Thông tin nêu trên vừa được FPT cho biết hôm nay, ngày 1/11. Cũng theo FPT, với việc cán mốc 100 triệu USD doanh thu trong 10 tháng đầu năm nay, FPT Nhật Bản đã tiệm cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena...
Trong hơn 10 năm qua, doanh thu của FPT Nhật Bản luôn đạt mức tăng trưởng 32%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT Nhật Bản cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Nhật Bản (13,9%/năm) trong giai đoạn 2006 - 2015. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2016, có 24/80 thị trường xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dưới 100 triệu USD.
|
Với việc đạt 100 triệu USD doanh thu, FPT Japan trở thành công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận Top 50 công ty CNTT tại quốc gia này, gồm các tên tuổi như Fujisoft, DTS, Systena... |
Trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, Nhật Bản luôn là thị trường quan trọng số một. Với 760 cán bộ nhân viên hiện tại và nguồn lực hỗ trợ gồm 4.500 kỹ sư CNTT trong nước, FPT Nhật Bản đặt mục tiêu năm 2017 đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ CNTT lớn tại Nhật Bản. Đồng thời, dự kiến FPT Nhật Bản sẽ đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 những năm 1960 đã tạo nên cường quốc Nhật Bản và trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cách mạng công nghệ số (Digital Transformation), nước Nhật đang cần tăng tốc. Ngành phần mềm Việt Nam có cơ hội đồng hành cùng Nhật Bản trong việc thay đổi vị thế của đất nước trong cuộc cách mạng này. Đó là nguồn nhân lực trẻ có kiến thức về IoT, S.M.A.C sẵn sàng cho cuộc cách mạng số.
“Tôi tin rằng với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại Nhật Bản, với nguồn nhân lực sử dụng tiếng Nhật đông đảo và quan trọng nhất là đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng, FPT Nhật Bản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường này trong thời gian tới”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
Cụ thể, tại thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, FPT đồng hành cùng các tập đoàn sở hữu công nghệ nền về IoT, Cloud và cung cấp dịch vụ theo xu hướng công nghệ mới cho các tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất máy bay, sản xuất ô tô, truyền hình vệ tinh, viễn thông, ngân hàng... Còn tại thị trường các nước đang phát triển như Myanmar, Bangladesh, Campuchia, Lào... FPT triển khai các dự án hạ tầng CNTT thông tin quan trọng cho các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế như thuế, hải quan, ngân hàng.
Đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ toàn cầu hóa vào năm 2020, chiến lược toàn cầu hóa của FPT tập trung vào 2 hướng chính: Cung cấp các giải pháp dịch vụ CNTT theo xu hướng công nghệ mới cho các tập đoàn lớn trên toàn cầu; và Cung cấp các giải pháp dịch vụ đã được triển khai thành công tại Việt Nam sang thị trường các nước đang phát triển.
Sau 17 năm thực hiện chiến lược toàn cầu hóa, FPT hiện diện tại 19 quốc gia với tổng số gần 27.000 cán bộ, nhân viên. Trong đó, có 1.134 cán bộ, nhân viên người nước ngoài và doanh thu toàn cầu hóa 9 tháng đầu năm 2016 đạt 4.169 tỷ đồng, tương đương 186,6 triệu USD.
>> Chủ tịch FPT Software: 'Người Việt trẻ học sâu thì kém nhưng học mới thì nhanh'
ICT News
Ý kiến
()