Chúng ta

Khán giả và chuyện bạo lực sân cỏ nhà F

Thứ ba, 7/8/2018 | 16:46 GMT+7

Bóng đá FPT không thu hút được đông đảo người hâm mộ. Và nỗ lực của những người làm bóng đá có thể sẽ chẳng đi đến đích nếu vấn nạn bạo lực và hành xử thiếu chuẩn mực trên sân cỏ không bị loại bỏ.

Bóng đá FPT lại trải qua một mùa "sóng gió" dù nó chưa kết thúc hoàn toàn. Điển hình Futsal FPT HCM 2018 vừa đưa ra án phạt chính thức đối với HLV Nguyễn Văn Trường của đội FPT IS - người đã có hành vi tấn công trọng tài điều khiển trận đấu. Hay gần nhất FPT Cup 2018 tại Hà Nội, TP Bank và FPT Telecom đã xảy ra nhiều tranh cãi. Kết quả, đội Ngân hàng bỏ trận giữa chừng khi cho rằng trọng tài bắt thiên vị đội Viễn thông... Ngay lập tức, khán giả FPT trên toàn quốc lên án những hành động xấu đi ngược với tinh thần cao thượng của thể thao. Đó là sự phản ứng kịp thời và không thể khác.

Thực ra, câu chuyện ''ăn thua'' trong bóng đá hiện khá phổ biến, kể cả những giải đấu hàng đầu. Ví dụ giải đấu Cup 13/9 miền Trung năm 2017, đã có ít nhất 4 trận các cầu thủ đòi "ăn thua" nhau hoặc biểu hiện của sự thiếu văn hóa trong câu chữ lẫn hành động không đẹp mắt... Đó là chưa kể những giải đấu ở khu vực Hà Nội, TP HCM hay các hệ thống bóng đá nội bộ nhà F.

Và dù biện minh cho lý do nào đi chăng nữa, từ Ban tổ chức, Công tác trọng tài hay Điều lệ giải chưa rõ ràng... thì việc đòi tấn công trọng tài, tấn công đồng nghiệp, đã minh họa rõ ràng cho việc đội bóng có một thứ văn hóa xấu xí về dung túng bạo lực. 

Chúng ta đều hiểu rằng, trong thế giới phẳng, không có chuyện bóng đá FPT “đóng cửa bảo nhau”, hay “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Thế là những hình ảnh bạo lực, xấu xí ấy sẽ ngay lập tức lan tới mọi ngõ ngách. Đối thủ mỉa mai, khán giả không muốn đến sân xem "đấu võ" và còn rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác sẽ xảy đến nếu chúng ta chấp nhận thỏa hiệp với thứ bóng đá phản nghệ thuật.

Cho nên, câu chuyện sân cỏ nhà F không thuộc về một đội bóng này, một địa đơn vị nọ nữa. Nó là căn bệnh của cả hệ thống, của cả một tổ chức vốn chỉ quan tâm đến việc phong trào mà quên mất việc gieo vào đầu các cầu thủ tình yêu thể thao, tôn trọng đồng đội.

Ở một góc khác. Tương tác qua lại giữa chất lượng giải đấu và số lượng khán giả đến sân giống câu chuyện tranh cãi xem quả trứng hay con gà có trước. Có thể đi hơi xa và tạm bỏ qua chất lượng từng trận đấu, ở các giải đấu lớn, để thu hút lượng khán giả đông đảo, công tác mở rộng và chăm sóc cổ động viên luôn được coi trọng. Thậm chí, ngay cả những tiểu tiết như đồ ăn, thức uống ưu đãi cũng là yếu tố khiến khán giả có thêm nhu cầu đến sân.

Quay lại FPT, các đội bóng gần đây đã chú trọng đến việc cải thiện chuyên môn và xây dựng hình ảnh, nhưng vẫn chưa coi cổ động viên là “Thượng đế”. Điển hình sự thành công của FPT Trading miền Trung (tên mới là Synnex FPT miền Trung) cũng chưa được tìm hiểu kỹ càng trước khi đúc rút thành một mô hình xuyên suốt. Ở mỗi trận đấu họ ra sân đều có một băng rôn thật to và đội trống hừng hực khí thế. Sau giờ làm, họ còn tổ chức ăn uống trước khi trận đấu bắt đầu để các cầu thủ lẫn cổ động viên có sức để ra sân... Thế nên cổ động viên lúc nào cũng chiếm số đông trên sân và tạo nên sức nóng cho giải đấu.

Thực ra bóng đá FPT thiếu vắng khán giả cũng chưa chắc đã chết. Nhưng một khi thiếu vắng khán giả thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang có một cách làm sai hoặc mắc một căn bệnh nặng. Vậy nên, đừng coi bạo lực hay hành xử thiếu văn hóa trên sân cỏ là chuyện của yếu tố tinh thần mà xem nhẹ.

Tóm lại, đội bóng cần loại bỏ ngay những thành viên mượn danh tình yêu bóng đá cho những hành động mang tính phá hoại, cũng như những kẻ phá bĩnh núp bóng cầu thủ. Một khi các đội bóng không có chung nhận thức và hành động đủ mạnh, đủ thiết thực thì đến mùa, "hoa bạo lực lại nở".

>> 'Cup 13/9 miền Trung không khoan nhượng hành động phi thể thao'

Nguyễn Tấn Việt

Ý kiến

()