Không phải là học để sao cho... sai lầm. Cụ thể hơn thì là học: tránh sai lầm, không sợ sai lầm và đối diện với sai lầm
Vậy làm sao để tránh sai lầm? Rất khó, chẳng ai tránh được sai lầm. Nhưng có thể học cách để tỷ lệ sai lầm ít đi; lường trước các tổn thất nếu sai hoặc mọi việc không như ý... hoặc giả đừng sai cái gì dẫn đến hệ quả nghiêm trọng. Khi ra một quyết định, điều quan trọng nhất là phải nghĩ xem nếu quyết định đó là sai thì tổn thất là gì?
Không sợ sai lầm? Sai lầm là điều không ai mong muốn nhưng lại không tránh khỏi. Có rất nhiều loại sai lầm: đánh giá sai tình huống; đánh giá sai con người; chủ quan không suy xét kỹ; tính toán không chính xác; nhầm lẫn.
Cũng nên biết sợ. Nhưng sợ đến mức không dám ra quyết định hoặc không dám thừa nhận; không dám đối diện với nó; tệ hơn nữa là không chấp nhận hoặc không biết là mình đã sai lầm thì đấy mới là sai lầm lớn nhất.
Đối diện sai lầm. Chẳng thú vị gì nhưng đây là điểm quyết định. Có thể lựa chọn cách lấp liếm, che giấu hoặc tự lừa mình bằng các loại lý do, lý trấu, khách quan, hoàn cảnh... Tốt thôi, nhưng có thể không giấu nổi; cả khi giấu được thì hệ quả là sai lầm sẽ lặp lại và sẽ kéo theo những sai lầm còn lớn hơn.
Hoặc phải đối diện với nó; thừa nhận nó và cố gắng học những bài học từ nó. Đấy là cách để tiến bộ. Sai lầm rất nhiều khi có ích, nếu có thể đối diện với nó.
Tôi thích câu nói của Thái Thanh Sơn: "Có sai cũng phải đàng hoàng".
Khúc Trung Kiên
Ý kiến
()