Chúng ta

8x chia sẻ nghề 'thợ săn' nhân sự

Thứ tư, 9/11/2016 | 15:38 GMT+7

Với kinh nghiệm tuyển được hơn 1.000 nhân sự trong quãng thời gian 5 năm trong nghề tuyển dụng, “thợ săn” 8x Nguyễn Thị Hồng Nhung có thể trông hồ sơ là bắt ngay được “hình dong” của ứng viên.

Nguyễn Thị Hồng Nhung là một trong những “thợ săn” nhân sự “cứng” của FPT Software, công ty công nghệ duy nhất của Việt Nam 3 năm liên tiếp trong danh sách 100 Công ty Ủy thác dịch vụ hàng đầu thế giới (The Outsourcing Global 100 do IAOP đánh giá). Có thể nói giờ Nhung trông hồ sơ là bắt ngay được “hình dong” của ứng viên.

Nguyen-Thi-Hong-Nhung-tho-san-3553-9145-

“Thợ săn” 8x Nguyễn Thị Hồng Nhung.

Theo Nhung, những ứng viên giỏi, tiềm năng thường có rất nhiều sự lựa chọn, rất nhiều lời mời mọc có cánh từ nhiều công ty. Vì vậy, để thuyết phục được những ứng viên này, những “thợ săn” như Nhung không chỉ phải “bán” được cho ứng viên những giá trị khác biệt mà vị trí tuyển dụng có thể mang lại cho họ mà còn phải có khả năng “đeo bám” và “buôn dưa” được với họ.

“Mình nhận được yêu cầu tuyển người cho dự án làm với khách hàng lớn của Mỹ, yêu cầu ứng viên phải là chuyên gia về ngôn ngữ lập trình C/C++, sử dụng tiếng Anh thuần thục. Lục lọi các nguồn, mình cũng tìm được người phù hợp. 

Nhìn hồ sơ của ứng viên khá khủng, “trên 10 năm kinh nghiệm, từng học 5 năm tại nước ngoài và cộng với ảnh chân dung khá “hình sự” mình cũng có chút “ca mơ run” khi quyết định gọi điện. Nhưng nhờ tìm hiểu kỹ về ứng viên và chút năng khiếu “buôn dưa” mình đã “khớp” yêu cầu tuyển dụng này”, Nhung nhớ lại. 

Cũng nhờ khả năng “buôn dưa” với ứng viên mà hiện giờ 30% số ứng viên mà Nhung tuyển dụng được là dựa trên nguồn giới thiệu từ mạng lưới những ứng viên thân thiết.

Để bán được những thông tin “đắt giá” về vị trí tuyển dụng cho ứng viên, thời gian đầu Nhung cũng phải “đánh vật” với những thuật ngữ chuyên ngành trong phần mô tả yêu cầu tuyển dụng cũng như trong hồ sơ của ứng viên. 

Bên cạnh đó, Nhung còn phải tìm hiểu và so sánh điểm mạnh điểm yếu của công ty so với các nhà tuyển dụng khác trong cùng lĩnh vực. Nhưng nhờ được đọc hàng chục, thậm chí là hàng trăm hồ sơ của ứng viên mỗi ngày và chịu khó tìm hiểu thêm thông tin từ Internet, nên hiện giờ, Nhung không còn bị “ngợp” trước những thuật ngữ công nghệ mà chỉ cần “lướt qua hồ sơ là có thể biết ứng viên đó có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không”.

Một kinh nghiệm khác mà Nhung tích lũy được trong quãng thời gian 5 năm làm tuyển dụng là chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Theo Nhung, muốn thành công là phải theo đuổi đến cùng. 

“Có một ứng viên mình đã “đeo bám” hơn hai năm nay và còn kết khá thân nhờ vào việc có cùng chung chủ đề để nói chuyện đó là “phượt”. Dự kiến trong vài tháng tới, ứng viên này sẽ gia nhập FPT Software với vị trí Solution Architect”, Nhung bộc bạch.

Dự định của “thợ săn” 8x này là tiếp tục tích lũy những kỹ năng để trở thành một nhà quản lý về tuyển dụng trong vài năm sắp tới. “Tham vọng của mình là hướng tới việc để ứng viên “đeo bám” chứ không phải “đeo bám” ứng viên nữa. Vì với nhu cầu tuyển dụng 20.000 nhân sự trong 4 năm tới của công ty thì thực sự là “lực bất tòng tâm” để “đeo bám” được con số khủng này” Nhung tâm sự. 

nguyen-thi-hong-nhung-tho-san-nhan-su-8x

Tham vọng của Nhung là hướng tới việc để ứng viên “đeo bám”.

Khoe kinh nghiệm tinh tế

"Thợ săn" Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng đã có những chia sẻ về một số điểm lưu ý để các ứng viên tăng khả năng trúng tuyển vào các công ty.

Nhung cho hay: “Nếu bạn không thể mô tả bản thân một cách ấn tượng trong hồ sơ xin việc thì rõ ràng bạn có một khiếm khuyết rất lớn. Đó có thể là khả năng diễn đạt, hay hiểu biết về chính bản thân và lĩnh vực đang làm việc. Bất kể khiếm khuyết đó là gì thì hồ sơ của bạn cũng sẽ bị xếp vào mục chờ xem xét”.

Nhung cũng cho hay thông tin mà đội tuyển dụng hay soi kỹ nhất theo Nhung chính là kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. 

“Khoe nhiều kinh nghiệm chưa hẳn đã tốt mà quan trọng là bạn phải khoe một cách tinh tế. Nghĩa là bạn phải chọn lọc và đảm bảo những kinh nghiệm bạn khoe phù hợp với vị trí bạn muốn ứng tuyển”, Nhung mách nhỏ cho các ứng viên.

Nhung lấy ví dụ để lọt mắt xanh một công ty công nghệ, ứng viên cần tập trung nhiều hơn vào phần thông tin về kỹ năng công nghệ. “Chỉ nên chọn một kỹ năng công nghệ bạn giỏi nhất và làm nổi bật kỹ năng này bằng việc nêu chính xác mức độ hiểu biết của bạn, kinh nghiệm trong những dự án cụ thể. Nếu bạn đưa ra nhiều kỹ năng nhưng không làm nổi bật được mức độ hiểu biết thì cũng không gây ấn tượng với nhà tuyển dụng”, Nhung nhấn mạnh.

Hiện Nhung và đồng nghiệp đang đứng trước áp lực tuyển khoảng 1.500 nhân sự trong vòng từ nay đến cuối năm 2016 và mục tiêu xa hơn là 20.000 nhân sự trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, không vì áp lực về số lượng mà bộ phận tuyển dụng sẽ chỉ “liếc qua” hồ sơ xin việc của ứng viên.

>> FPT xếp thứ hai Top 10 doanh nghiệp uy tín nhất Việt Nam

Tiền Phong

Ý kiến

()