Chúng ta

Đầu tư vào bitcoin - triệu đô và mất trắng

Chủ nhật, 24/12/2017 | 09:39 GMT+7

Bitcoin là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017 khi liên tục tạo đỉnh giá mới và chạm ngưỡng 20.000 USD/bitcoin. Nhưng đồng tiền này đang tiềm ẩn rủi ro về đầu cơ và cả pháp lý.

Mơ hồ về bitcoin

“Tôi cũng rất giật mình khi vừa rồi ngồi thống kê lại, hóa ra, 3 năm qua tôi đã phát biểu ‘lung tung’ trên 70 bài báo”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO chia sẻ tại một talkshow về chủ đề bitcoin gần đây. Luật sư Đức thừa nhận, trước đây, dù ông có quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này, nhưng vẫn còn rất mơ hồ.

8b4hinh-chung3-2173-1513930231.jpg

Chương trình được điều phối bởi ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm TGĐ Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cùng các diễn giả: Trần Hữu Đức, GĐ FPT Ventures, Phó Chủ nhiệm CLB Fintech Vietnam; Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT BASICO; ông Dominik Weil và ông Nguyễn Việt Bách đến từ Bitcoin.vn.

 

Hiện vẫn chưa có luật cụ thể nào về bitcoin, vì vậy bitcoin không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán.

Trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia khác chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và cập nhật để điều chỉnh với các sản phẩm mới, một trong những mấu chốt trong quản lý tiền ảo là việc xác định bản chất của nó là tiền tệ, hàng hóa hay một công cụ tài chính.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT PAN Group, bitcoin hay các loại tiền ảo khác dựa trên công nghệ blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại, nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán và chưa thể gọi là đồng tiền.

“Dưới góc nhìn của dân tài chính, tôi nghĩ chưa thể coi đây là tiền, vì tiền cần ngân hàng trung ương các nước công nhận và hiện cũng chưa có tỷ giá hối đoái”, ông Hưng nhận định.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện vẫn chưa có luật cụ thể nào về bitcoin, vì vậy bitcoin không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán. “Tuy nhiên, nếu dùng bitcoin để thanh toán thì ta cũng không phải là tội phạm, mà tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán bitcoin và người tạo ra bitcoin mới có tội”, ông Đức cho hay.

Cảnh giác trước nguy cơ “bong bóng” vỡ

Bất chấp các tranh cãi trong định nghĩa về tiền ảo, bitcoin có thể xem là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017, khi giá đồng tiền này chạm ngưỡng 20.000 USD/bitcoin.

Thật sự, bitcoin và cuộc chơi tiền ảo đã tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng chục ngàn người tham gia mới mỗi ngày và đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD.

Tại Việt Nam, nơi được đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất, bên cạnh những cơ hội, người tham gia cuộc chơi này cũng chịu không ít rủi ro, từ những bất trắc vốn có của mô hình mới đến những hoạt động lừa đảo, gian lận đa cấp núp bóng tiền ảo…

38aanh-duc-8295-1513930231.jpg

Khách mời Trần Hữu Đức cho rằng đây là câu chuyện khá phức tạp vì có yếu tố cách mạng công nghệ. Nhìn về quá khứ năm 1969, đây là thời điểm sơ khai của Internet. Blockchain được coi là loại Internet tương tự nhưng khác ở chỗ là chuyển giá trị và phải đảm bảo không bị sao chép giá trị. Cần phải có các yếu tố đầu tiên là tính năng an toàn, mạng lưới mở rộng...

“Trong blockchain là câu chuyện tiền không thể tách rời. Tất cả blockchain ra đời đều phải kèm tiền tệ. Đối với dân công nghệ, đây là xu thế tất yếu và mọi người cần chấp nhận. Đối với góc độ nhà đầu tư, họ nhìn vào coin đó để đầu tư mang đậm tính đầu cơ”, anh Đức nêu quan điểm. “Dưới góc nhìn cá nhân, tôi thấy nó đang khá nguy hiểm”.

Ông Dominic Weil, sáng lập bitcoin.vn thẳng thắn: “Đa số mọi người đổ xô vào thị trường chỉ để kiếm lời, nói trắng ra là đầu cơ. Họ chỉ muốn mua, để khi giá lên thì bán”.

Theo ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures, thị trường này đang bị thao túng nhiều hơn. “Các năm trước, bitcoin mới phổ biến trong những người chơi chuyên bán và bán chuyên, cuối năm nay, bắt đầu có sự tham gia của các tổ chức tài chính uy tín.

Hai nguồn lực chính quyết định tương lai đồng bitcoin là những người ủng hộ, sử dụng bitcoin, tiếp tục tạo sản phẩm mới và những người phản đối, trong đó có chính phủ một số nước. Câu chuyện là 2 bên chiến đấu thế nào về tương lai bitcoin. Giá có thể về 0, cũng có thể tăng mạnh, phụ thuộc bên nào thắng”, ông Trần Hữu Đức nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra dự báo: “Đồng bitcoin có thể lên giá tới triệu đô, nhưng cũng có thể nhanh chóng biến mất. Và sau 5 năm, tôi nghĩ bitcoin sẽ gần về với số 0”. Ông Đức lập luận, nếu trên thị trường chứng khoán, khi giá cổ phiếu cao gấp vài chục lần mệnh giá có thể xem là “ảo”, thì thậm chí bitcoin còn không có cơ sở nào để đánh giá giá trị.

Ngoài rủi ro về vỡ bong bóng đầu cơ, các chuyên gia cũng nhận định, bitcoin hay các đồng tiền ẩn chứa nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Với bitcoin, luật bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua bitcoin, mà không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán.

Nhưng khi một người đã sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất, thì luật không có quy định liên quan. “Do vậy, đầu tư vào bitcoin không phải là đầu cơ mạo hiểm, mà là vô cùng mạo hiểm”, Luật sư Đức nhấn mạnh.

>> GĐ FPT Ventures: 'Với dân công nghệ, tiền ảo là xu thế tất yếu’

Đầu tư

Ý kiến

()