Chúng ta

Làm gì sau khi ra trường và thất nghiệp

Thứ bảy, 17/10/2015 | 11:11 GMT+7

Các bạn sinh viên tốt nghiệp và gia đình, bạn bè người thân nên xác định rõ 3 tháng để tìm việc là chuyện rất bình thường, thậm chí là quá ngắn. Thời gian cần thiết có thể là 6-9 tháng.

Đợt rồi tôi thấy nhiều bài viết về việc một thủ khoa ra trường 3 tháng chưa có việc như là một vấn đề đáng quan tâm. Đúng là đáng quan tâm, nhưng là quan tâm từ khía cạnh các sinh viên mới/sắp tốt nghiệp nên chuẩn bị gì cho mình trong giai đoạn tìm việc.

Đầu tiên các bạn sinh viên tốt nghiệp và gia đình, bạn bè người thân nên xác định rõ 3 tháng để tìm việc là chuyện rất bình thường, thậm chí là quá ngắn. Thời gian cần thiết có thể là 6-9 tháng.

Và không ai có lỗi trong chuyện đó. Đấy là thời gian gần như tối thiểu để làm những việc sau đây:

Xác định danh mục các doanh nghiệp, tổ chức mà bạn muốn làm việc ở đó. Nên là một danh sách 10 đơn vị có ưu tiên cao và ít nhất 10 đơn vị nữa có ưu tiên thấp hơn. Nếu bạn không thể tìm ra những đơn vị đó thì lý do gì để họ có thể tìm ra bạn giữa hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đồng thời với bạn?

Tìm hiểu nhu cầu và các vị trí mà họ có thể tuyển dụng phù hợp với khả năng, chuyên môn, chí hướng và các yêu cầu tuyển dụng của họ. Đặc biệt là các yêu cầu mang tính bắt buộc. Nếu nhận thấy bạn không thể đáp ứng bất kỳ vị trí công việc nào của họ thì nên loại đơn vị đó ra khỏi danh sách. Thay vào đó là đơn vị khác.

Chuẩn bị hồ sơ: Bạn nên viết một bản CV (resume) để giới thiệu về tất cả những điều bạn đã có, các khoá đào tạo bạn đã tham gia, kết quả học tập ở trường, các hoạt động xã hội, trình độ ngoại ngữ.... Copy tất cả các loại bằng cấp, chứng chỉ liên quan và các yêu cầu hồ sơ cá nhân chuẩn. Bạn nên có bộ bản mềm đầy đủ có thể gửi qua email và 10-20 bộ hồ sơ bản cứng, có công chứng

Lưu ý rằng hồ sơ cần chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày chuẩn mực, ấn tượng và trung thực. Việc chuẩn bị hồ sơ cẩu thả hay thiếu chuyên nghiệp nhiều khi giúp bạn bị loại từ vòng gửi xe.

Nên đặt các đơn vị trong danh sách của bạn vào chế độ theo dõi thông tin định kỳ để biết khi nào tuyển dụng và tìm hiểu quy trình tuyển dụng của họ. Đơn vị tuyển dụng làm việc theo kế hoạch của họ chứ không phải của bạn. Vì vậy, bạn cũng phải chuẩn bị và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội đến.

Dù bạn là thủ khoa thì người ta cũng chỉ tuyển dụng bạn khi có nhu cầu và khi bạn là người đáp ứng tốt nhất yêu cầu trong các ứng viên.

Hãy xác định thời gian chờ đợi là cần thiết và có kế hoạch để sử dụng thời gian đó tốt nhất. Việc tìm kiếm công việc phù hợp chỉ là một phần của kế hoạch này. Rất nhiều việc có thể làm: Giúp đỡ gia đình, tìm hiểu, mở rộng các mối quan hệ, tranh thủ làm những việc mà bạn thích, học thêm các khoá kỹ năng mềm ngắn hạn, tìm cơ hội để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm và học ngoại ngữ đến trình độ nào đó.

Riêng về ngoại ngữ, nên đặt những mục tiêu chuẩn mực và cố gắng đạt đến các chuẩn mực đó. Ví dụ: tiếng Anh mức IELTS 5.0, 6.0, 7.0 - cái này cực kỳ quan trọng. Cũng có thể tìm những công việc ngắn hạn, trang trải chi phí cho mình, nhưng không nên đặt thành áp lực lớn nếu gia cảnh không khó khăn.

Khi có kế hoạch rõ ràng, phù hợp, bạn sẽ thấy thời gian tìm việc cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng, rất có ích và giúp bạn trưởng thành hơn. Hoàn toàn không phải là thời gian khắc khoải hay tuyệt vọng.

Khúc Trung Kiên

Ý kiến

()