Chúng ta

Doanh nghiệp Việt đem gì tới diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin?

Thứ tư, 18/7/2018 | 16:25 GMT+7

Tại sự kiện Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2018) diễn ra ngày 18/7, các doanh nghiệp Việt đã mang đến nhiều giải pháp công nghệ hiện đại.

IMG-6145-1-JPG-9900-1531904653.jpg

Thủ tướng Chính phủ thăm gian hàng tại ICT Summit 2018.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, đơn vị này sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc để xây dựng chính phủ số. 

"Với hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT cam kết sẽ đồng hành hướng tới sự thành công trong việc triển khai Chính phủ số tại Việt Nam," ông Sơn nói. 

Phía FPT cũng giới thiệu hệ thống chính quyền điện tử được đơn vị này xây dựng cho tỉnh Quảng Ninh. Hiện, đã có hơn 400 đơn vị hành chính của Quảng Ninh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. 

Ngoài ra, có hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 nghìn hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình 1 năm trên 70 tỷ đồng. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước…

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Viettel cho hay, hạ tầng số của đơn vị này đã sẵn sàng để phát triển Chính phủ số. 

Hiện, hạ tầng của Viettel đã trải rộng khắp, phủ tới 95% dân số Việt Nam với 67.000 trạm thu phát sóng 3G, 4G; công nghệ cáp quang phủ tới từng xã, hộ gia đình. Viettel cũng có 5 trung tâm dữ liệu chuẩn Tier 3, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông cùng lúc. 

Theo ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, đơn vị này đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử như dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước; cơ sở dữ liệu ngành y tế; học bạ điện tử…

"Hạ tầng số mà Viettel đang sở hữu và xây dựng sẽ đảm bảo cho sự thành công của Chính phủ số, góp phần giải quyết các nhu cầu của xã hội…," ông Cường nhấn mạnh.

vnp-1-JPG-6221-1531904653.jpg

Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo của FPT.

Cũng tại ICT Summit 2018, Công ty Cổ phần MISA gây ấn tượng với giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ Blockchain, giúp tăng cường tính bảo mật, an toàn và minh bạch của các giao dịch. Giải pháp này giúp tiết kiệm tới 80% chi phí phát hành hóa đơn. 

Ngoài ra, phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn của MISA còn được tích hợp sẵn sàng trên các giải pháp của MISA như phần mềm kế toán MISA SME.NET, hần mềm Quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN... Điều này mang lại thuận lợi cho người dùng trong việc liên kết dữ liệu, tiết kiệm thời gian, công sức.

>> FPT thâu tóm Intellinet: Đường tắt thực hiện dịch vụ chuyển đổi số

Vietnam Plus

Ý kiến

()