Không hiểu cụ nào phát ngôn ra cái câu "hợp tình, hợp lý", đâm ra dân ta cứ có thói quen đặt cái tình lên trên cái lý và dần dần mặc định luôn cái tình chính là cái lý.
Đơn cử trộm chó, về lý thì chỉ phạt hành chính rồi thả về, cơ mà nhân dân lại thích phải xử tử và ngang nhiên thay thế pháp luật xử lý người vi phạm. Hiển nhiên là những kẻ giết người đó chả hề hấn gì, bởi họ được che chở bởi cái tình là bức xúc vì bị ăn trộm.
Học sinh đi xe máy ngược chiều, bị công an bắt, về lý phải giam xe gọi phụ huynh và thông báo nhà trường, cơ mà về tình là em ý đi thi tốt nghiệp nên công an lại thả.
Một anh say rượu bị công an bắt trong tình trạng không mang giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh là chủ hợp pháp của phương tiện. Tuy nhiên, anh cù nhầy không chịu đưa chìa khóa khiến cán bộ công quyền phải dùng vũ lực trấn áp. Nực cười hơn là sau đó dưới sức ép của dư luận công an phải xin lỗi, còn anh ta nhơn nhơn không bị bất kỳ một hình phạt nào. Trong khi xét về lý anh ta có thể phạm 3 tội: Điều khiển phương tiện không có giấy tờ; Cản trở người thi hành công vụ; Nhục mạ xúc phạm người khác. Khi cái tình được ngồi lên trên cái lý, có nhiều cách để lợi dụng dư luận gây sức ép can thiệp lên các phán quyết công minh của luật pháp.
Anh nào vi phạm pháp luật cũng đều có cái tình làm lá chắn, đâm ra việc nhơn nhơn ngồi lên luật pháp là chuyện cơm bữa. Cái này rất nguy hiểm vì một xã hội văn minh là một xã hội thượng tôn pháp luật. Mọi hành vi con người đều được điều chỉnh bởi khung luật pháp. Con khỉ coi luật pháp là miếng khố, chỉ dùng để phân biệt giữa người với khỉ và bất kỳ ai cũng có thể gí khu vệ sinh lên nó thì xã hội sẽ dần tiệm cận về nguyên thủy.
Trương Anh Tú
Ý kiến
()