Chúng ta

Quyền được điểm kém

Chủ nhật, 15/4/2018 | 12:02 GMT+7

Còn khối thứ phải quan tâm. Đừng tước đi quyền được điểm kém của học sinh.

Tại sao cha mẹ, thầy cô cứ bắt con cái phải được điểm cao nhỉ, nếu thế thì người ta nghĩ ra những điểm khác nhau để làm gì? Hay điểm kém là để dành cho những học sinh yếu? Chắc chắn không phải. Điểm kém quý giá và quan trọng hơn nhiều. Có thể kể đến:

Xác định yêu cầu tối thiểu cần đạt. Như ở ta là điểm 5. Nếu đạt 5 điểm có nghĩa là đạt yêu cầu. Cách nói to tát hơn là "hoàn thành nhiệm vụ", không phải xuất sắc nhưng khác hẳn với không hoàn thành. Chả có lý do gì để trách, phạt những người hoàn thành nhiệm vụ.

Nó giúp học sinh, kể cả những học sinh giỏi nhất, hiểu rằng kiến thức là vô tận. Không kiêu căng, không tự mãn, không chủ quan. Có giỏi đến đâu cũng có thể "không đạt". Không có những điểm kém, khó mà giúp học sinh nhận ra điều đó.

Điểm nói chung, bao gồm những điểm kém, là cách để học sinh học cách coi trọng những giá trị khác nhau, đánh giá một cách công bằng. Ví dụ: thông minh, chăm chỉ, nỗ lực, cầu thị,... không có điểm kém, đồng nghĩa với việc không còn tính công bằng.

Với phụ huynh, nhất là phụ huynh của các cháu học sinh giỏi. Tin tôi đi, mỗi điểm kém có ích cho các cháu hơn những điểm 10. Cái này được gọi là học từ sai lầm. Nếu tin vào con mình, hãy cảm thấy may mắn và biết ơn thấy cô nếu thi thoảng các cháu bị điểm kém.

Nói chung, làm gì thì cũng phải cố gắng "đạt yêu cầu" đã. Sau đó hơn thì tốt, khó quá hay không có thời gian thì thôi, cũng chẳng sao. Còn khối thứ phải quan tâm. Đừng tước đi quyền được điểm kém của học sinh.

>> Tôn vinh bằng cấp

Khúc Trung Kiên

Ý kiến

()