Chúng ta

Khi lòng tốt cũng sính ngoại

Thứ hai, 7/12/2015 | 09:23 GMT+7

Giúp người cũng phân biệt màu da và sắc tộc. Thậm chí chỉ giúp người khác màu da của mình. Đằng sau một câu chuyện luôn là một câu chuyện toàn cảnh. 

Tôi thường bắt gặp nhiều “biệt đội” người nước ngoài dừng chân ở bến phà Cát Lái, nơi kết nối TP HCM và tỉnh Đồng Nai. Vài lần một trong số du khách đó đánh rơi đồ dùng trong túi du lịch bụi xuống đất, bánh xe bị kẹt một thứ gì đó hay bất cứ tình huống nào thì những người xung quanh nhanh chóng gác chống xuống giúp đỡ. Nghĩ thật là một hành động đẹp. Những người ngoại quốc ấy chắc hẳn có ấn tượng cực kỳ dễ thương về những người dân bình dị tốt dạ. Nhưng đó không phải là tất cả của một câu chuyện toàn cảnh.

Chuyện thường ngày là thế này. Khi chiếc cửa kéo mở toang con đường dẫn xuống phà cũng là lúc mọi người tranh nhau đi như ai cũng có việc “cấp cứu”. Chuyện cán lên chân nhau là cơm bữa. Bản thân tôi dù chưa bao giờ gấp gáp hay thậm chí là nhường luôn cho những người bận bịu ấy đi trước và chờ chuyến phà sau thì cũng không dưới vài lần bị cán suýt gãy xương chân nếu không có đôi giày thần thánh dày cộm bảo trợ. Vậy mà bị cán xong chưa kịp phản ứng thì cái người cán mình còn muốn ăn tươi nuốt sống nạn nhân như kiểu “Tại sao dám để chân ở đường ông đi?”. Ôi trời. Đường có phải của riêng ai. Mà không hiểu sao gương mặt ai cũng hung tợn như không đi kịp thì chết tới nơi. Tôi không thể nào hiểu được. 

Một câu chuyện khác. Cũng lúc cái cánh cửa thần thánh mở ra mà xe nào có lỡ bị trục trặc gì thì không mấy ai thương cho mà còn bị chửi te tua. Nhiều hành khách của chuyến phà phải chở nhiều hàng hóa trên xe nên lúc di chuyển rất khó khăn. Thay vì thông cảm cho người ta thì còn nạt nộ kiểu như “Tại sao dám ngáng đường ông?”. Thử hỏi người ta không gặp vấn đề thì có mà khùng đứng giữa đường làm gì.

Tôi đã chứng kiến hàng vạn những hành xử tồi tệ của người mình với nhau, cùng một màu da mà đối xử như kẻ trên trời, người dưới đất. Thành thử lúc nhìn mọi người xúm lại giúp người ngoại quốc, tôi cảm thấy thật nực cười. Hai mặt kinh khủng. Vì câu chuyện đâu chỉ có như thế. Hình như khi gặp người khác màu da, đặc biệt là người da trắng, mọi người cố tỏ ra mình được được một chút để vớt vát chút thể diện nào chăng?

Lần nọ tôi đến một quán ăn Việt thuần túy. Anh chàng phục vụ sấn tới với gương mặt “ụ một cục”. Tôi không hiểu nổi mình đã làm gì để phải bị anh ta đối xử như thế. Nhưng rồi tôi phát hiện, chẳng riêng gì tôi, khách Việt nào vào quán cũng được anh ta tặng cho cái vẻ mặt đó. Tự dưng lúc hai vị khách Tây đến trước tôi sang quầy tính tiền, anh chàng đổi sắc mặt hoàn toàn. Cái nét vui vẻ của anh ta không thật lắm, núp bóng phía sau là một vẻ sợ sệt, ngại ngùng. Nhưng cho dù thế nào thì anh ta cũng đã rất cố gắng để tỏ ra thân thiện và dễ coi trước hai vị khách kia. Tại sao lại như vậy? Có cần phải phân biệt đối xử với chính người mang cùng màu da với mình thế không?

Bởi vậy khi đọc thông tin người nước ngoài được giúp đỡ gì đó trên các phương tiện truyền thông, một mặt tôi rất cảm động, mặt khác tôi luôn tự hỏi không biết nếu “người mình” gặp tình huống đó có nhận được sự xông xáo ấy hay không?

Khi lòng tốt mà cũng cần phải cân đo đong đếm, lựa người mà tốt, thậm chí quay lưng với chính giống nòi của mình thì quả thật nan giải. Bởi vậy đừng có mà la lên “Con người ngày càng trở nên vô cảm” khi chính những người sống cùng một bầu trời, hít cùng một thứ không khí, nói cùng một ngôn ngữ còn chẳng thèm giúp nhau nữa mà. Khi lòng tốt mà cũng “sính ngoại” thì còn gì là thật nữa.

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()