Thống kê báo cáo tài chính quý I cho kỳ hoạt động từ ngày 1/1 đến ngày 31/3 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn không bao gồm các ngân hàng cho thấy, nhóm 10 doanh nghiệp có tổng tài sản tỷ USD/doanh thu có thể đạt mức tỷ USD trong năm 2015 đang đóng góp 73.980 tỷ đồng doanh thu, tương đương khoảng 3,39 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, tính chung 10 doanh nghiệp này doanh thu thuần quý I tăng 10,6%. 7/10 doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng từ mức 2% đến 58%, trong đó CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) có mức tăng trưởng cao nhất 58%. Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) là doanh nghiệp sụt giảm doanh thu lớn nhất trong nhóm, giảm đến 13%.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty. |
MWG trong phần giải trình kết quả kinh doanh quý I cho biết, doanh thu từ siêu thị tăng, và số lượng siêu thị tăng đã giúp cho MWG tăng doanh thu đến 58%. Năm 2015, MWG đặt kế hoạch doanh thu 23.590 tỷ đồng, tăng 50%; lợi nhuận sau thuế 886 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014.
Xét về quy mô doanh thu, Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã GAS) dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, GAS hiện đang được chi phối bởi Nhà nước.
Loại trừ GAS, CTCP FPT (mã FPT) là công ty có doanh thu lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp tỷ USD. Năm 2015, FPT đưa ra thông điệp chiến lược 2015 – 2017 là tăng trưởng, đó là chỉ tiêu then chốt toàn thể lãnh đạo và nhân viên FPT đã thống nhất và cam kết. FPT xác định cần phải trở lại quỹ đạo tăng trưởng 2 con số như FPT đã từng đạt được. Năm 2015 FPT đặt kế hoạch 39.600 tỷ đồng doanh thu tăng 13% và 2.850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 16%.
Xét về lợi nhuận sau thuế, 10 công ty trong nhóm tỷ USD đóng góp 6.960 tỷ đồng, giảm 14,8% so với quý I/2014. Trong đó, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) tăng trưởng lợi nhuận cao nhất 151%. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý I của MSN thấp nhất trong nhóm, đạt 57 tỷ đồng.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty. |
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sút giảm mạnh nhất là Tập đoàn Vingroup (mã VIC), giảm đến 67% so với quý I/2014. VIC cho biết, biên lợi nhuận gộp trong quý I/2015 giảm do lợi nhuận biên từ khối bán lẻ thấp so với cho thuê, bán bất động sản hoặc khách sạn. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do Tập đoàn phát triển tham các lĩnh vực kinh doanh mới; chi phí bán hàng tăng do Tập đoàn phát triển thêm các lĩnh vực kinh doanh mới như siêu thị, điện máy, thời trang….
Kết thúc quý I, VIC hoàn thành khoảng gần 12% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Năm 2015 Tập đoàn xác định sẽ là năm “bứt phá” trên tất cả các mặt trận với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tăng trưởng, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường trên các lĩnh vực kinh doanh. VIC đặt kế hoạch doanh thu thuần 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng.
Xét về số dư tiền và tương đương tiền, tại ngày 31/3, tổng số dư tiền của các công ty trong nhóm đạt mức 52900 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 2,4 tỷ USD. GAS, PVS, VIC, MSN, FPT là 5 doanh nghiệp đang có số dư tiền lớn nhất trong nhóm, chiếm 88% lượng tiền của nhóm.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty. |
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) và MWG là hai doanh nghiệp có số dư tiền và tương đương tiền tại ngày 31/3 thấp nhất, lần lượt đạt 153 tỷ đồng và 234,5 tỷ đồng.
Về nợ vay ngắn và dài hạn, 10 doanh nghiệp này đang vay khoảng 78.903 tỷ đồng bao gồm vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn và vay thuê tài chính. Trong đó, số dư nợ vay của VIC lớn nhất, gần 32.734 tỷ đồng; tiếp sau là MSN với số dư nợ vay ngắn và dài hạn là 8.244 tỷ đồng.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty. |
Bizlive
Ý kiến
()