Chúng ta

Chàng kỹ sư nhà F giúp hàng trăm nghìn người tiếp cận lập trình

Thứ bảy, 20/11/2021 | 09:34 GMT+7

Cao Văn Việt không phải thầy giáo, nhưng chàng kỹ sư 33 tuổi này đã xây dựng nền tảng giúp hàng trăm nghìn người tiếp cận kiến thức lập trình.

Cao Văn Việt, sinh năm 1988, là một trong những lãnh đạo chủ chốt trong mảng EdTech - chuyên ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm phục vụ giáo dục - tại FPT. Anh là người đứng sau thành công của CodeLearn - giải pháp dạy lập trình lớn nhất do người Việt phát triển, thu hút hơn 300.000 người dùng trong và ngoài nước.

caovanviet-3210-1637083110-jpe-5095-3887

Cao Văn Việt, Giám đốc mảng Education Technology tại FPT Software. Ảnh: Lưu Quý

Đam mê với những dòng code

Lớp 9, Việt mới làm quen với tin học và bắt tay gõ dòng code đầu tiên. Ba năm học phổ thông với hai lần đạt giải tin học quốc gia, anh sớm xác định sẽ đi theo con đường làm phần mềm.

Tự nhận có "máu lập trình", ngay từ năm thứ hai đại học, Việt tìm đến các công ty công nghệ hàng đầu để thử thách bản thân. Suy nghĩ trong anh khi ấy là muốn thật nhanh tiếp xúc với những đề bài thực tế, thực hành kiến thức đã học và xây dựng các phần mềm mang lại giá trị thực tiễn, thay vì chỉ học lý thuyết trên lớp.

Khi tốt nghiệp, Việt đã có kinh nghiệm tham gia hàng chục dự án phần mềm lớn trong và ngoài nước, cơ hội làm việc và một suất học cao học ở nước ngoài. Tuy nhiên, anh từ chối. Năm ấy, Việt cùng cộng sự quyết định khởi nghiệp và tự xây dựng những sản phẩm của riêng mình để thỏa mãn đam mê.

Hơn 10 năm làm nghề, Việt cho biết anh chưa ngày nào ngừng nghĩ đến những dòng code. "Nếu không phải viết code cho sản phẩm của mình, tôi lại tự tìm các bài lập trình khó để giải. Nó giống tập thể dục cho não vậy, giúp chúng ta có thể tăng khả năng tư duy và sáng tạo". Công việc ở nhiều vị trí khác nhau khiến quỹ thời gian dành cho đam mê này giảm xuống, nhưng Việt "đã tự lập trình cho bản thân thói quen như vậy".

Giúp hàng trăm nghìn người tiếp cận lập trình

Năm 2015, Việt trở thành một trưởng nhóm tại FPT Software, được giao quản lý nhiều nhân sự là sinh viên mới ra trường. Giai đoạn đó, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả nhu cầu và số lượng nhân sự. Tuy nhiên, sinh viên ra trường hầu hết còn nặng lý thuyết, ít thực hành. Anh trở thành thầy giáo "bất đắc dĩ" đào tạo kỹ năng làm việc cho các bạn trẻ.

Sau hơn hai năm, anh nhận ra vấn đề trong việc dạy và học công nghệ thông tin tại Việt Nam. "Người dạy phải giảng đi giảng lại một bài học ở những lớp khác nhau. Trong khi nhiều người học muốn nhiều hơn, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được thầy", anh nói. Với tư duy của người làm công nghệ, anh nảy ra ý tưởng xây dựng hệ thống tự động trong giảng dạy lập trình tại Việt Nam, để người dạy chỉ cần tạo bài giảng một lần, còn người học có thể vào học bất cứ lúc nào.

Bước ngoặt đến với Việt vào năm 2018 khi được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc thi lập trình tại chi nhánh Nhật Bản. Trong 18 ngày, anh và các cộng sự phát triển một hệ thống đánh giá, chấm điểm code tự động thay vì sử dụng giải pháp có sẵn. Cuộc thi Pikalong War năm ấy thành công tốt đẹp, một phần nhờ giải pháp chấm điểm này.

Khi quay lại công cuộc đào tạo lớp trẻ, Việt nghĩ nhiều về hệ thống dạy lập trình mà mình ấp ủ. Phần mềm mà anh phát triển vô tình thành mảnh ghép quan trọng cho hệ thống. Hơn một tháng sau, từ một phần mềm vô danh phục vụ cuộc thi, CodeLearn hình thành, với việc bổ sung tính năng giảng dạy, thực hành, chấm điểm và xếp hạng.

Với quan điểm lập trình phải vừa học vừa thực hành, Việt thiết kế nền tảng theo hướng chia nhỏ từng nội dung lý thuyết. Ở mỗi nội dung, người học cần gõ một đoạn mã, mục đích là ứng dụng lý thuyết vừa học nhằm giải quyết một bài toán cụ thể nào đó. Sau đó, hệ thống chấm điểm và đánh giá đoạn mã của người học đúng hay sai. "Học viên có thể học, thi và chấm điểm bất cứ lúc nào, không cần phụ thuộc nhiều vào giáo viên như phương pháp học truyền thống", anh nói.

