Cuối năm 2012, trong một hội nghị của QS, tôi tình cờ được nghe bài phát biểu của Đại học Quốc gia Brunei về “Discovery year - Năm khám phá”. Nhà trường dành cả một năm cho sinh viên tự chọn lấy công việc của mình: sinh viên bắt buộc phải ra khỏi trường, hoặc đi ra nước ngoài học, hoặc khởi nghiệp, hoặc tham gia vào một dự án cộng đồng nào đó…
Bài phát biểu đã làm tôi thực sự phải suy nghĩ.
Khi ra đời, đi làm, chúng ta đều phải đối mặt với vô số những điều bất định. Đi xin việc thì: việc gì, lương bao nhiêu, đồng nghiệp là ai, sếp thế nào... Khi được nhận rồi, hầu hết may ra thì biết mai phải làm gì, còn 1 tuần - 1 tháng nữa thì chịu.
Trong cuốn “Microsoft secrets”, tác giả Michael A. Cusumano đã miêu tả, ở Microsoft, trình độ nhân viên được xếp hạng theo tần suất thời gian được giao việc mới: nhân viên mới được giao việc hàng ngày, team leader: hàng tuần. Cứ thế, cứ thế và chỉ có Bill Gate mới có việc theo năm.
Tóm lại là tương lai rất tù mù.
Vậy mà trong trường đại học, chương trình được xác định cho cả 4 năm luôn, sinh viên biết chính xác lúc nào phải học cái gì, lên lớp nào, thậm chí thầy giáo nào, thi thế nào etc…
Không ai dạy các em đối mặt với những điều mơ hồ như khi ra trường cả.
Vì sao vậy?
Vì chúng ta sợ sinh viên sẽ lạc lối.
Nhưng chúng ta càng sợ thì các em càng sợ hơn nên cả thầy lẫn trò đều chọn con đường an toàn.
Muốn dạy sinh viên kỹ năng tìm đường sau này, đừng sợ để cho các em “lạc lối” ở trong trường.
>> 20 năm Internet Việt Nam, 10 cá nhân ảnh hưởng nhất đến tôi
Nguyễn Thành Nam
Ý kiến
()