Chúng ta

Xin cho trẻ bình yên

Thứ hai, 16/4/2018 | 10:11 GMT+7

Những lời nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt hoặc nói “cho có chuyện" kia nhưng tác động cực lớn.

Câu chuyện cậu bé 16 tuổi tự tử vì quá áp lực học tập tràn ngập trên mặt báo mấy ngày qua khiến nhiều người đau lòng. Tôi đọc qua thấy nhiều bình luận, đa phần theo kiểu ném đá phê phán cha mẹ của cậu bé vì việc chạy theo thành tích ảo tưởng để dồn con đến đường cùng...

Nhưng mà “nói người thử ngẫm lại ta”. Thử hỏi ở đây có ông bố bà mẹ nào chưa từng ở vào hoàn cảnh ép con: từ ép con ăn, ép con ngủ đến ép con học. Tất cả đều vì ý nghĩ muốn tốt cho con nhưng thật sự có phải đó là điều con mong muốn.

Có những bà mẹ khi dắt trẻ ra đường chơi nhiều người hàng xóm cứ xì xầm: “Sao để con ốm nhom ốm nhách vậy, chắc mẹ ăn hết hay sao mà con bé tẹo như cái kẹo”. Những lời nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt hoặc nói cho có chuyện kia nhưng tác động cực lớn. Người mẹ của đứa trẻ sẽ nghĩ mình vô dụng, không biết cách chăm con và đem cái ám ảnh đó trút vào việc ép con phải ăn nhiều để nhanh lớn, béo khoẻ nhưng thật sự càng ép đứa trẻ càng sợ ăn và kết quả hai mẹ con rơi vào căng thẳng.

Quay lại câu chuyện cái kết đau đớn của nam sinh kia có lẽ một phần lớn áp lực mà em phải gánh chịu có chăng cũng vì những lời phán "vô thưởng vô phạt" của những con người vô tình trong xã hội như kiểu “con nhà người ta” và cha mẹ em cũng là nạn nhân của việc chạy đua theo hư danh.

Theo những cái chuẩn nhất của người đứng đầu nên ngẫm lại mới thấy miệng đời thiên hạ đôi khi thật kinh khủng, trước khi nói về ai điều gì hy vọng mọi người nên cân nhắc.

>> Quyền được điểm kém

Phan Vi

Ý kiến

()