Chúng ta
Thứ ba, 11/7/2023 | 16:33 GMT+7

Chàng trai vào FPT Software vì khả năng văn nghệ

Ngày đầu đến FPT Software, Dương Hoài Nam nhìn quanh phòng chỉ thấy nhạc cụ, thay vì máy tính, anh hiểu mình trúng tuyển vì câu trả lời thật thà “biết đàn, hát”.

Chàng trai vào FPT Software vì khả năng văn nghệ

Ngày đầu đến FPT Software, Dương Hoài Nam nhìn quanh phòng chỉ thấy nhạc cụ, thay vì máy tính, anh hiểu mình trúng tuyển vì câu trả lời thật thà “biết đàn, hát”.

Nam hiện là Kiến trúc sư giải pháp (Solution Architect) ở đơn vị chuyển đổi số toàn cầu của FPT Software, nhân sự cứng của loạt dự án triệu đôla của công ty về tối ưu chi phí, chuyển đổi số đầu cuối giúp khách hàng giải quyết các bài toán kinh doanh và đem lại giá trị.

Xuất thân là sinh viên chuyên ngành SE (Software Enginering - Kỹ thuật phần mềm) tại ĐH FPT khóa 4, từ khi còn ngồi giảng đường, chàng trai sinh năm 1990 đã xác định sẽ thử sức môi trường làm việc tại FPT. Năm thứ ba đại học, vào học kỳ thực tập doanh nghiệp bắt buộc của trường, Nam đã đăng ký làm thực tập sinh. Nhớ lại buổi phỏng vấn đầu tiên, Nam cho biết khá bất ngờ vì những câu hỏi không liên quan đến chuyên ngành. "Chú biết chơi bóng đá không? Đội anh đang thiếu một chân", vị lãnh đạo FPT Software hỏi cậu. Sững người một vài giây, Nam thật thà nói: "Em không biết chơi bóng đá, nhưng em biết đàn, hát".

Ngày đầu đi làm, Nam tiếp tục “choáng” vì thứ đầu tiên nhìn thấy trong phòng không phải máy tính mà là hai cây đàn guitar, một đàn organ và sáo. Đặc biệt, dự án có 15 người nhưng ai cũng biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ. "Điều đó khiến tôi thích thú và hào hứng để học hỏi, cống hiến cho công ty", chàng trai 9x nói.

Một thời gian sau Nam mới biết, ở FPT Software hoạt động công nghệ chỉ chiếm 50% thời gian, nửa còn lại dành cho các hoạt động văn nghệ, nên mọi người đến công ty làm việc luôn vui vẻ.

Bắt đầu từ những dự án đơn giản về lập trình, đến nay, sau 10 năm gắn bó, Nam đã tham gia triển khai loạt dự án triệu đôla với những công nghệ đình đám cùng mức lương tăng theo cấp số nhân.

Anh từng đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm kiến trúc giải pháp thiết hệ thống Data Lake House Platform cho Start-up kỳ lân về xây dựng tại Anh trên nền tảng Amazon Web Services; Tư vấn trưởng phụ trách tư vấn bộ công cụ giúp chuyển đổi mô hình phát triển phần mềm truyền thống sang mô hình hiện đại DevSecOps cho khách hàng top 25 công ty bảo hiểm lớn nhất toàn cầu. Nam cũng từng là leader nhóm kiến trúc giải pháp với vai trò thiết kế và phát triển Landing Zone sử dụng Amazon Web Services và Kubernetes để giúp khách top hai viễn thông của Australia hiện đại hóa hệ thống sang mô hình Microservice hiện đại.

FPT Software là công ty toàn cầu với 64 công ty trên toàn thế giới, vì vậy, Nam chủ yếu tiếp xúc, trao đổi với khách hàng tại Mỹ, Châu Âu, Singapore, Australia…”Đi làm mà luôn trong tâm thế chu du toàn cầu”, cậu dí dỏm nói. “Tôi thích làm việc với tập khách hàng này, vì họ thẳng thắn, không vòng vo”.

Một điểm nữa ở công ty khiến Nam quyết định gắn bó lâu dài là sếp tâm lý với nhân viên. Năm 2012, thời điểm mới vào làm công ty hơn một năm cũng là lúc người yêu anh (vợ hiện tại) sang Singapore học thạc sĩ hai năm. Đang buồn vì phải thử thách yêu xa, đúng lúc công ty có dự án ở Singapore, Nam đã được sếp cử sang làm việc để gần bạn gái. Thậm chí công ty đài thọ mọi chi phí vé máy bay, tiền thuê nhà, ăn uống. “Tôi nhớ mãi điều này. Với tôi đó là những giá trị không thể quy ra thành tiền", anh chia sẻ.

Chia sẻ về chàng trai Hà thành, anh Lê Đức Tiệp - Phó giám đốc FPT Software Europe nhận định Nam là người thông minh, sáng tạo và chỉn chu trong công việc. “Những dự án Nam làm trưởng nhóm khiến tôi luôn yên tâm về chất lượng và timeline”, anh Tiệp nói, cho biết thêm, ngoài công việc, Nam là người hòa đồng, gần gũi với anh em đồng nghiệp.

