Chúng ta

Ngôn ngữ @ cũng hay ho đấy chứ

Thứ tư, 30/3/2016 | 09:57 GMT+7

Ngôn ngữ @, hay được gọi theo một cách khác là ngôn ngữ teen, đang phủ sóng rộng khắp. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Những ý kiến trái chiều xuyên suốt trong dư luận một thời gian cho đến tận bây giờ. 

Thật ra, không riêng gì ở Việt Nam, dạng ngôn ngữ được sáng tạo bằng cách viết tắt, viết khác đi hay ký hiệu cũng tồn tại trên khắp thế giới, đặc biệt là trong giới trẻ. Khi xã hội phát triển, công nghệ nối gót, việc tiếp cận những nền văn hóa trên các vùng miền và quốc gia khác đơn giản chỉ nằm trong những cái nhấp chuột. Và ngôn ngữ @ cũng phát triển theo quy luật đó, nó lan tỏa rất nhanh trong cộng đồng. Từ thành thị đến nông thôn đều được dạng ngôn ngữ này phủ sóng.

Ngôn ngữ @ được sử dụng đa phần trong các hình thức tán gẫu, nhắn tin. Trong thời đại điện thoại đã trở thành vật bất ly thân thì có thể nói chính nó đã đưa ngôn ngữ @ đi xa và góp phần tạo nên những dạng từ mới cho giới trẻ. Phần nào đó có thể nhận thấy đây là một ngôn ngữ khá thú vị. Không thể nói chính xác khi nào nó đã bắt đầu nhưng thời đầu của ngôn ngữ này với hình thức rút gọn từ, nhanh chóng trong việc gửi thông điệp, đã rất được lòng giới trẻ. Chính vì vậy, sức lan truyền của nó lập tức rộng rãi trong cộng đồng. Ngay cả những người ở lứa tuổi lớn hơn cũng nhìn nhận những từ ngữ được giới trẻ sử dụng rất dễ thương, dễ gần. Theo thời gian, với sự sáng tạo, rất nhiều những hình thức sử dụng từ ngữ khác ra đời tạo nên những cung bậc hài hước mới và một phần nào đã thay đổi cách giao tiếp trong giới trẻ. Sau đó, các ký hiệu diễn tả cảm xúc xuất hiện và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ này tạo nên không khí thoải mái, vui vẻ và nhẹ nhàng cho các cuộc trò chuyện. Nó phần nào giải tỏa các áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển tất yếu, dạng ngôn ngữ này đã phần nào bị biến tướng và có phần đi lệch hướng, quá đà và mất dần những ưu điểm ban đầu. Những từ ngữ vô nghĩa, rối rắm xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ bắt đầu chen những từ thô tục vào như một minh chứng cho sự “đẳng cấp” của mình.

Có thể nhận thấy phần nào sự sáng tạo của dạng ngôn ngữ thú vị này dần đi vào sự tối nghĩa, phức tạp và rườm rà. Đa phần phụ huynh đều chào thua trước ma trận của con em mình. Tuy nhiên, không hẳn các bậc phụ huynh phản đối. Khi được hỏi, nhiều anh chị cho biết họ không ngăn cấm và cũng không thấy có vấn đề gì bởi con em họ vẫn giữ cuộc sống bình thường trong tiếp xúc với những hoàn cảnh cụ thể khác nhau.

Một thực tế là ngôn ngữ @ đã trở thành một phần trong đời sống của giới trẻ. Mặc dù có những biến tướng, nếu trong một giới hạn nào đó dạng ngôn ngữ này không đi ngược với thuần phong mĩ tục và văn hóa thì có thể được chấp nhận trong những cộng đồng chào đón nó.

Như trong bất cứ một vấn đề nào, ngôn ngữ @ đều mang hai mặt “được” và “mất”. Quan trọng là “được” và “mất” bao nhiêu và bao nhiêu thì chấp nhận được. Ngôn ngữ @ thật ra là một thứ ngôn ngữ đáng được trân trọng. Các bạn trẻ chia sẻ nhiều lần tình cờ nhận được những tin nhắn theo kiểu rất hóm hỉnh mang hơi hướng ngôn ngữ @ từ chính những người lớn tuổi hơn mình, đặc biệt là những bậc tiền bối từ đời 5x, 6x và 7x. Điều đó chứng tỏ nó có một sức hút rất riêng và phần nào giúp cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, tươi vui và đẹp đẽ hơn. Một tiến sĩ ngôn ngữ học từng nói rằng ông bị thu hút bởi thứ ngôn ngữ độc đáo của giới trẻ. Sự sáng tạo không biên giới trong những cái nhìn hay ho của các bạn trẻ lôi cuốn ông phải nghiên cứu. Và rồi ông bắt đầu khám phá ra những điều kỳ diệu từ đây. Ông nói rằng nhờ đó mà bản thân được mở rộng tầm nhìn và học hỏi thêm nhiều điều thú vị ẩn sau cái gọi là ngôn ngữ. Bởi bản thân nó đã là một thứ phi giới hạn rồi.

Tất nhiên, trong những giới hạn và chừng mực nhất định, sự lo lắng của một bộ phận trong cộng đồng là điều cũng đáng lưu tâm, thậm chí nó cần phải được quan tâm một cách chu đáo nhất. Ranh giới giữa sự hồn nhiên, vui tươi và lạm dụng rất mong manh. Nhưng với tôi, sự sáng tạo và đi lên của xã hội đôi khi cũng cần có sự đánh đổi. Con người cần phải học cách thích nghi với những biến chuyển thậm chí là trong từng phút, từng giây ở thời đại này. Quan điểm của tôi là không thích thì không dùng, chứ không bài xích vì nó không phải là những con số có thể gọi tên chính xác là đúng hay sai. Thế thôi. Còn trong một văn bản chính thống, trong email công việc, tất nhiên cần sự trong sáng tuyệt đối của tiếng Việt. Dĩ nhiên rồi, nó đơn giản nằm ở hoàn cảnh và không gian. 

>> Chỉ khối tự nhiên mới mang lại thành công?

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()