Chúng ta

CNTT đứng đầu trong 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất

Thứ sáu, 10/7/2015 | 15:58 GMT+7

VietnamWorks vừa công bố báo cáo nhân lực trực tuyến HR Insider nửa đầu năm 2015 cho thấy ngành CNTT đứng đầu bảng trong 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2015.

anh-bai-cong-nghjee-thong-tin-8044-14361

Từ nay đến năm 2018, FPT cần tuyển khoảng 9.000 kỹ sư CNTT mỗi năm. 

Điểm đáng chú ý trong báo cáo này là sự tăng mạnh của nhu cầu tuyển dụng cùng sự hồi phục của nguồn cung nhân lực. Ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành của VietnamWorks, cho biết: “Nửa đầu năm 2015, nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng vượt bậc ở mức 34% so với cùng kỳ năm 2014. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất đều tăng trưởng khá mạnh trong nửa đầu năm 2015, dẫn đến số lượng công việc nhiều nhất, trong vòng 3 năm qua. Người tìm việc đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết để tìm được công việc mơ ước cho mình”.

Theo báo cáo này, CNTT đứng đầu trong 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, sau đó đến hành chính, kế toán, sản xuất, chăm sóc khách hàng, quảng cáo, marketing, xây dựng, kiến trúc, bán hàng.

Nhu cầu tuyển dụng có mức tăng trưởng 34%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm vừa qua. Kể từ năm 2013, nhu cầu tuyển dụng đã tăng liên tục: đối với thời gian 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, năm 2013 có mức tăng khiêm tốn 5%, năm 2014 tăng 25% và năm 2015 tăng cao nhất ở mức 34%.

Hầu hết các ngành có số lượng công việc đăng tuyển nhiều nhất đều tăng trưởng ở mức từ 20% trở lên, tạo nên kết quả rất khả quan của toàn thị trường. Đặc biệt, trong khi ngành nghề dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng là CNTT tăng thêm hơn 1.200 việc làm so với cùng kỳ năm 2014 thì ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất, vốn chỉ có nhu cầu tuyển dụng bằng 1/5 ngành trên đã tăng đến hơn 600 việc làm trong nửa đầu năm 2015.

Trong khi nhu cầu về tuyển dụng nhân lực CNTT tăng mạnh nhất thì Việt Nam lại phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT. Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam Trương Gia Bình cho rằng, thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT không phải là vấn đề mới nhưng tình trạng này đã lên mức báo động đỏ. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Tuy nhiên, số nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không nhiều, nhất là những người có khả năng làm việc tại nước ngoài.

“Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp CNTT nhưng chỉ riêng FPT có nhu cầu tuyển cạn kiệt nguồn cung. Để đáp ứng quy mô phát triển 30.000 người vào năm 2020, FPT Software đã phải sang Philippines, Myanmar… để tuyển nhân lực. Điều này thật phi lý”, ông Trương Gia  Bình nói.

Theo Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT và các ngành liên quan, chỉ có 9.000 sinh viên trong số đó có thể đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, 3.000 sinh viên có khả năng làm việc tại nước ngoài. Riêng năm 2015, chúng tôi có nhu cầu đào tạo 3.600 người. Với tốc độ phát triển như ngày nay, đến năm 2018, chúng tôi cần tuyển khoảng 9.000 người/năm. Thế nhưng, số sinh viên tốt nghiệp CNTT đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ  chỉ có 3.000 - 4.000 người”.

Cho dù CNTT là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng thực tế chất lượng nguồn nhân lực đào tạo của Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đây là bài toán phải được đặt ra một cách nghiêm túc, đặc biệt là khi Việt Nam đang nhắm tới trở thành quốc gia mạnh về CNTT. 

ICT News

Ý kiến

()