Chúng ta

Rồi cũng xong

Thứ năm, 20/8/2015 | 16:45 GMT+7

20/8 là hạn chót để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét nguyện vọng 1 vào các trường đại học. Không khí căng thẳng bao trùm hầu hết các điểm trường. Mọi thứ rồi cũng xong, nhưng đây có lẽ là kỳ tuyển sinh kịch tính nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam 10 năm qua. 

Dạo qua các trường đại học có thể thấy rõ vẻ bất an lộ rõ trên gương mặt các ông bố, bà mẹ. Họ là những hình ảnh sống động nhất cho những ngày “chạy đua” miệt mài vừa qua. Không phải là những sĩ tử vừa bước ra khỏi kỳ thi “sinh tử” mà chính các bậc phụ huynh mới là những người khổ nhất trong thời kỳ “dầu sôi lửa bỏng” này.

Họ là những ông bố bà mẹ từ các tỉnh đổ về đô thị để mong nắm thông tin cụ thể và rõ ràng nhất. Họ sẵn sàng bỏ tiền thuê phòng để ngủ lại nhiều đêm nơi phố thị đắt đỏ cho dù mỗi ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm từng đồng bạc lẻ nơi quê nghèo khốn khó. Họ chấp nhận ngồi hàng giờ ở các trường để mong chờ những thông tin đủ tưới mát cả cuộc đời khô cằn của họ. Họ ngồi đếm từng cái hồ sơ nộp vào và cầu mong những phép màu mà họ không thể tự mình ban phát. Họ kiềm nén nỗi buồn ôm chặt đứa con bé bỏng đang khóc trong vòng tay mình khi số điểm của em dần trôi tuột về đáy của nguyện vọng. Họ thắc thỏm đếm từng giây cho đến giờ mãn cuộc. Một cuộc chiến mà cả thí sinh và phụ huynh phải “vắt óc” cho đến tận giây phút cuối cùng.

Ở bên ngoài, xã hội không ngừng thốt lên về những số điểm chuẩn dự kiến sẽ cao ngất so với các năm trước. Chưa bao giờ điểm chuẩn vào các ngành lại cao như lúc này. Mọi người không ngừng thốt lên trên mạng xã hội và những cuộc phiếm luận ngoài đời thực. Người ta cân đo đong đếm nào là “Nếu tôi thi năm nay thì rớt từ vòng gửi xe” hay “Điểm thế này ai mà vào nổi”. Dường như người ta đã bị cuốn quá sâu vào cái kịch tính và hấp dẫn đầy điên rồ của thời điểm căng thẳng này mà quên mất vừa rồi đã diễn ra kỳ thi gì trên cả nước. Đó không phải là kỳ thi tốt nghiệp và sau đó là đại học đã trở thành truyền thống. Chúng ta vừa đón nhận một kỳ thi chung với những đề bài được ra ở mức độ tương đối. Ngay cả nhìn mặt bằng chung của các kỳ thi đại học trước đó với nhau cũng đã là một sự khập khiễng để cân đo khi mỗi năm đề thi đều mang những tính chất và mức độ hoàn toàn khác nhau.

Dù mọi người đang ầm lên về những số điểm “không tưởng” hay phụ huynh đã trải qua những ngày sóng gió hơn cả mấy chục năm cuộc đời đã qua của họ thì sắp tới đây mọi thứ rồi cũng xong. Dư âm của nó rồi sẽ rỉ rả thêm một thời gian trước khi lại bước vào những đợt “đồn đoán” và khó định lượng tới phút cuối cho một kỳ thi mới của một năm học mới. Chỉ hy vọng các vị phụ huynh đủ sức khỏe và tinh thần để “chiến” cùng các sĩ tử cho một chặng đường mới nữa, bởi đây dẫu sao cũng chỉ là bắt đầu cho một cuộc hành trình.

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()