Chúng ta

Doanh nghiệp Việt 'lột xác' trong chuyến tàu WTO

Thứ năm, 15/6/2017 | 18:52 GMT+7

Sau 10 năm “đáp chuyến tàu” mang tên WTO, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã “lớn nhanh như thổi” nhờ tận dụng luồng vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, thị trường từ đối tác nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang tận dụng việc gia nhập WTO để thu hút vốn đầu tư, công nghệ mới, trình độ và kinh nghiệm quản trị, mở rộng thị trường ra nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp Việt đang tận dụng việc gia nhập WTO để thu hút vốn đầu tư, công nghệ mới, trình độ và kinh nghiệm quản trị, mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Từ câu chuyện của Thaco, FPT, Masan…

Năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO cũng là năm Công ty TNHH ôtô Trường Hải chuyển đổi thành Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco). Từ năm 1997-2007, Trường Hải chỉ là một doanh nghiệp nhỏ chuyên tu sửa, lắp ráp xe tải nhỏ hạng nhẹ và ngành ô tô lúc đó đang “đóng cửa”.

Với việc gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa dần thị trường ô tô nội địa cho ô tô nhập khẩu như cắt giảm thuế nhập khẩu, cho phép nhập khẩu ô tô cũ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước… Thaco nắm bắt cơ hội, hợp tác với các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng thế giới như Kia, Huyndai (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (châu Âu)… trở thành nhà sản xuất, lắp ráp, phân phối… ô tô tư nhân lớn nhất Việt Nam với tổng doanh thu năm 2016 đạt hơn 67.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 17.700 tỷ đồng…

Nhờ Việt Nam gia nhập WTO, Thaco chủ động hướng tới chiến lược toàn cầu, không chỉ “rộng đường” hợp tác với các thương hiệu ô tô lớn của nước ngoài để lắp ráp, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mà còn “tiếp nhận” các công nghệ sản xuất hiện đại tiên tiến nhất về Việt Nam như công nghệ sơn 'wet on wet', công nghệ hàn lazer mới nhất, sử dụng Robot lắp ráp…

Ngoài ra, Thaco còn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như Jardine Cycle & Carriage Ltd nắm hơn 25% cổ phần (có thời điểm nhà đầu tư này nắm 32% cổ phần). Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất ô tô không chỉ là trợ lực về nguồn vốn ngọai mà còn giúp Thaco tiếp nhận trình độ quản trị hiện đại trong bối cảnh mở rộng thị trường ra quốc tế trong thời gian tới.

Năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO cũng là năm đầu tiên FPT "lên sàn" chứng khoán (FPT chào sàn ngày 13/12/2006). Nếu như năm 2007,  FPT mới chỉ đạt doanh thu gần 13.900 tỷ đồng thì 10 năm sau, năm 2016, FPT đã đạt doanh thu hợp nhất 40.545 tỷ đồng, có văn phòng đại diện ở 22 nước trên thế giới. Đặc biệt, lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của FPT đạt mức tăng trưởng 40%, đóng góp 33% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của FPT.

Với việc gia nhập WTO, FPT đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Trong 10 năm qua, hiện đã có 49% cổ phần thuộc sở hữu của hàng chục nhà đầu tư nước ngoài. Chính họ đã góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược toàn cầu của FPT, không chỉ góp vốn mà còn trực tiếp quản trị, điều hành, tham gia vào mở rộng thị trường xuất khẩu cho FPT, để doanh nghiệp này lớn mạnh như hôm nay.

"Chúng ta tự hào rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, chấp nhận cuộc chơi lớn, sòng phẳng. Tỷ trọng thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm.

Việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khuôn khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững với những đường hướng và mục tiêu rõ nét”.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương

Cũng trong năm 2007, sau khi thành công với các thương hiệu nước chấm Chinsu, Tam Thái Tử, Nam Ngư, Masan Group bắt đầu cuộc “bành trướng” mở rộng sang các lĩnh vực hàng tiêu dùng khác như mì gói, thịt sạch, đồ uống, thức ăn chăn nuôi, ngân hàng, khoáng sản, thuỷ điện...

Cũng giống như nhiều khoanh nghiệp khác trong quá trình hội nhập WTO, Masan đã tiếp nhận khoản đầu tư 1,1 tỷ USD từ Singha (Thái Lan), 250 triệu USD từ Quỹ đầu tư ngoại KKR (Mỹ)… và các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 48,4% cổ phần tại Masan.

Hiện mảng tiêu dùng của Masan đang được định giá 2 tỷ USD và Tập đoàn tư nhân này đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2020.

Và cũng giống như Thaco, Masan cũng đang trên hành trình đưa sản phẩm tiến ra thị trường nước ngoài và bước đầu đã đặt chân vững chắc tại trường ASEAN qua “ngả đường” Singha.  

