Chúng ta

'Lời chào cao hơn mâm cỗ'

Thứ ba, 6/12/2011 | 08:46 GMT+7

Có dịp về quê ăn cưới, tôi cứ nghĩ rằng phải vui lắm, vì con người nơi đây mộc mạc, giản dị, thân tình. Mang theo sự hăm hở đó, tôi lặn lội gần trăm cây số đến đám cưới em.

Nhưng cái đầu tiên tôi nhận được là bạn em ra tiếp và nói: “Q đang bận tiếp bạn cấp 3, chị chờ một lúc nhé”. Thôi thì, ngày vui của em, bạn bè đến chúc tụng đông, tôi cũng cảm thông, ngồi chờ em.

Từ xưa dân ta đã có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ". Hàm ý câu chào hỏi rất quan trọng, rất tình nghĩa, còn quý hơn cả việc mời nhau đến ăn uống, tiệc tùng. Ý sâu hơn là nhân cách của con người cao hơn vật chất.

Mâm cỗ có đầy, có sang trọng mới thể hiện được sự no đủ và hiếu khách của chủ nhà. Lời chào có nồng nhiệt, thân thiện mới chứng tỏ phẩm chất một người có phép tắc, lễ nghĩa với một nền giáo dục tốt.

Mâm cỗ là sự no đủ về vật chất, lời chào thể hiện cho sự thân thiện giữa người với người. Ở quê, mọi người ra đường, ra ngõ, đi chợ, đi làm đồng… gặp nhau là chào hỏi rất vui, rất thân mật, cởi mở.

Ấy vậy mà giờ tôi ở đây, chẳng một hớp nước mát, chẳng một cái bắt tay. Tôi ngần ngừ chẳng biết đứng hay ngồi, ngỡ như mình đang bị lạc giữa chốn xa lạ.

Đang lúng túng thì em đến, ríu rít như chú chim non sắp được sổ lồng, em cười nói với tôi, bảo chờ mọi người đến rồi ăn bữa cơm với em, mừng em về nhà chồng. Tôi mỉm cười đồng ý, tưởng rằng sẽ được nói chuyện với em lâu hơn chút, nhưng em bảo bận, lại chạy đi, bỏ mặc tôi ở đó. Một đoàn người khác đến, em vồn vã chạy ra, hình như là chị tổ trưởng ở phòng em. Em líu lo, mời mọc mọi người, rót rượu mừng, nâng ly chúc tụng, trong men say hạnh phúc có lẽ em quên mất tôi đang ngồi bối rối ở đó.

Tôi ngỡ ngàng, xen lẫn chút tủi hờn vòng đằng sau ra về. Lúc tôi đi ra cổng, em nhìn thấy, liền gọi điện bảo: “Mọi người ngồi vào mâm ăn rồi, chị đâu rồi vào ăn đi”.

Sao em không hiểu, người ta đến với nhau vì cái tình cái nghĩa, đâu phải vì miếng ăn. Em sắp làm vợ, làm mẹ mà cách ứng xử của em thực sự khiến tôi thất vọng. Tôi bảo có việc bận nên về trước, lúc đó em mới rối rít xin lỗi tôi. Nhưng lời xin lỗi đó liệu còn có ý nghĩa? Người ta bảo “có đi có lại mới toại lòng nhau”, vậy sao người đến đã “có đi” rồi mà em không “có lại”?

Dẫu biết rằng “ma chê, cưới trách” nhưng hãy cứ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nếu không dẫu có ngàn lời xin lỗi cũng không xóa được một lời chê trách đâu em.

Ngọc Diệp

Ý kiến

()