Là kỹ sư của những dự án đình đám, chàng trai Hà thành tiết lộ, anh yêu thích công nghệ ngay từ những năm cấp một, khi lần đầu được chạm vào chiếc máy tính xách tay của ông ngoại. "Hồi đó, máy tính là thứ gì đó kỳ lạ, khiến tôi có thể tập trung 100% sức lực", anh nói.

Ông ngoại là giáo sư, tiến sĩ về toán, nên từ nhỏ, Nam được ông dạy và truyền đam mê về toán học, logic. Lớn hơn một chút, anh được cậu hướng dẫn các lập trình đơn giản về pascal, lý do vì sao gõ những dòng lệnh này.

Lên cấp ba, đứng trước ngưỡng cửa chọn trường, Nam tự thấy mình không hợp ngành gì khác ngoài lập trình, nên quyết định theo học công nghệ, với niềm tin "chọn ngành mình thích thì sẽ không phải đi học, đi làm mà là được đi học, đi làm". Anh quyết định chọn Trường Đại học FPT vì "bị hấp dẫn bởi chương trình đào tạo mới lạ và cập nhật theo chuẩn quốc tế". Kết quả, thời gian 4 năm học ngày càng củng cố cho niềm tin chọn Trường ĐH FPT là đúng đắn của chàng trai 9x.

Những ngày đầu nhập học, Nam ấn tượng với hai nhân vật truyền cảm hứng trong Orientation Week (tuần định hướng) của trường, đó là anh Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT và anh Đinh Tiến Dũng, khi đó là Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH FPT. "Ở họ toát ra năng lượng khủng khiếp, khiến tôi thấy bản thân được truyền nguồn năng lượng lớn về lập trình cũng như tương lai của ngành này", Nam nói.

Sau tuần định hướng là khóa tập quân sự kéo dài một tháng, các tân sinh viên ăn ngủ luyện tập cùng nhau đã giúp Nam và 100 sinh viên gắn kết, xem nhau như anh em trong gia đình. "Điều đó khiến tôi - người vốn sống khép kín, ngại giao tiếp trở nên mở lòng với bạn bè và thầy cô", Nam thừa nhận.

Chia sẻ thêm về ngôi trường đại học, Nam khẳng định Đại học FPT rất năng động với nhiều câu lạc bộ ngoại khóa, buộc anh phải trở nên năng nổ, quyết đoán hơn.

Về kiến thức, thời điểm đó gần như không có trường nào đào tạo sinh viên ra trường làm việc được luôn như ĐH FPT. "Các trường khác dạy kiến thức nền tảng rất chắc, nhưng ra trường muốn đi làm phải học thêm ngôn ngữ lập trình nào đó", Nam nói, cho biết thêm đến giờ sau chục năm đi làm thấy bản thân không kém hơn các bạn trước đây từng học các trường top đầu Hà Nội, thì đây có thể là cách dạy, học hay.

Song song, trường còn thuê chuyên gia, mở khóa học đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm cho sinh viên. "Ngành này không làm việc đơn lẻ được, đơn lẻ là chết, nên những kỹ năng này thực sự hữu ích với chúng tôi", nam IT cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn định hướng theo ngành IT, Hoài Nam cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng các bạn trẻ cần trang bị càng sớm càng tốt, đó là tiếng Anh, khả năng tự học và kỹ năng làm việc nhóm.

"Trong IT, ngôn ngữ quan trọng nhất không phải lập trình mà là tiếng Anh", Nam nhấn mạnh. Thuận lợi là, làm sinh viên ĐH FPT, Nam bắt buộc phải học tiếng Anh trong năm đầu tiên, tiếp đó là ngôn ngữ tiếng Nhật. "Tiếng Anh giờ đây không còn là lợi thế mà là yếu tố bắt buộc. Vì vậy, nếu có ngoại ngữ bạn sẽ đi rất nhanh và rất xa", Nam khẳng định.

Lấy ví dụ từ bản thân, anh cho biết, thời gian mới đi làm đã đảm nhận dự án với đối tác Mỹ, nên ngày nào cũng phải họp lúc 2h sáng để báo cáo, trình bày vấn đề, thậm chí tranh luận. "Nếu mình ngồi im lặng sẽ không tạo ra giá trị, không tạo ra giá trị sẽ bị đào thải. Vì vậy tiếng Anh là yếu tố đầu tiên", nam IT nhấn mạnh.

Thứ hai là phải "học, học nữa, học mãi", vì công nghệ luôn thay đổi. Hoài Nam thấy rất hay khi FPT Software có chương trình Academy - hàng năm nhân viên phải dành ra 20 tiếng để học một chương trình gì mới để trau dồi kỹ năng cứng và mềm.

Cuối cùng là kỹ năng mềm, ở đây tinh thần làm việc nhóm, bởi nhóm không chỉ có mỗi bạn, mà còn có nhiều cá tính quan điểm khác nhau cần thích ứng.

Hoài Nam tiết lộ thêm, không phải giỏi toán mới có thể làm lập trình viên. Thực tế, Toán cần thiết với coder, tuy nhiên ngành này còn có nhiều lĩnh vực khác như phân tích yêu cầu, làm việc với người dùng, nên "nhiều khi kỹ năng mềm còn quan trọng hơn, như kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu, làm việc với khách", anh nói.

theo VnExpress

Ý kiến

()
 
Tags: