Trao đổi với Báo Đầu tư bên lề Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban cố vấn Diễn đàn VPSF, cho rằng đã đến lúc cần ghi nhận cộng đồng kinh doanh là nguồn trí tuệ sẽ đồng hành giải quyết những vấn đề để đưa đất nước phát triển.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước?
- Kể từ khi đất nước mở cửa, doanh nghiệp tư nhân đã được hình thành và phát triển, trở thành sức mạnh của đất nước ngày hôm nay, chiếm đa số các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho đất nước và xuất khẩu. Theo thống kê thực tế, trên 70% nền kinh tế hiện nay có sự đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. |
Tuy nhiên, tại Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân hiện vẫn thấp, chúng ta mới có trên 800.000 doanh đang hoạt động. Về chất lượng, số tập đoàn Việt Nam có thể vươn ra toàn cầu quá ít, các công ty Singapore đôi khi chỉ có 50 người nhưng có mặt tại 3-4 nước trên thế giới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân phải phấn đấu rất nhiều. Các bạn phải tự quyết tâm vươn lên, vươn ra biển lớn chấp nhận thách thức.
Tôi hiểu sâu sắc rằng sức mạnh của đất nước chính từ những người dân Việt Nam. Vấn đề là mỗi người dân Việt Nam có điều kiện để kinh doanh thuận lợi như tất cả các nước các hay không? Nếu chúng ta có điều kiện kinh doanh thuận lợi như các nước khác, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có một vị trí xứng đáng trên thế giới. Những tập đoàn lớn trên thế giới đã nói với tôi, dù nhiệm vụ khó khăn đến đâu, trình độ công nghệ cao đến đâu nhưng khi có cơ hội thì người Việt Nam sẽ chớp được một cách rất nhanh chóng. Chính vì vậy, tôi rất tin tưởng vào tương lai của đất nước nếu mỗi người Việt Nam đều có cơ hội lớn.
Về phía doanh nghiệp, họ cần tự đặt những câu hỏi cho mình, đó là sản phẩm tôi đang làm ra liệu có thể được người nước ngoài mua được hay không, có cạnh tranh được với thế giới hay không? Mỗi người đều phải đặt ra câu hỏi đó, không nên tự hài lòng với những gì làm được ở thị trường trong nước.
- Nhưng với tiềm lực của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, việc vươn ra thế giới có là quá sức không, thưa ông?
- Tính cạnh tranh của người Việt Nam rất mạnh vì sự thông minh sẵn có. Có doanh nghiệp tin học Việt Nam đã nói với tôi về sự chuyển hướng sang thị trường Indonesia. Họ nói: “Ở bên đó cạnh tranh dễ lắm, chả ai làm, họ không biết làm thì em làm”. Quan trọng là chúng ta có dám làm hay không.
Thực ra, nhiều doanh nghiệp của chúng ta đã phát triển lớn mạnh. Tôi tự đặt câu hỏi, chúng ta xây rất nhiều khu đô thị, resort ở Việt Nam nhưng tại sao không xây dựng ở thế giới? Khi chúng ta xây dựng đô thị ở thế giới, chúng ta sẽ có khả năng cạnh tranh với bất cứ ai, thể hiện khả năng cạnh tranh toàn cầu. Tự các doanh nghiệp nên ý thức chuyện đó. FPT được như ngày nay là nhờ việc dám ra ngoài cạnh tranh với các doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc.
- Vậy thì theo ông, rào cản lớn nhất để khối kinh tế tư nhân có thể phát triển đột phá và trở thành tiềm lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước là gì?
- Tại Diễn đàn VPSF, vấn đề rất lớn sẽ được đặt ra, đó là nếu nhìn vào hệ thống các văn bản của chúng ta, Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức thế giới đều khen ngợi có chất lượng cao. Nhưng việc không chạy thì là ở hành động. Vì vậy, mấu chốt là làm sao chúng ta có thể nâng cao tính hành động, tính hiệu quả.
Vấn đề nữa là muốn thành công thì môi trường kinh doanh phải thuận lợi, mà cụ thể là chi phí phải hợp lý. Tại sao chi phí ở Việt Nam lại cao một cách cách bất ngờ như vậy? Đây là những vấn đề cốt lõi mà Diễn đàn bàn tới.
- Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua đã đưa ra Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Để Nghị quyết này đi vào thực tế đời sống, chúng ta cần phải có giải pháp gì, thưa ông?
- Chính Diễn đàn này là hành động thiết thực và cụ thể nhất. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, đánh dấu bước thay đổi lớn khiến cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi. Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến thực tiễn là một khoảng cách rất dài và đầy khó khăn và Diễn đàn VPSF đã nhận sứ mệnh từng bước đưa nó vào cuộc sống.
- Vậy thì doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia ý kiến và hành động như thế nào để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống?
- Hành động thiết thực nhất là nỗ lực của chính mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận ra sứ mệnh của mình. Tiếp theo là cùng nhau suy nghĩ làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta. Chúng ta phải phải làm sao để điều kiện kinh doanh của Việt Nam bằng hoặc tốt hơn các nước thì lúc ấy mới có cơ hội phát triển vượt bậc.
Có trách nhiệm cùng nhau không phải là kêu ca, mà phát hiện ra vấn đề, chọn ra những vấn đề ưu tiên, vấn đề quan trọng để tập trung giải quyết trước, những vấn đề khả thi nhất để làm. Tức là, nền kinh tế có muôn vàn chuyện phải làm thì chúng ta hãy làm những chuyện đơn giản trước.
Tôi kỳ vọng Diễn đàn lần này, ngoài việc ghi nhận mỗi doanh nghiệp như một chiến sĩ đang xây dựng kinh tế đất nước phát triển, chúng ta cũng cần ghi nhận cộng đồng kinh doanh là một nguồn trí tuệ để tham dự, đồng hành giải quyết những vấn đề của đất nước, tạo ra một quốc gia hấp dẫn, có vị thế xứng đáng trong khu vực và trên thế giới, trên tinh thần đồng hành cùng Chính phủ.
>> Người FPT đầu tiên sở hữu chứng chỉ CISM
Đầu tư
Ý kiến
()