Ban đầu, CodeLearn được áp dụng nội bộ tại FPT để đào tạo cho nhân viên mới. Sau hai tháng, phần mềm thể hiện hiệu quả, được nhiều lãnh đạo tập đoàn đánh giá cao. Nhóm của Việt quyết định đưa giải pháp ra thị trường để ai cũng có thể học.

CodeLearn hiện trở thành một trong những giải pháp học lập trình miễn phí được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, với 20 khóa học và hơn 1.000 bài luyện tập chia làm ba cấp độ.

code-learn-3328-1637083110-jpe-4971-3840

Giao diện của CodeLearn cho phép người học thực hành và chấm điểm ngay khi học.

Sau một năm, CodeLearn có 200.000 người dùng. Nhiều đại học, công ty trong và ngoài nước đề xuất mua làm công cụ giảng dạy cho nhân viên của họ. Code War - cuộc thi lập trình dựa trên các bài học từ CodeLearn - cũng trở thành một sự kiện được giới học sinh, sinh viên IT Việt Nam chờ đợi hàng năm.

Cũng từ những cuộc thi ấy, nhiều nhân tài lập trình tại Việt Nam được phát hiện, trong đó có những học sinh lớp 6, 7, có những người đến từ nơi mà công nghệ thông tin còn chưa phổ biến. Việt bắt đầu nghĩ đến tương lai sẽ phổ cập kỹ năng lập trình cho mọi người.

Mong muốn 'phổ cập hóa' lập trình

Tại công ty nơi anh làm việc, mỗi quý và mỗi năm, mọi nhân sự đều phải đặt ra OKR, tức đưa ra mục tiêu và kết quả then chốt cần đạt được theo từng giai đoạn. Trong một lần như vậy, Việt viết ra mục tiêu dùng CodeLearn để "phổ cập hóa" lập trình. Anh bị nhiều người nói là gàn dở, bởi khó đạt được với một phần mềm học lập trình trong nước.

Tuy nhiên, suy nghĩ đưa lập trình đến với nhiều người của Việt chưa bao giờ nguôi. Quá trình làm CodeLearn mang đến cho anh nhiều niềm vui. Một cô bé cấp ba chưa hiểu rõ các câu lệnh, nhưng đã giành giải nhất một cuộc thi nhờ hơn một tháng kiên trì tự học. Một cậu học sinh tỉnh lẻ sau 6 tháng tự học đã có thể viết game, xây dựng sản phẩm machine learning. Nhiều người cũng giống Việt, đã có định hướng rõ ràng cho tương lai sau khi tiếp xúc với công việc này.

Trần Trọng Nghĩa, tài năng công nghệ 13 tuổi biết 8 ngôn ngữ lập trình, là một thành viên tích cực trên CodeLearn. Từng học qua nhiều nền tảng khác nhau, cậu thích CodeLearn vì "có nhiều bài học, cộng đồng tiếng Việt tiện trong việc học và trao đổi, là môi trường mở để những người hiểu biết nhiều hay ít đều có thể tham gia, chia sẻ cho nhau cùng phát triển".

Cậu học sinh lớp 7 coi Cao Văn Việt như một người thầy trong nghề. Khi nhận lời thách thức tìm ra lỗi trên nền tảng CodeLearn, Nghĩa từng nghĩ anh khó gần. "Tuy nhiên, khi em gửi lỗi, dù giữa đêm, anh vẫn lắng nghe, ghi nhận và sau đó cùng khắc phục. Anh thường xuyên hướng dẫn và khuyến khích em trong việc học lập trình", cậu nói.

Theo Việt, dù ở lứa tuổi hay ngành nghề nào "cũng nên biết lập trình vì kỹ năng này giúp tư duy về toán học, tư duy logic và sẽ giúp ích nhiều trong đời sống, dù không nhất thiết phải theo ngành".

Ở Việt Nam, việc học tập từ xa qua các nền tảng trực tuyến còn nhiều khó khăn. "Mỗi người, mỗi gia đình có định hướng khác nhau cho con em mình và không phải ai cũng muốn con mình tiếp xúc với máy tính sớm. Ngoài ra, còn khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều nơi chưa máy tính, chưa có mạng", anh giải thích.

Để đạt mục tiêu đặt ra, Việt cho biết sẽ phải nâng cấp, chỉnh sửa, hiệu chỉnh cả hệ thống và nội dung rất nhiều. Anh cùng đội ngũ đang xây nền tảng EduNext, ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng trải nghiệm trên môi trường học trực tuyến với mục tiêu không chỉ ở Việt Nam, mà vươn ra thị trường toàn cầu. "Chúng tôi đang phát triển một phiên bản tiến hóa của CodeLearn, để nền tảng, công nghệ, nội dung sẽ phát triển xa và mạnh mẽ hơn nữa", Việt nói.

Lưu Quý

Ý kiến

()