…đến K+, VNG

Liên quan đến việc cam kết của WTO trong lĩnh vực truyền thông - CNTT, nếu không có sự gia nhập WTO sẽ không có một Truyền hình K+ như hiện nay. K+ là sản phẩm "đặc trưng" nhất.

Năm 2009, Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) được thành lập với sự hợp tác của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) chiếm 51% và Tập đoàn Canal+ (Pháp) chiếm 49% vốn chủ sở hữu và chuyển giao toàn bộ công nghệ vào Liên doanh này

Trước thời điểm 2007, truyền hình là một lĩnh vực rất "nhạy cảm", không tư nhân hoá và đặc biệt không "ngoại hoá". Cam kết WTO đã cho phép thành lập Liên doanh K+.

Đến nay, sau 8 năm, K+ hiện là Đài truyền hình số vệ tinh số 1 Việt Nam với hơn 1 triệu thuê bao, là đơn vị có công nghệ truyền hình hiện đại nhất, được yêu thích nhất Việt Nam. Đặc biệt, sự tham gia của K+ đã thay đổi truyền hình trả tiền tại Việt Nam, mang lại lợi ích, cung cấp cho người xem những chương trình truyền hình “hot” nhất trên thế giới.

Nếu như Thaco là hình mẫu trong công nghiệp ô tô thời kỳ hội nhập, Masan là ông trùm ngành tiêu dùng, FPT  là lão làng trong ngành CNTT thì WTO đã tiếp sức cho nhiều Starup công nghệ, mà điển hình là VNG.

VNG từ một nhà phát hành game đơn thuần đã trở thành nhà phát triển công nghệ Internet hàng đầu Việt Nam với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng năm 2016. VNG hiện có các cổ đông nước ngoài đến từ Singapore, Luxembourg, Trung Quốc, Mỹ, Canada và quần đảo British Virgin Islands (BVI) thuộc Anh đang chiếm 44,64% cổ phần của VNG.

Cùng với việc tiếp nhận nguồn vốn ngoại, VNG đã tập trung nghiên cứu, phát triển và cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế các sản phẩm - ứng dụng Nội dung số độc đáo, mang lại những tiện ích và trải nghiệm đa dạng cho người dùng Internet như Zalo, Zing Me, Zing MP3, Zalo Pay (thanh toán không dùng tiền mặt), Sky Garden, Dead Target…

Có thể nói, VNG được ví như ngọn lửa tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Chính phủ khởi xướng, truyền cảm hứng “Go global” đến cộng đồng start-up trong ngành ICT.

Trong kế hoạch “Go global” mà VNG đang thực hiện, các dịch vụ, sản phẩm mới của VNG đang phủ rộng dần khắp ASEAN và hơn 200 quốc gia trên thế giới. Và rất có thể, VNG sẽ là Start-up công nghệ đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).

Có thể nói rằng, nếu không có WTO, không gia nhập các Hiệp ước Quốc tế, không hội nhập nền kinh tế nói chung và hàng vạn doanh nghiệp Việt nói riêng sẽ không tiếp nhận được những nguồn lực to lớn về tài chính, chuyển giao công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản trị tiên tiến, không có được những thị trường nước ngoài rộng lớn…

Và không thể có được những doanh nghiệp như Thaco, Masan, FPT, K+, VNG…và hàng nghìn doanh nghiệp Việt khác trưởng thành, vươn ra biển lớn nhờ hội nhập.

Nhìn lại để bước tiếp

Nhìn dưới góc độ vĩ mô, sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2017), mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công, song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.445 USD năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

BieuDo-WTO-2931-1497523767.jpg
 

Đáng chú ý, kể từ khi trở thành thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt 12%-14%/năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006.

Thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh.

Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2016, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon…

Đây là những con số cho thấy, khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam đã không bỏ lỡ những cơ hội có được từ sự kiện mang tính lịch sử này.

Đặc biệt, về phía hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, theo nhận định của ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng được cơ hội sau gần 10 năm gia nhập WTO khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhờ đó đã học hỏi, chuyển giao được công nghệ, kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ…

“Ngoài ra, áp lực cạnh tranh cũng khiến doanh nghiệp trưởng thành hơn. Rất nhiều doanh nghiệp Việt đã không bỏ lỡ cơ hội, chủ động tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp ngoại để từ đó thúc đẩy khả năng mở rộng thị trường, đưa hàng hóa sản phẩm của mình ra nước ngoài”, ông Tự nhấn mạnh.

Lộ trình gia nhập WTO vẫn đang tiếp tục, tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp Việt vươn vai lớn mạnh, tận dụng thành công trợ lực hội nhập, vững vàng, tự tin bước lên những chuyến tàu hội nhập chinh phục thị trường thế giới rộng lớn.Doanh nghiệp Việt “lột xác” trong chuyến tàu WTO

Đầu tư

Ý kiến

()