Chúng ta

Tư duy thế nào mới đúng về thuế

Thứ hai, 23/4/2018 | 16:45 GMT+7

Trong những ngày qua chủ đề thu thuế đã dậy sóng trên tất cả các phương tiện truyền thông, từ chính thống, đến phi chính thống, từ báo chí, truyền hình đến mạng xã hội.

Thực sự việc thu thuế, sử dụng tiền thuế như thế nào đang là việc quan tâm của toàn xã hội, bởi lẽ đơn giản nó có tác động trực tiếp đến toàn bộ người dân Việt Nam.

Rất nhiều người đã nói: "Tôi vất vả lắm mới mua được ngôi nhà", "Tôi lao động cả đời mới mua được ngôi nhà", "Tôi vay mượn mới mua được ngôi nhà", nên "Bây giờ tôi không có tiền để nộp", Tôi còn lo trả nợ đây này".

Rất nhiều người đề xuất: "Chỉ thu thuế căn nhà thứ hai thôi", "Chỉ thu thuế những căn nhà giá trị lớn", "Chỉ thu thuế những nhà đầu cơ, nhà để trống"... Thậm chí có cả vị Tiến sĩ, giảng viên đại học, đại biểu quốc hội cũng nói: "Đánh mạnh vào người giàu, 90% dân không ai phản đối!".

Những ý kiến trên không sai nhưng tổng hợp lại thì nó có chung một cách nghĩ: "Nộp thuế à, ai đó nộp, không phải tôi", "Tôi nghèo sao tôi phải nộp nhỉ", "Tôi nghèo sao tôi lại phải đi xin miễn thuế nhỉ", "Hãy thu người giàu ấy", "Hãy đánh mạnh vào người giàu ấy".

Hoá ra các tư duy "giàu là bóc lột", "giàu là bất chính", "giàu nghèo là bất bình đẳng xã hội, là bất công" vẫn còn hằn sâu, rất sâu trong suy nghĩ của nhiều người Việt. Tưởng sau 40 năm, 50-60 năm cái tư duy ấy đã là ấu trĩ, đi vào dĩ vãng, hoá ra không phải, nó vẫn còn hằn sâu thẳm trong rất nhiều người Việt.

Chính tư duy ấy đã dẫn đến sai lầm trong quá khứ, dẫn đến những đợt tịch thu ruộng đất ở nông thôn, tịch thu tài sản, nhà cửa ở thành phố, quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp. Tư duy ấy đã không tận dụng được trí tuệ, tài năng của tầng lớp tinh hoa (elite) của xã hội, không những không tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc, mà còn gây chia sẽ, phân tán nguồn lực quốc gia.

Vậy thì tư duy thế nào mới đúng về thuế. Theo tôi tư duy đúng về thuế là: Tất cả công dân đều được hưởng một cách bình đẳng những phúc lợi công cộng như đường xá, cầu cống, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, cây xanh, công viên, hè phố, sông, hồ, an ninh, an toàn...

Tất cả công dân đều có nghĩa vụ nộp thuế để xây dựng và duy trì các công trình và dịch vụ công cộng mà mình đã, đang và sẽ được hưởng; Những người có mức sống dưới tối thiểu được miễn thuế; Những người có thu nhập cao phải nộp nhiều thuế hơn; Những người nghèo không những không phải nộp thuế mà còn được hưởng trợ cấp; Những người nộp nhiều thuế có quyền tự hào về việc nộp thuế nhiều của mình; Những người không nộp thuế, nộp thuế ít phải nhận thức rằng mình đã được hưởng quá mức mà mình đóng góp và phải có ý thức nỗ lực phấn đấu để đến ngày mình thuộc nhóm nộp thuế nhiều; Chính phủ dùng chính sách thuế không chỉ để thu cho ngân sách mà còn để chống đầu cơ, tích luỹ, tiêu dùng xa xỉ, tiêu dùng có hại, để điều tiết thu nhập, chống bất bình đẳng xã hội.

Ngành thuế, báo chí, truyền thông cần đưa được 8 tư duy về thuế nêu trên đến toàn xã hội.

>> Một thói quen của người Việt cần bỏ

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()