Chúng ta

Thầy Văn Như Cương và triết lý giáo dục

Thứ ba, 10/10/2017 | 10:04 GMT+7

Chưa kịp góp thêm với thầy một lời trong cơn bão tố dư luận thì thầy đã ra đi.

Tôi không có dịp được làm việc trực tiếp với thầy Cương, nhưng tôi hiểu những con người dám đứng ra mở trường tư trong buổi sơ khai của nền giáo dục mở cửa. Thầy tôi là người đã sáng lập trường Marie Curie. Các thầy là những người tiên phong trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Phải là những người có tâm huyết, bản lĩnh và ấp ủ một giấc mơ thầy ra thầy, trò ra trò thế nào, thì mới dám đứng ra mở trường ngay khi có cơ hội. Lương Thế Vinh thành lập năm 1989, còn Marie Curie năm 1992. Khi mà chúng tôi lúc đó vừa mới về nước, còn đang ngơ ngác thích nghi với cuộc sống.

Quay trở lại bài phỏng vấn cuối cùng của thầy trước lúc đi xa: “Tôi muốn nhấn mạnh, đến khi nào tôi vẫn còn lãnh đạo trường Lương Thế Vinh thì vẫn giữ chủ trương phải theo kỷ luật".

Nhớ năm nào, chúng tôi cắp sách đến học ông Murthy, Chủ tịch công ty Infosys - Ấn Độ, thần tượng của ngành công nghiệp phần mềm ở các nước đang phát triển (doanh thu năm 2017 dự kiến là 10,2 tỷ USD). Khi chúng tôi mới bước vào, ông Murthy nói ngay: “Các bạn đến từ Việt Nam đúng không? Các bạn đã dám đương đầu với Mỹ để thống nhất đất nước thì các bạn hãy tin là điều gì các bạn cũng sẽ làm được. Nếu các bạn có kỷ luật”.

Chúng tôi đã phải mất bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để xây dựng một nền kỷ luật trong công việc. Đến ngày, đến giờ là phải có sản phẩm, làm sai thì phải biết viết cái kiểm điểm cho nên hồn. Nên chúng tôi thấm thía triết lý của thầy. Biết bao nhiêu việc tốt đẹp chúng ta đã vạch ra, rồi không đi được đến cùng, chỉ vì thiếu một chữ: Kỷ cương.

Thật là buồn, sau 28 năm, thầy vẫn phải nhắc lại chữ đấy cho rất nhiều phụ huynh hiểu rằng: trước khi nói đến sáng tạo, đến tự do, đến STEM hay cách mạng 4.0 gì đó, phải bắt đầu từ kỷ luật.

Buổi khai giảng năm nay, thầy Cương vẫn xuất hiện để nói chuyện với các em học sinh. Lại một lần nữa, thầy nói về kỷ luật. Thầy nói về “bệnh lười” của các em, căn bệnh và đề xuất phương pháp điều trị. “Mỗi ngày em chỉ cần bỏ ra đúng một phút vào đúng thời gian cố định để làm công việc mà em lười nhất, ngại nhất. Một phút sau em hãy kết thúc không làm công việc đó nữa… Sau khi làm việc đó một thời gian em sẽ cảm thấy bị cuốn hút, và đó là khi em đã bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng”.

Thầy đã ra đi khi còn nhiều thế hệ học sinh trông chờ các bài giảng như thế.

Khởi nghiệp luôn gắn bó với tên tuổi của một ai đó cụ thể. Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục càng cần như vậy.

Ở Việt Nam, mặc dù không hoàn toàn tán thành mô hình hoạt động quá lãng mạn, tôi ngưỡng mộ Giáp Văn Dương, vì đơn giản anh đã dũng cảm gắn tên mình vào ngôi trường kiểu mới Giap School do anh lập ra, sau khi từ bỏ sự nghiệp tại nước ngoài để trở về Việt nam.

Ngoài ra, tuy không chính danh vì nhiều lý do khác nhau, nhưng ai cũng biết trường Lương Thế Vinh của thầy Cương, trường Thực nghiệm của thầy Đại, trường Marie Curie của thầy Khang, trường Thăng Long của cô Sính, trường Duy Tân của thầy Cơ… Và rất nhiều ngôi trường khác gắn với những người thầy như vậy nữa.

To nhỏ có thể khác nhau, nhưng đó chắc chắn là những ngôi trường tử tế.

Thầy Cương, Dương, thầy Khang, thầy Cơ, cô Sính, thầy Đại… là nguồn động lực lớn cho tôi khi bắt đầu mở trường, và cho bất cứ ai muốn “khởi nghiệp” ở lĩnh vực cực kỳ khó nhằn và dễ ăn nhiều “gạch đá” này.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()