Chúng ta

Tự sự ngày FPT chạm mốc 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm

Thứ sáu, 22/12/2023 | 15:42 GMT+7

Như đã nói, đã viết nhiều lần và đã tin chắc rằng nhất định năm 2023 này FPT Software sẽ đạt 1 tỷ USD doanh số, thế mà hôm nay, ngày mà FPT Software chính thức cán đích, tôi vẫn thấy xốn xang trong lòng, một tiếng reo vui như bật ra từ trong sâu thẳm con tim.

Vâng, rất tuyệt vời, một cái mốc ấn tượng nhất và đáng nhớ nhất trong lịch sử của FPT Software và tất nhiên của cả FPT. Quá vui vì FPT Software đã vượt qua một đỉnh núi đầu tiên để sẵn sàng leo tiếp lên những đỉnh núi mới cao hơn nữa.

Giờ phút này tôi nhớ đến một ngày mùa thu cách đây 25 năm 3 tháng, tại hội nghị chiến lược FPT 1998 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Nguyễn Thành Nam đã trình bày báo cáo có tiêu đề “xuất hay là chết”, một định hướng chiến lược tiến ra nước ngoài, làm cho gần 50 tướng lĩnh FPT, dù đã dày dặn trận mạc vẫn không khỏi ngỡ ngàng; đột phá quá, táo bạo quá, khó quá, nhưng cũng đầy chất thơ và lãng mạn, vì vậy mà Thành Nam mới dùng câu “xuất hay là chết”, còn anh Trương Gia Bình thì đề ra quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng xuất cho được phần mềm” và sau đó chúng tôi đặt tên cho hội nghị đó là HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG.

-4934-1703234482.jpg

Anh Nguyễn Thành Nam (giữa) và các lãnh đạo FPT Soffware qua các thời kỳ trong khoảnh khắc nhà Phần mềm cán mốc 1 tỷ USD.

Giờ phút này tôi nhớ lại hình ảnh anh Trương Gia Bình cầm cây bút màu xanh, nắm nót viết lên góc cao bên trái cái bảng màu trắng con số 500.000 USD cho đề xuất đầu tiên về tiền đầu tư cho xuất khẩu phần mềm và anh Bình tiếp tục viết lên góc cao bên phải dòng chữ 1.000.000 USD theo đề xuất của tôi. Cả hội trường lặng im, vì thời ấy toàn bộ doanh số phần mềm trong nước chỉ vẻn vẹn có 400.000 USD, 1 triệu USD có nghĩa là bằng doanh số 2,5 năm của phần mềm trong nước (nên nhớ là doanh số chứ không phải lợi nhuận), tất cả nhìn sang anh Lê Quang Tiến, PTGĐ kiêm CFO FPT, người nắm tay hòm chìa khoá của FPT, và sau khi Lê Quang Tiến gật đầu, hội nghị đã thông qua việc đầu tư cho xuất khẩu phần mềm 1 triệu USD.

Sau hội nghị Diên Hồng, đầu năm 1999, FPT Software được thành lập, 16 thành viên đầu tiên được lấy từ bộ phận phần mềm trong nước, ngay sau đó anh Trương Gia Bình tiến hành tuyển cán bộ kinh doanh cho FPT Software, chúng tôi gọi là tuyển “phi công vũ trụ”, bởi tiêu chuẩn đặt ra cao quá “tố chất kinh doanh tốt; giỏi tiếng Anh; giỏi công nghệ, đặc biệt là giỏi phần mềm; có trải nghiệm sống, làm việc hoặc học tập ở nước ngoài, ở Âu Mỹ càng tốt; khả năng giao tiếp và trình bày tốt; có khả năng sống tự lập”. Trong số 5 phi công vũ trụ được tuyền đợt ấy, có 2 người đã song hành và thành công cùng FPT Software là Hoàng Việt Anh (cựu CEO FPT Software, hiện là Chủ tịch FPT Telecom) và Bùi Hoàng Tùng (cựu CEO FPT Mỹ, hiện là CEO Rikkeisoft USA).

Giờ phút này tôi nhớ đến những buổi lễ hùng tráng ở sân FPT 89 Láng Hạ, lễ tiễn “Chinh Tây Đại nguyên soái (Hùng Henry cùng các cộng sự lên đường sang Mỹ)” và tiễn 3 thầy trò Khúc Trung Kiên, Bùi Hồng Liên và Phạm Minh Tuấn lên đường sang Ấn Độ thỉnh kinh (học Ấn Độ về xuất khẩu phần mềm). Lễ “Chinh Tây” được tổ chức theo mô tip trao gươm và ấn trong Tam Quốc, còn lễ “thỉnh kinh” thì được tổ chức theo mô tip thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký.

Giờ phút này tôi nhớ đến những ngày đầu sang Mỹ, đại tướng tiên phong chinh Tây Henry Hùng và Hồng Sơn phải ăn mì gói, ngủ giường tầng, phải nhờ cả cô cắt tóc người Việt ở Cali giới thiệu khách hàng và một anh chủ nhà hàng người Việt đã ưu ái ký một hợp đồng quản lý chuỗi nhà hàng của chính mình (trị giá đâu đó 2.500 USD). Nhớ cả hôm Hùng Henry hốt hoảng gửi bản copy một bài báo tiếng Việt ở Cali với tiêu đề “Việt cộng đã sang Mỹ làm phần mềm rồi”.

Đạt 1 tỷ USD doanh số, FPT Software đã chính thức trở thành công ty phần mềm Đông Nam Á đầu tiên cán mức này, lọt vào top 50 công ty phần mềm lớn nhất thế giới, còn FPT Japan là công ty phần mềm lớn thứ 26 Nhật Bản. Từ 1 triệu USD đầu tư, đến thời điểm này FPT Software đã thu về cho FPT và cho đất nước 5,07 tỷ USD, cao gấp 5070 lần số tiền đầu tư. Đúng là một giấc mơ rất lãng mạng nhưng rất tuyệt vời.

Có rất nhiều người thành đạt kể rằng “khó khăn nhất là kiếm ra một triệu USD đầu tiên, sau đó thì việc kiếm ra thêm một vài triệu USD nữa không còn khó nữa”, FPT Software cũng vậy, khó nhất là kiếm được một tỷ USD đầu tiên.

Giờ đây, người FPT bắt đầu hướng đến những cái mốc lớn hơn: 2 tỷ, 3 tỷ và 5 tỷ USD doanh số, nhưng thay vì phải đợi chờ 25 năm thì giờ đây chỉ cần có 3 năm cho cái mốc 2 tỷ USD, 5 năm cho cái mốc 3 tỷ USD và 7-8 năm có cái mốc 5 tỷ USD. Thời điểm này, nếu có mơ đến con số 10 tỷ, 15 tỷ USD doanh số thì cũng không hề táo bạo, khó khăn và lãng mạn bằng giấc mơ xuất khẩu phần mềm của 25 năm trước.

Có lẽ giờ đây FPT phải mơ đến một giấc mơ khác táo bạo hơn và lãng mạn.

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()