Nhiều doanh nghiệp “khủng”
Sáng 24/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức buổi Gặp gỡ báo chí để chính thức công bố danh sách và ra mắt Ấn phẩm đặc biệt giới thiệu 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2016.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA, cho biết, 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất năm nay được chia thành 3 lĩnh vực gồm: 20 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BPO/ITO và KPO; 26 doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, giải pháp và dịch vụ CNTT; 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số, ứng dụng và giải pháp cho Mobile (di động).
Lễ công bố Top 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm 2016. |
“Với tổng số nhân lực là 30.523 người, chỉ chiếm 19% tổng số nhân lực toàn ngành phần mềm và nội dung số Việt Nam, nhưng 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam được công bố lần này có tổng doanh thu năm 2015 đạt gần 28.000 tỷ đồng, tương đương 1,25 tỷ USD, chiếm 35,3% doanh thu toàn ngành.
Đáng chú ý, doanh thu của Top 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm nay đã tăng trưởng gần gấp đôi so Top 40 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm ngoái (tổng doanh thu 14.300 tỷ đồng, chiếm 21% doanh thu của toàn ngành)”, Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Giang nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang cũng đã chia sẻ một số con số ấn tượng liên quan tới 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm 2016. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có doanh thu cao nhất chia theo 3 lĩnh vực nêu trên gồm: Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) đạt 3.937,13 tỷ đồng; Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) - 4.584 tỷ đồng; Công ty VTC Công nghệ và nội dung số - 2.450,45 tỷ đồng.
Danh sách doanh nghiệp đạt doanh thu nghìn tỷ còn có thêm Công ty Cổ phần Viễn thông – Tin học Bưu điện - 1.966,24 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Truyền thông VMG - 4.103,927 triệu đồng; Công ty Cổ phần VNG - 2.092,06 tỷ đồng. Như vậy, trong số Top 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm 2016 do VINASA công bố lần này, đã có 6 doanh nghiệp đạt mức doanh thu nghìn tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của VINASA, các doanh nghiệp có số nhân lực cao nhất trong từng lĩnh vực gồm: Công ty Cổ phần Phần mềm FPT - 9.300 người; Công ty Hệ thống thông tin FPT - 3.021 người; Công ty Cổ phần VNG - 2.082 người.
Các công ty có doanh thu trên đầu người cao nhất: Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam đạt bình quân 524 triệu đồng/người/năm; Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu 3,591 tỉ đồng/người/năm; Công ty CP Truyền thông VMG – 6,673 tỉ đồng/người/năm.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nhận giấy chứng nhận từ Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và hoa chúc mừng từ Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình trong lễ trao giải năm 2015. Năm 2015, FPT Software là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực BPO, IT Outsourcing, KPO với doanh thu năm 2014 đạt 3.035 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai và chiếm gần 22% tổng doanh thu của 40 doanh nghiệp ICT hàng đầu. Riêng về quy mô nhân lực, FPT Software cao gấp gần 2,3 lần so với doanh nghiệp tiếp theo. |
TS. Mai Liêm Trực: “Theo đánh giá của tôi, sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam thời gian qua chủ yếu do doanh nghiệp tự thân phát triển. Bình quân tăng trưởng doanh thu khoảng 18 - 20%, nhiều doanh nghiệp tăng 35 - 40%. Một yếu tố quan trọng khác là đã có nhiều thúc đẩy về chính sách, ví dụ như chính sách giảm thuế, hay chính sách thuê dịch vụ CNTT...”.
Đánh giá cao chất lượng của công tác bình chọn 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm 2016, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), Chủ tịch Hội đồng Bình chọn cho biết: “Hội đồng bình chọn gồm 21 thành viên là các chuyên gia đã làm việc nghiêm túc từ xử lý hồ sơ đến đi khảo sát thực tế doanh nghiệp, đảm bảo tính khách quan, đúng mực trong công tác bình chọn. Đây là lần thứ 3 hoạt động bình chọn Top doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam được tổ chức. 2 năm trước, việc bình chọn đã có tiếng vang tốt trong nước và quốc tế, và ngày càng được sự quan tâm của xã hội và các doanh nghiệp”.
Giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Danh sách 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam năm 2016 được giới thiệu cụ thể trong Ấn phẩm in bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, và có bản mềm giới thiệu trên trang www.leadingitcompanies.com. Năm nay là năm đầu tiên ấn phẩm được biên soạn và in thêm phần tiếng Việt.
Ấn phẩm đặc biệt này sẽ được phát hành tới các đối tác, cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng như tại 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Mong muốn của VINASA khi tổ chức bình chọn Top 50 doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam là hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm Việt Nam xúc tiến hợp tác cả ở trong nước và quốc tế. Trên thực tế đã có đại sứ quán dùng bản mềm ấn phẩm “50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam”làm tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước”, bà Nguyễn Thị Thu Giang nói.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Phát triển phần mềm Harvey Nash Việt Nam cũng đặc biệt đánh giá cao vai trò, hiệu quả của hoạt động bình chọn Top 50 doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam.
“Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhiều khách hàng hay trăn trở rằng không biết có thể lấy thông tin khách quan, tin cậy ở đâu để biết đâu là doanh nghiệp thực sự hàng đầu. Các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu đến Việt Nam thường được giới thiệu là Việt Nam đông dân, dân số trẻ, lực lượng CNTT dồi dào, nhưng khi muốn tìm hiểu sâu hơn thông tin doanh nghiệp CNTT thì không biết lấy ở đâu ra. Nhiều doanh nghiệp sợ rằng nếu chỉ bó hẹp quan hệ hợp tác với 1 số doanh nghiệp lớn thì có thể bỏ lỡ cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng phù hợp hơn. Năm 2014, khi nghe Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) phối hợp VINASA tổ chức bình chọn Top doanh nghiệp hàng đầu thì chúng tôi rất phấn khởi vì đây là thông tin chính thống, tin cậy để giúp quảng bá thông tin cho bạn bè thế giới, giúp họ dễ dàng đưa ra lựa chọn chính xác, đúng đắn hơn trong việc lựa chọn đối tác Việt Nam”, ông Nguyễn Hùng Cường chia sẻ.
>> Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ cách khởi nghiệp thành công
Infonet
Ý kiến
()