Theo đánh giá của Brand Finance (2015), giá trị thương hiệu của FPT là 239 triệu USD đứng thứ 6/50 thương hiệu có giá trị hàng đầu tại Việt Nam (sau Vinamilk, Viettel Telecom, Vinhomes, PetroVietnam Gas). Trên bảng tổng kết tài sản của FPT năm 2014, tổng giá trị tài sản hợp nhất của FPT là khoảng 1,027 tỷ USD, như vậy, giá trị thương hiệu FPT hiện chiếm 23% tổng giá trị tài sản hợp nhất của FPT. Những con số này nói lên điều gì?
Thứ nhất: Giá trị doanh nghiệp của FPT không phải chỉ bao gồm 1,027 tỷ USD trên bảng tổng kết tài sản 2014 mà còn bao gồm 239 triệu USD giá trị thương hiệu. Đây là một tài sản vô hình tạo nên thành công và lợi thế cạnh tranh của FPT. Đây là con số thực sự lớn cần sự quan tâm để có thể quản lý và gia tăng giá trị thương hiệu. Quản lý tài sản vô hình như giá trị thương hiệu cũng cần quan tâm như quản lý tài sản hữu hình khác. Lãnh đạo các cấp, các công ty của FPT đã quan tâm quản lý phát triển tài sản vô hình này chưa?
Thứ hai: Tỷ lệ giá trị thương hiệu của FPT là 23% tổng giá trị tài sản, so với phần lớn các doanh nghiệp trong Top 50 khác là khá cao. Ví dụ như Vinamilk (23%), Vinhomes (14%), Mobifone (9%),Vietinbank (6%), BIDV (5%), VietcomBank (3%), Massan Comsumer (7%), BaoViet (5%)… thì có thể nói tại FPT, thương hiệu đã và đang có vai trò đặc biệt quan trọng (ít nhất là trong so sánh tương đối với doanh nghiệp khác) trong lợi thế cạnh tranh và những kết quả kinh doanh mà FPT đã có được. Đây là giá trị FPT tích lũy gần 30 năm nhưng không có gì bảo đảm là không thể mất đi do thay đổi nhanh chóng của cạnh tranh và sự thay thế của các mô hình kinh doanh mới. FPT đã có những chiến lược gì về thương hiệu và giá trị thương hiệu?
Thứ ba: Xét trên bình diện so sánh quốc tế, tỷ trọng giá trị thương hiệu của FPT còn thấp xa so với các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ví dụ như Apple hiện có giá trị thương hiệu 145 tỷ USD (chiếm 53% tổng giá trị tài sản). Con số này của Microsoft là 69 tỷ USD (39%); Google là 65 tỷ USD (44%) và IBM là 49 tỷ USD (44%). Không chỉ trong lĩnh vực CNTT mà trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, hàng tiêu dùng của Việt Nam cũng có tính trạng tương tự, tức là chưa được khai mở (undisclosed value). Như vậy, có một room khá lớn để tăng trưởng và FPT sẽ làm gì để có thể nâng cao tỷ trọng giá trị thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh toàn cầu bằng giá trị thương hiệu trong tương lai.
Thứ tư: Thương hiệu quốc gia là nền tảng cho thương hiệu của các công ty trong cạnh tranh toàn cầu. Cạnh tranh toàn cầu này xảy ra trên thị trường quốc tế và ngay trên thị trường Việt Nam. Thương hiệu quốc gia yếu sẽ không hỗ trợ, nâng đỡ cho thương hiệu của các công ty. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2015 là 139 tỷ USD đã giảm 18% so với năm 2014 là 172 tỷ USD. Suy giảm chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư, hàng hóa và dịch vụ. Sự suy giảm này rõ ràng không hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực CNTT, thương hiệu quốc gia của Việt Nam chưa được khai mở (undisclosed value) thể hiện ở tỷ trọng giá trị thấp so với GDP của ngành CNTT cũng như tỷ trọng của giá trị CNTT so với giá trị xuất khẩu ra thế giới. Chính phủ xem ra khá tích cực trong phát triển thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nhưng ít thấy các hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Vậy vai trò của chính phủ, của các hiệp hội nghề nghiệp về CNTT sẽ làm gì để nâng cao thương hiệu quốc gia? FPT với vai trò dẫn đầu và kiến tạo trên thị trường CNTT sẽ làm gì để nâng cao thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT trong quá trình toàn cầu hóa? Liệu FPT có thể tham gia thành công vào sân chơi toàn cầu với một thương hiệu quốc gia yếu về CNTT?
Thứ năm: Giá trị thương hiệu của FPT hiện nay là 239 triệu USD, đây là con số không phải được tính toán từ các giá trị quá khứ mà còn được tính toán từ các cơ hội và tiềm năng phát triển, sự gia tăng ảnh hưởng, độ phủ vào nhận thức của khách hàng, xã hội tại Việt Nam và quốc tế. Những chiến lược Go Mass và Go Global của FPT gần đây đã phát triển mạnh các thị trường B2B (doanh nghiệp) và B2C (viễn thông, nội dung số, giáo dục, bán lẻ…) chắc chắn đã góp phần làm cho giá trị thương hiệu của FPT gia tăng mạnh mẽ và đạt giá trị như ngày hôm nay. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của các hoạt động lĩnh vực kinh doanh đã tạo ra một cấu trúc thương hiệu phức tạp, đa lĩnh vực, ngành kinh doanh. Việc tối ưu hóa khi phát triển thương hiệu mẹ, thương hiệu con và các tương tác đang và sẽ là một thách thức để gia tăng giá trị thương hiệu.
Nói tóm lại, giá trị thương hiệu nằm nhiều ở cho tương lai, chứ không chỉ là những giá trị tạo được từ thành tích của quá khứ. Giá trị này ngày càng có vai trò quyết định đối với năng lực canh tranh và sự tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp.
Hoàng Việt Hà
Ý kiến
()