Những giấc mơ ngọt ngào là bước đệm thúc đẩy những ông chủ khởi nghiệp ở garage trở thành doanh nghiệp tỷ đô trên thế giới. Việt Nam cũng không thiếu những giấc mơ ngọt ngào như vậy. FPT, với sức ảnh hưởng lớn ở thị trường nội địa cùng khả năng gia công phần mềm cho nước ngoài, luôn khao khát tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, dù cho đến nay họ chưa thực sự thành công.
Giấc mơ ngọt ngào
“Việt Nam có làm được xe không người lái? Câu trả lời đơn giản là tháng 10 này các bạn hãy lên làng phần mềm FPT Software (Khu Công nghệ cao Hòa Lạc) để đi thử, vậy thôi”. Đó là lời chia sẻ úp mở của ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, thuộc FPT tại một hội thảo gần đây về tương lai công nghệ ô tô và robot trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham dự của gần 300 chuyên gia công nghệ, kỹ sư sinh viên công nghệ thông tin. Hôm đó, FPT cũng trình làng chiếc xe mô hình đồ chơi có những bộ phận cảm biến giúp xe chạy đúng cung đường đã vạch ra.
Xe không người lái, hay xe thông minh là những khái niệm mới được các hãng ô tô đua nhau giới thiệu trên thị trường thế giới. Tesla, thương hiệu xe điện nổi tiếng, đang đẩy nhanh tiến trình ra mắt sản phẩm của mình. Google tự mình phát triển phần mềm lẫn phần cứng trong khi Intel gần đây công bố thương vụ 15,3 tỷ USD mua lại Mobileye (Israel), một công ty chiếm 70% thị phần toàn cầu về hệ thống chống va chạm và hỗ trợ nâng cao cho tài xế. Trong khi đó, hãng xe Mỹ Ford chi 1 tỷ USD mua lại công ty khởi nghiệp công nghệ Argo AI phát triển phần mềm cho xe không người lái của hãng.
FPT trình diễn công nghệ xe không người lái. |
Trong cuộc đua tích hợp phần mềm vào chiếc xe 4 bánh, một hãng có bộ phận viết thuê phần mềm như FPT nhờ vậy cũng có cơ hội phô diễn tài năng. Theo FPT, các công ty phần mềm ngày nay đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển dòng xe thông minh, hỗ trợ cho các hãng sản xuất ô tô truyền thống. Dù vậy, trong bối cảnh những chiếc xe ô tô không người lái mới chỉ là viễn cảnh trong tương lai, nhiều người hồ nghi về sản phẩm sắp ra mắt của FPT.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên FPT giới thiệu những sản phẩm công nghệ mới. Năm 2013, tại Đại hội cổ đông thường niên, Hội đồng Quản trị đã gây ngạc nhiên cho cổ đông khi giới thiệu robot thông minh SmartOshin, với những hành động cơ bản như giới thiệu bản thân, chào và nhảy một vài điệu nhạc. Ở thời điểm đó, mẫu robot này tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều; có người khen ý tưởng mới và sự sát sao của FPT về công nghệ, nhưng cũng có người nói nó “nhái” lại robot Toshin của Nhật.
Sau một thời gian, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trương Gia Bình cho biết FPT đã nâng cấp robot Nao lên SmartOhsin, trở thành người máy điện toán đám mây đầu tiên trên thế giới (theo tuyên bố của FPT), thể hiện chiến lược của FPT về xu hướng chuyển dịch công nghệ trong 20 năm tới.
Ngoài giấc mơ robot, FPT còn khao khát chinh phục vũ trụ bằng cuộc thử nghiệm phóng vệ tinh F-1 lên bầu trời vào năm 2012. FPT cũng có những giấc mơ về phần cứng thiết bị. Năm 2009 và 2011, Công ty lần lượt giới thiệu mẫu điện thoại F-Mobile và máy tính bảng của mình. Trước đó, năm 2000, FPT cũng ra mắt mẫu máy tính để bàn Elead.
Cho đến nay, FPT vẫn đang tích cực giới thiệu sản phẩm công nghệ mới. Năm 2015, hãng này giới thiệu mẫu robot mới nhất Rogo, hay áp dụng robot Nao trong lĩnh vực dạy tiếng Anh vào năm ngoái. Gần đây, FPT đã thực tế hơn với giấc mơ trở thành đơn vị hỗ trợ công nghệ cho nông nghiệp trong trào lưu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình, cũng đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, hiện nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý, đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng.
Chưa thành hiện thực
Chưa biết kết quả ra mắt vào tháng 10 tới đây của xe điện không người lái FPT như thế nào, nhưng có thể nói những giấc mơ ngọt ngào trước đây của FPT cho đến nay vẫn chưa “chín muồi”. Sau phần giới thiệu, những sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở góc độ nghiên cứu, thi thố, chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường. Gần đây, FPT còn giới thiệu Rogo Alfa, một thiết bị công nghệ ứng dụng IoT (Internet of Things) có khả năng tương tác với các thiết bị điện tử trong nhà. Dù vậy cho đến nay FPT chưa thể thương mại hóa những sản phẩm công nghệ trên.
Lần này, FPT lại tự tin nhảy vào cuộc chơi ô tô không người lái. Sự tự tin này có lẽ là do Công ty đang gia công cho các hãng xe, một vài ứng dụng trong các hãng xe của Nhật và Đức. Nhưng như chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến tại hội thảo công nghệ nói trên, nhiều người tỏ ra không tin tưởng vào tương lai Việt Nam có thể làm xe tự lái.
Thực tế cho thấy người Việt không hiếm những sản phẩm khiến thị trường thế giới yêu thích, chẳng hạn như máy đọc sóng não Emotiv hay vòng đeo tay Misfit. Những sản phẩm này cuối cùng cũng đã bán cho nước ngoài, nhưng cho thấy người Việt cũng có khả năng tạo ra những sản phẩm đột phá. Có lẽ vì vậy mà dù những giấc mơ cũ của FPT chưa thành hiện thực cũng chẳng thể ngăn hãng này mơ những giấc mơ mới.
Cũng có người cho rằng FPT đang cố gắng truyền cảm hứng đến nhân viên hiện hữu và tiềm năng, như cách mà những ông chủ của FPT như Trương Gia Bình hay đăng đàn khắp nơi nói về công nghệ. Theo chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, năm 2016, FPT đã thành lập FPT Global Automotive (FGA), là đơn vị nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ ô tô. FGA hiện có 1.500 người làm phần cứng, phần mềm và cả thiết bị cơ khí, dự kiến sẽ nâng lên thành 2.000 người vào cuối năm nay.
Rõ ràng, nguồn nhân lực IT cũng là một yếu tố quan trọng giúp FPT tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong tương lai. Một FPT năng động, có những giấc mơ lớn hẳn nhiên sẽ thu hút nhiều bạn trẻ tham gia hơn với những khao khát đóng góp tạo ra các sản phẩm mang tầm thế giới.
>> FPT hoà hơi nóng cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hannover Messe 2017
Nhịp cầu Đầu tư
Ý kiến
()