Chúng ta

Học từ thảm họa động đất tại Nhật Bản

Thứ hai, 25/4/2016 | 09:46 GMT+7

Thêm một lần nữa thảm họa, thiên tai lại tiếp tục thử thách ý chí người Nhật. Nhìn từ góc độ tích cực, trận động đất gần đây và cách ứng phó của người Nhật phần nào giúp người trẻ Việt Nam và thế giới học được những đức tính tuyệt vời của giới trẻ đất nước mặt trời mọc.

Trong quá khứ, người Nhật cũng đã từng trải qua hai thảm họa khủng khiếp. Đó là trận động đất 7,9 độ richter vào ngày 1/9/1923 và thảm họa kép động đất - sóng thần vào ngày 11/3/2011. Những trận động đất, sóng thần này đã khiến nền kinh tế Nhật bị suy giảm một cách nghiêm trọng. 

Tôi có đọc được ở trên Facebook anh Hoàng Minh Châu một câu chuyện như thế này:

"Sáng ngày 11/3/2011, khi biết tin động đất sóng thần đã xảy ra, tất cả kỹ sư IT người Nhật ở Hong Kong đều xin phép mua vé máy bay về nước. Lúc đó, sân bay Tokyo bị đóng cửa. Họ phải đợi 12 tiếng để bay về Nagoya. Hệ thống giao thông bị tê liệt. Họ phải đi bộ hơn 6 tiếng để về Tokyo. Họ không về thăm gia đình. Họ đến ngay sở làm việc. Họ về nước là theo lời kêu gọi của Chính phủ Nhật: Kỹ sư IT người Nhật, trên toàn thế giới, trở về để giúp đất nước khắc phục hậu quả thiên tai.

Thiên tai đã tàn phá nước Nhật vô cùng nặng nề: Mất điện, mất thông tin liên lạc, hệ thống giao thông bị tê liệt... Nhưng với sự trở về của các chuyên gia người Nhật từ khắp thế giới, hậu quả do thiên tai để lại đã nhanh chóng được khắc phục. Thế giới đã rất ngạc nhiên khi thấy, chỉ sau hai ngày, mọi hoạt động ở Tokyo đã trở lại bình thường”.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy được tinh thần tuyệt vời của giới trẻ Nhật Bản. Họ hiểu được rằng trong lúc khó khăn nhất là lúc đất nước cần họ nhất. Và họ sẽ không bao giờ đứng ngoài cuộc.

Gần đây, các bạn trẻ Nhật Bản đã tiếp tục cho thấy tinh thần tương thân tương ái của họ tốt đến như thế nào. Sau trận động đất 7.3 đội richter tại tỉnh Kumamoto (17/4/2016), những cậu học sinh Nhật Bản sẵn sàng đứng hát bên lề đường với thùng tiền có ghi dòng chữ “Tiền ủng hộ nạn nhân động đất Kumamoto-Oita”.  Những chiếc loa, thiết bị đi kèm được xếp một cách gọn gàng để không chắn lối đi lại, không gây ảnh hưởng nhiều đến người qua đường. Nó thêm một lần nữa thể hiện tính kỷ luật cao của người Nhật.

Một người bạn của tôi có chia sẻ về những hoạt động tình nguyện mà anh ấy tham gia để ủng hộ tinh thần của người dân tỉnh Kumamoto. Một trong những hoạt động đó là hoạt động làm cơm nắm. Đội tình nguyện đã làm hàng ngàn nắm cơm kèm theo những món ăn để gửi đến người dân vùng động đất. Để thức ăn không bị hỏng, đội tình nguyện đã phải dậy từ 4h30 sáng để làm và kịp gửi cho những người bị nạn tại Kumamoto.

Người bạn Nhật đó chia sẻ rằng “Mọi người vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Chúng tôi cảm thấy buồn vì động đất xảy ra nhưng chúng tôi nghĩ họ sẽ vẫn luôn lạc quan nếu như nhận được sự giúp đỡ của chúng tôi. Họ - những người dân Kumamoto sẽ được vực dậy về cả tinh thần lẫn vật chất. Chúng tôi tin rằng người dân Kumamoto sẽ lại có thể vượt qua và trưởng thành hơn giống như cách mà chúng tôi vượt qua thảm họa kép 11/3/2011”. Đó thực sự là bài học về sự đoàn kết và lạc quan của người Nhật mà chúng ta nên học tập.

Ở một số trường dạy ngôn ngữ, văn hóa Nhật ở Việt Nam (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hay ĐH Sư Phạm), chúng ta cũng bắt gặp những nét văn hóa của người Nhật. Trước cửa thang máy có các vạch để sinh viên đứng xếp hàng hay dán các thông báo để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Tại trường, những sinh viên ngoài được đào tạo về ngôn ngữ các em còn được học những thứ liên quan đến tác phong khi làm việc với người Nhật như: Luôn xếp hàng khi mua sắm, nhận đồ, làm thủ tục; luôn đúng giờ (nếu đến trễ phải gọi điện thông báo trước); luôn giữ lời hứa; không làm việc gì ảnh hướng đến người khác…

Hy vọng việc truyền đạt những tính cách tốt của các bạn trẻ Nhật Bản sẽ được nhân rộng trong nhiều trường đại học ở Việt Nam chứ không chỉ trong những trường có liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản.

Và để cho tất cả chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi: Nếu động đất, thiên tai, thảm họa xảy ra ở Việt Nam thì cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào? Người trẻ Việt Nam sẽ đối phó với chúng ra sao? 

Hữu Biết

Ý kiến

()