Chúng ta

Lãnh đạo

Thứ năm, 29/10/2015 | 15:26 GMT+7

Khi nói về một người lãnh đạo, thực ra chỉ có hai thứ đáng quan tâm: 1) Giá trị/mục tiêu mà người đó theo đuổi là gì? 2) Ông ta/bà ta có khả năng để đưa đơn vị, nhóm, tổ chức... hướng đến những giá trị đó, mục tiêu đó hay không?

Mình chẳng quan tâm nhưng nhiều thông tin quá, giở máy tính ra là thấy phân nửa số thông tin đập vào mắt là câu chuyện nóng hổi về các vị lãnh đạo trẻ mới được bầu hay bổ nhiệm.

Cũng có vài suy nghĩ để chia sẻ. Khi nói về một người lãnh đạo, thực ra chỉ có hai thứ đáng quan tâm: 1) Giá trị/mục tiêu mà người đó theo đuổi là gì? 2) Ông ta/bà ta có khả năng để đưa đơn vị, nhóm, tổ chức... hướng đến những giá trị đó, mục tiêu đó hay không?

John Adams, Tổng thống thứ hai của nước Mỹ, là người có công rất lớn trong việc thúc đẩy quốc hội các bang thuộc địa xây dựng và thông qua hai văn kiện quan trọng nhất của nước Mỹ: Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ. Đó là một hành trình đầy khó khăn và gian khổ. Giá trị mà ông theo đuổi được cô đọng trong bài phát biểu nổi tiếng ở Quốc hội Mỹ: "Khi tôi sống, tôi muốn có một đất nước, một đất nước tự do".

Con trai của John Adams là John Quincy Adams, một luật sư và cũng là Tổng thống thứ 6 của nước Mỹ. Ông này lại có một câu nói rất nổi tiếng về ý thứ 2 nêu trên: "Nếu các hành động của bạn truyền lửa cho người khác, khuyến khích họ mơ ước nhiều hơn, khuyến khích họ hành động nhiều hơn, khuyến khích họ học tập nhiều hơn và khuyến khích họ trở thành tốt hơn - khi đó bạn là người lãnh đạo".

Hai vị tổng thống, cha và con. Một người nói về giá trị cần theo đuổi, một người nói về phẩm chất để hành động. Không thấy nói về việc người lãnh đạo phải bao nhiêu tuổi, phải hay không phải là con cháu nhà ai, có bằng cấp gì, học ở đâu,...

Nếu bàn luận mà chả quan tâm đến hệ thống giá trị và năng lực hành động thì hoặc là nói cho có chuyện, hoặc là cay cú hay ganh tị, hoặc là để giải toả bức xúc. Cũng chẳng sao, nhưng không có nhiều ý nghĩa.

Khúc Trung Kiên

Ý kiến

()