Tôi là lứa đầu tiên học theo chương trình cải cách phân ban của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vào lớp 10, tôi chọn học phân ban có chương trình nâng cao các môn Toán, Lý, Hóa và Sinh. Chỉ khoảng vài tháng, tôi bắt đầu mệt mỏi. Những phân vân của tôi trước khi lựa chọn ban đã lên tiếng, rất nhanh chóng. Tôi chọn ban tự nhiên, bởi vì như rất nhiều bạn trẻ khác, tôi nghĩ nó sẽ cho tôi tương lai tốt. Một tương lai tốt đảm bảo cho cuộc đời của tôi.
Tôi không thể nào quên được vào một ngày cuối năm 2006, mẹ đã ngồi khóc cùng tôi cả buổi trời chỉ vì tôi không giải được một bài tập Lý. Tôi đã khóc trong tuyệt vọng vì nó quá khó với tôi. Tôi khóc nhiều hơn, vì tôi chẳng có chút hứng thú. Tôi khóc, vì lên lớp toàn là những áp lực nặng nề, những bài tập theo chuẩn Olympic mà một học sinh lớp chọn buộc phải giải. Tôi mệt mỏi, rã rời, chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.
Định kiến về môn học đã hằn rất sâu trong đầu nhiều thế hệ, đặc biệt là người ở tỉnh. Ngày xưa chúng tôi, những người chọn khối ngành khác tự nhiên, chịu ít nhiều sự khinh rẻ và coi thường. Một giáo viên dạy tự nhiên lâu năm ở trường tôi khi ấy từng thốt lên: “Khối D thì thi cái gì không biết nữa?”. Một giáo viên thâm niên nổi tiếng dạy giỏi, trí thức, ngày ngày giở báo ra đọc, mỗi ngày nhận thông tin từ những người làm báo, một nghề liên quan đến khối xã hội, thế mà có thể nói ra một câu sốc đến như vậy. Và đó không phải là người duy nhất làm tôi sốc. Thậm chí về sau, tôi không còn sốc nữa. Phản ứng rất tự nhiên của việc thích nghi.
Mấy tháng sau mẹ tôi qua đời. Tôi điên dại với cú sốc lớn đánh thẳng vào mình, khi tôi đang hoang mang không biết phải làm gì với tương lai. Tương lai tốt ư? Tôi không biết phía trước đẹp như thế nào với mơ mộng tôi đã từng vẽ ra. Tôi chỉ thấy trước mắt mình là mịt mù, vô định. Mất phương hướng, không còn mẹ! Cuộc đời tôi sẽ được đảm bảo ư?
Cuối năm học đó, tôi đã quyết định chuyển lớp. Tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định ấy. Nó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi chuyển qua lớp phân ban có các môn nâng cao Văn, Sử, Địa và Anh Văn. Tôi vẫn cố gắng học tốt môn Toán. Định hướng của tôi đã rất rõ. Tôi chọn khối D, đương nhiên là vì tôi thích. Tôi không khỏi xúc động nhớ những đêm mình hăng hái đọc các tác phẩm văn chương, khám phá những điều tuyệt vời của câu chữ mà cảm giác mê say cứ cuốn tôi đi. Ngày nào tôi cũng viết. Viết đủ thứ chuyện trên đời, miệt mài với niềm đam mê viết lách. Cũng như bạn bè học thiên về tự nhiên, họ mê say và miệt mài với những phản ứng khoa học, những bài toán hóc búa. Những con số như bầu trời đầy sao với họ. Các bạn ngồi “quét” máy tính mà không biết mỏi tay. Mỗi người có những đam mê riêng. Và tôi đã tin. Rằng chẳng có thước đo nào dành cho sự đam mê.
Tôi đã nói với em, xã hội có định kiến, gia đình có định kiến. “Nhưng quan trọng hơn hết, cuộc đời mình phải do mình nắm giữ”. Tôi không khuyên em từ bỏ những môn học tự nhiên mà em đang dành nhiều tâm sức (để cha mẹ vui) vì rõ ràng là mỗi môn học đều có những cái hay rất riêng. Tôi dặn em hãy ngồi lại suy xét một lần nữa về cuộc đời em, định hướng của em. Em đang học lớp 12, từ giờ đến kỳ thi đại học, em vẫn đủ thời gian để có những quyết định sẽ không làm em hối hận. Em không nhất thiết phải thi khối nào có môn văn em thích. Em có thể tiếp tục phát huy các môn tự nhiên mà em đã giỏi. “Bởi vì thích một môn gì đó không có nghĩa em buộc phải theo học khối ngành đó mới có thể thỏa niềm đam mê của mình”.
Tôi nói với em rằng hãy mang tờ báo có bài em viết cho mẹ xem (em có cộng tác viết báo) rồi nhờ mẹ nhận xét. Tôi dặn em tranh thủ lúc nào thư thái đọc những bài báo khác cho mẹ nghe và nói với mẹ rằng: “Những bài báo, tin tức này đến từ những người làm việc liên quan đến khối xã hội đó mẹ”. Đương nhiên trong báo chí có những thể loại khác nhau. Và báo chí chỉ là một ví dụ. “Chị tin mẹ em sẽ hiểu. Vì người mẹ nào chẳng thương con và mong muốn con mình sống cuộc sống mà nó vui, nó hạnh phúc, phải không em?”. Tôi đã nói với em như thế.
Thành công vốn dĩ đã là những định nghĩa rất khác với mỗi người. Kiếm nhiều tiền, đạt được danh vị? Chúng chỉ mang tính tương đối. “Hãy sống cuộc sống mà em muốn và có trách nhiệm với nó. Em sẽ thành công, dù với bất kỳ thiên hướng ngành học nào”.
Trương Yến Nhi
Ý kiến
()