Chúng ta

Thủ phạm lũ lụt chính là chúng ta

Thứ bảy, 14/10/2017 | 09:20 GMT+7

Trên mạng, Facebook tràn ngập những lời chia sẻ đau thương với bà con vùng lũ, đặc biệt nhiều bạn đi tìm nguyên nhân gây ra lũ lụt. Thủy điện, nạn phá rừng phòng hộ là hai nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhất, ngoài nguyên nhân chính là ông trời.

Bài viết đúng một năm trước, cũng dịp lũ lụt, có soạn lại.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung đang bị lũ cuốn, vỡ đê, nhiều vùng lụt nghiêm trọng, thiệt hại vô cùng to lớn cả về người và của. Hiện tại, cả ngày và đêm, chính quyền các cấp và bà con miền núi phía Bắc và miền Trung vẫn đang oằn mình chống lũ lụt.

Trên mạng, Facebook tràn ngập những lời chia sẻ đau thương với bà con vùng lũ, đặc biệt nhiều bạn đi tìm nguyên nhân gây ra lũ lụt. Thủy điện, nạn phá rừng phòng hộ là hai nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhất, ngoài nguyên nhân chính là ông trời.

Nguyên nhân rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, thu hẹp trong suốt mấy chục năm qua, làm mất tầng sinh quyển trữ nước, giữ nước trong thảm thực vật, làm chậm nguồn nước lũ tràn nhanh, các dòng chảy ra suối ra sông, làm hạn chế lũ lụt là nguyên nhân chính nhất.

Vậy ai phải chịu trách nhiệm về nạn phá rừng? Hiển nhiên chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm, trực tiếp hơn là bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng cần bao nhiêu kiểm lâm cho đủ, khi mà lâm tặc thì nhiều vô kể, lạ hung hãn nữa.

Nghĩ kỹ hơn thì tại sao lâm tặc phá rừng hung hãn và liều lĩnh? Tất nhiên vì nguồn lợi to lớn khi bán gỗ, gỗ càng thuộc nhóm quí hiếm, càng rừng già, càng to, càng nhiều tuổi càng có giá trị cao, càng bán được nhiều tiền.

Vậy ai mua gỗ của lâm tặc? Tất nhiên là các đầu lậu buôn gỗ.

Vậy đầu lậu buôn gỗ bán cho ai? Tất nhiên là các xưởng gỗ, các nhà máy gỗ, các công ty xây dựng, nội thất, họ cần gỗ thịt để làm những ngôi nhà gỗ nguy nga, làm cột nhà, lát sàn nhà, làm cầu thang, làm cửa gỗ, đóng tủ gỗ, bàn, ghế gỗ, sập gỗ, thớt gỗ, bình gỗ, tượng gỗ...

Vậy là tất cả chúng ta, bằng nhu cầu của mình đã gián tiếp tiếp tay, thúc dục các công ty nội thất, các nhà máy, các xưởng gỗ đặt hàng các đầu lậu, các đầu lậu lại đặt hàng các lâm tặc. Chưa kể truyền thông, báo chí thường xuyên ca ngợi, trầm trồ, xuýt xoa những ngôi nhà toàn bằng gỗ, với hàng chục, hàng trăm cột gỗ lim, những bộ salon gỗ gụ, gỗ trắc quí hiếm, trị giá cả chục tỷ, trăm tỷ đồng.

Vì vậy, suy cho cùng, thủ phạm phá rừng, thủ phạm gây lũ lụt, ngoài trách nhiệm của chính quyền, của lực lượng kiểm lâm, thì cả giới truyền thông, báo chí, cả ngành giáo dục lẫn chính chúng ta cũng là thủ phạm.

Vậy thì để chữa tận gốc, phải loại bỏ nhu cầu dùng đồ gỗ thịt rừng trong gia đình, cơ quan, trong toàn xã hội, nhất là những dòng gỗ quí hiếm, gỗ từ rừng nguyên sinh. Làm sao cả xã hội chỉ dùng gỗ công nghiệp và gỗ thịt nhà trồng (gỗ mít, gỗ xà cừ, gỗ xoan...), gỗ khai thác công nghiệp (gỗ sồi, gỗ dẻ gai, gỗ thông...).

Làm sao để cả xã hội coi rằng dùng gỗ thịt là không văn minh. Làm sao để không còn bài báo nào ca ngợi, không ai còn khoe bộ bàn ghế gỗ trị giá cả chục tỷ đồng, không còn ai khoe cầu thang nhà tôi, cửa nhà tôi, sàn nhà tôi là gỗ lim đấy. Làm sao khi mà chúng ta phải cảm thấy đau, thấy xấu hổ khi nhìn thấy những đồ gỗ được đóng từ gỗ quý rừng già, rừng nguyên sinh.

Có lẽ phải đưa vấn đề không dùng gỗ rừng thịt vào chương trình giáo dục phổ thông, vào truyền thông, báo chí, chứ không phải chỉ giáo dục, truyền thông về nạn phá rừng, bởi phá rừng vẫn là ngọn, chưa phải là gốc.

Nếu bạn nào gia đình vẫn dùng gỗ quý rừng già làm cột nhà, lát sàn nhà, làm cầu thang gỗ, làm salon gỗ, làm sập gỗ, làm cửa gỗ... thì cũng không đủ phẩm cách để kêu gào, chửi bới ai đó phá rừng, ai đó không bảo vệ được rừng. Chỉ những ai dùng 100% gỗ công nghiệp, gỗ rừng ôn đới làm nhà và đồ nội thất thì mới không phải là thủ phạm phá rừng, mới đủ tư cách lên án nạn phá rừng.

PS: Các ảnh về đồ gỗ mà chúng ta vẫn trầm trồ, ca ngợi, ngưỡng mộ hay trực tiếp sử dụng là nguyên nhân gián tiếp gây lũ lụt.

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()