Chúng ta

FPT sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng xây hệ thống giao thông thông minh Hà Nội

Chủ nhật, 25/6/2017 | 20:10 GMT+7

Theo thỏa thuận hợp tác mới ký kết, FPT sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho TP.Hà Nội và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ CNTT. Tổng mức đầu tư xây dựng Hệ thống giao thông thông minh TP.Hà Nội của FPT dự kiến là 1.700 tỷ đồng.

image2-7744-1498395662.jpg

Thỏa thuận hợp tác chiến lược về ứng dụng CNTT và Truyền thông trên địa bàn Hà Nội giữa UBND TP Hà Nội và FPT được ký kết ngày 25/6, trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”.

Hôm nay, ngày 25/6, trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”, UBND Thành phố và FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về ứng dụng CNTT và Truyền thông trên địa bàn Hà Nội, với tổng giá trị đầu tư của FPT là 2.200 tỷ đồng.

Theo Cổng thổng thông tin điện tử Chính phủ, trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức ngày 25/6 với sự tham dự của hơn 900 đại biểu, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu danh mục các dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư, gồm 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802.700 tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303.850 tỷ đồng.

Với riêng FPT, theo bản thỏa thuận hợp tác chiến lược mới ký kết với UBND TP.Hà Nội, tập đoàn này sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho TP Hà Nội và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ CNTT. FPT sẽ chịu trách nhiệm mọi khâu từ đầu tư hệ thống, đảm bảo vận hành, bảo trì, bảo dưỡng... Tổng mức đầu tư xây dựng Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội của FPT dự kiến là 1.700 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng chính theo Thông báo 484/TB-UBND ngày 29/5/2017. Cụ thể gồm: Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.

Thông tin từ FPT cũng cho hay, bản đồ số do FPT triển khai sẽ cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông theo thời gian thực, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông (như bến xe, biển báo…), tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội… Đồng thời, người dân cũng được trực tiếp phản ánh hoặc nhận thông tin về tình trạng giao thông qua cộng cụ tương tác tự động chatbot.

Bên cạnh lĩnh vực giao thông, viễn thông và giáo dục cũng là những nội dung được đề cập trong thỏa thuận hợp tác chiến lược về ứng dụng CNTT và Truyền thông trên địa bàn Hà Nội giữa UBND TP. Hà Nội với FPT.

Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, FPT cũng sẽ dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng cho việc triển khai xây dựng công trình hạ ngầm cáp viễn thông và ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung. Còn với lĩnh vực giáo dục, Đại học FPT - một đơn vị thành viên của FPT sẽ chủ động phối hợp với Sở TT&TT và Sở KH&ĐT Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ của Thành phố; đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có lĩnh vực kinh doanh nòng cốt là CNTT và Viễn thông, hiện FPT đã cung cấp dịch vụ tới 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam và đang không ngừng mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại 21 quốc gia. Tại Việt Nam, FPT là doanh nghiệp CNTT hàng đầu và đã triển khai hầu hết các hệ thống CNTT cho các ngành, lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, tài chính, y tế, giao thông, bảo hiểm…

Trong lĩnh vực giao thông, FPT đã triển khai thành công một số dự án như Hệ thống kiểm soát và thông tin xe buýt cho Sở Giao thông vận tải TPHCM giúp quản lý hơn 3.000 xe buýt, 120 tuyến và 17.000 chuyến xe buýt mỗi ngày; Hệ thống bán vé cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giúp thống nhất một kho vé trên toàn hệ thống, hỗ trợ người dân mua vé tàu online 24/7 và nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngành đường sắt; Cổng thông tin giao thông TPHCM giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông; Hệ thống giám sát xử lý vi phạm bằng hình ảnh trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông…

Trong lĩnh vực viễn thông, hiện đang giữ vị trí Top 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam; số 1 về cung cấp dịch vụ Internet tại Campuchia và là doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tiên được nhận giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar.

Trong lĩnh vực giáo dục, với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, FPT đã tiên phong trong đổi mới giáo dục thông qua triển khai những chương trình đào tạo hiện đại theo chuẩn quốc tế, gắn liền với thực tiễn và nhu cầu của thị trường cũng như doanh nghiệp. Hệ thống giáo dục FPT hiện đang đào tạo gần 20.000 sinh viên, học viên tại tất cả các cấp học.

>> Chủ tịch Trương Gia Bình: ‘FPT là sư tử’

ICT News

Ý kiến

()