Chúng ta

Xoay

Thứ hai, 17/7/2017 | 09:28 GMT+7

Gần đây, thấy cãi nhau loạn lên về xe máy với xe hơi hay giao thông công cộng. Hà Nội thậm chí còn ra quyết định cấm xe máy từ năm 2030. Thôi thì đủ luận cứ, nào là giao thông, nào là môi trường, nào là văn hóa. Nhưng hiếm người đề cập đến một vấn đề, chính mấy cái xe máy nhếch nhác là yếu tố quyết định thúc đẩy thương mại điện tử quy mô nhỏ bùng nổ ở Việt Nam.

Người Việt giỏi xoay:

Đến ngớ ngẩn như tôi: con đầu, cháu sớm, học sinh giỏi, gạo không phải vay, chợ không phải đi, chẳng phải làm gì, chỉ việc học, mà đến lúc bị bắt đi làm kinh doanh (do lãng mạn dại dột) rồi cũng làm được hết.

Ưa thích những người hay xoay:

Nhân viên cũ của tôi, thông minh, đàn ca, võ thuật, đẹp trai, nói hay… nổi tiếng cũng chỉ cấp công ty. Lên truyền hình, nhờ có tài xoay xở trả lời các câu hỏi khó, danh tiếng vang toàn quốc. Đi cùng là mình rất xấu hổ.

Và đưa lên thành triết lý:

Bạn tôi, học giỏi toán, thành sự nghiệp nhờ đầu tư, rất thích nghiên cứu tâm lý dân ta, đã đúc kết kỹ năng này thành một nguyên tắc gọi là “Tiếp Biến”, đại ý là dân ta rất nhanh trong việc: Tiếp cận kiến thức mới, nhưng cũng rất thích Biến đi cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Nên tôi luôn tâm niệm, thế nào cũng có cách tận dụng tối ưu nhất hiện tại để cải tiến công việc của mình.

Hồi đầu, công ty chúng tôi đóng đô ở trong tòa nhà HITC, một trong những tòa nhà văn phòng tốt nhất Hà Nội. Dưới tầng 2 là bar HITC club, ấm cúng, nhạc, bia, café… là chỗ để nhân viên giao lưu, kết nối, tâm sự. Chúng tôi thường xuống trò chuyện với anh em. Mới thấy là quân mình hầu như chẳng có ai. Trong khi đó mấy ấm trà đá vỉa hè ngay dưới chân tòa nhà, nóng nực, lếch thếch thì đông thôi rồi. Chúng tôi quyết tâm đưa concept “trà đá vỉa hè” vào tòa nhà văn phòng hạng A.

Đầu tiên là thuyết phục mấy chị bán quán (hai chị tên là Phương và Hiệp nên đặt tên quán là Phương Hiệp), vì các chị ấy thấy sang quá sợ. Thứ đến là thuyết phục ban quản lý, làm sao để thông gió, phòng cháy chữa cháy hợp với tiêu chuẩn của tòa nhà. Thứ nữa là sao cho nó phù hợp với cảnh quan văn phòng công ty công nghệ mà vẫn phải giữ chất “trà đá vỉa hè” tạm bợ, ghế nhựa, có tí bô nhếch. Phương Hiệp đã rất thành công. Cả đội dự án xoay quanh cái ấm trà trên ghế nhựa, hay một ghế, một cốc trà, một mình với cả thế giới. Không chỉ anh em thích, mà các khách hàng nước ngoài cũng rất thích. Họ có dịp tiếp xúc với các đồng nghiệp của mình ở một góc cạnh khác, gần gũi hơn. Lãnh đạo muốn biết anh em tâm tư gì, cứ ra hỏi Phương Hiệp là rõ.

Bàn rộng ra một chút.

Gần đây, thấy cãi nhau loạn lên về xe máy với xe hơi hay giao thông công cộng. Hà Nội thậm chí còn ra quyết định cấm xe máy từ năm 2030. Thôi thì đủ luận cứ, nào là giao thông, nào là môi trường, nào là văn hóa. Nhưng hiếm người đề cập đến một vấn đề, chính mấy cái xe máy nhếch nhác là yếu tố quyết định thúc đẩy thương mại điện tử quy mô nhỏ bùng nổ ở Việt Nam. Đội ngũ xe ôm làm shipper kiêm thu ngân đã làm cho dịch vụ thương mại điện tử của ta hơn hẳn Mỹ về độ tiện lợi cho người dùng:

Cá nhân tôi đã sử dụng những dịch vụ sau online và thấy hoàn toàn hài lòng:

- Mua sách, trị giá 95.000 đồng, ship trong ngày, được khuyến mại tiền ship 10.000 đồng.

- Mua dây sạc laptop, 250.000 đồng, ship trong 1 giờ, miễn phí ship.

- Mua SIM số tự chọn, 400.000 đồng, ship trong 3 giờ, miễn phí ship.

- Mua lòng lợn, 150.000 đồng, ship trong vòng 1 giờ.

- Mua cá kho Thị Nở, 400.000 đồng, ship từ làng Vũ Đại, tiền ship 20.000 đồng.

Bởi thế tôi không tham gia vào cuộc tranh luận cấm hay không cấm xe máy. Có hay không có cũng là một thực tế khách quan. Với niềm tin sâu sắc rằng kiểu gì thì dân ta cũng xoay ra được cách kiếm lòng lợn ăn một cách tiện lợi nhất.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()