ích lớn khi chuyển đổi sang IPv6.

Buổi làm việc của Ban công tác thúc đẩy IPv6 nằm trong chuỗi hoạt động thuộc kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban theo Quyết định số 936/QĐ-BTTTT ngày 2/6/2015 của Bộ trưởng Bộ TT&TT, nhằm đánh giá kết quả hoạt động, triển khai IPv6 của đơn vị trong thời gian qua.

>> VnExpress chuyển đổi toàn hệ thống sang IPv6 vào giữa năm 2017

ICT Press

Ý kiến

()