Chúng tôi đang ngồi trong quán, nhấm nháp những mẩu khoai tây vàng ruộm, ráo mỡ và không hề có một vết cháy xám nào cùng hai chai corona được chia đều cho mỗi người. Đây là buổi gặp lần đầu giữa tôi và T. sau một năm cô đi du học về.
Cô có một khuôn mặt đẹp, thanh mảnh, sống mũi cao và nhỏ, đôi mắt tinh nghịch với hàng mi cong. Cô thường vận một chiếc sơ-mi trắng, cổ vuốt phẳng và khoác bên ngoài một chiếc áo len mỏng, đi kèm với chiếc quần jeans ôm gọn ghẽ vào bên hông đầy đặn, ống côn luôn xắn lên một nấc để lộ cổ chân trắng và đôi giầy bệt màu xanh rêu của mình. Vẻ bề ngoài đó có thể gây nên sự chán nản cho những gã đàn ông thích sở hữu những cô nàng tóc dài ngoan ngoãn và mang dáng dấp tiểu thư. Vẻ đẹp đó cũng có thể gây nên vết cắt chết người trong lòng gã trai ưa chinh phục những cô gái ngang ngạnh, cá tính.
Tôi có thể nhận ra dáng dấp nhỏ bé đó của cô trong bất kỳ đám đông nào trên thế giới này. Tôi có thể nhắm mắt lại và hình dung ra T. và cảm thấy mình rộn rã. Thế nhưng hôm nay, tôi chỉ ngồi im lặng ở đó, xoay xoay chiếc nhẫn cưới trong ngón tay trái của mình. Có một xung lực kỳ lạ chạy thẳng từ ngón nhẫn đó, dọc qua cánh tay và nhói thẳng vào tim tôi. T. đang vừa nói, vừa vạch những nét thẳng dứt khoát trên cuốn Sketch book của mình mà không để ý tôi có chú ý lắng nghe hay không. T. muốn rủ tôi tham gia vào một dự án mới của cô.
Khi cô kết thúc bài thuyết trình dài gần 20 phút với những đường vẽ nhằng nhịt trong 3 trang giấy A4, tôi hiểu rằng đó là một dự án cực kỳ tham vọng và không kém phần ngây thơ.
T. muốn lập ra một website, có khả năng lan truyền và thay đổi thái độ sống của những người trẻ tuổi.
“Cậu biết không?” - tôi cố gắng lựa chọn từ ngữ cẩn thận để không làm tổn thương người đang nghe mình nói, nhưng có vẻ điều đó là thừa thãi với cô - “Chủ nhật tuần trước, tớ tham gia hội chợ 'Tôi chọn sự tử tế'. Có một thằng cu mặt non choẹt bán café trong hội chợ đã yêu cầu tớ nói: 'Cám ơn bạn!' khi nó đưa cốc nước cho tớ. Nó nói rằng người tử tế nào cũng nói câu đó và tớ sẽ được giảm 2.000 đồng nếu nói câu cảm ơn”.
“Chẳng phải nó nói đúng sao? Cậu phải cảm ơn khi một ai đó đưa một thứ gì đó cho cậu chứ?”
“Thực ra, tớ luôn nói cám ơn trong những tình huống phù hợp, với những con người phù hợp. Trong cái ngày hội 'tử tế' đó, đứng trước cu cậu lấc cấc học thuộc cái kịch bản 'anh nói cám ơn sẽ được giảm 2.000 đồng' như một con vẹt đó, tớ không muốn nói lời 'cám ơn'. Mọi chuyện là như vậy”.
“Đó là điều cậu muốn ám chỉ về dự án của tớ phải không? Một thứ gì đó giáo điều, giả dối và chẳng tác động gì đến người ta?” - T. hỏi tôi mà không buồn đếm xỉa đến câu trả lời của tôi là có hay không, đơn giản là vì những điều T. định làm, nó đã được quyết định từ trước và sẽ không thay đổi.
“Ý tớ không phải như vậy. Tớ muốn nói rằng có thể mọi người tham gia ngày hội đó sẽ cảm nhận được thông điệp 'tử tế'. Họ sẽ hào hứng nói cám ơn nhau, vỗ vào vai nhau như những người bạn. Họ có thể viết lên bức tường lưu niệm những việc làm 'tử tế' xa xỉ thường ngày trong cuộc sống: cho tiền một người ăn xin, giúp đỡ một bà cụ qua đường, nhặt một túi rác ai đó vứt bừa ra vỉa hè và bỏ vào thùng rác gần đó. Nhưng tất cả những điều đó sẽ thay đổi được gì, sau một tuần, một tháng, nửa năm, và suốt cuộc đời còn lại của họ? Những hoạt động đó như một viên sỏi ném xuống mặt nước mùa thu, nó tạo nên những vòng tròn đẹp đẽ, người ta sẽ làm thơ về nó và lưu lại thành những lời lẽ có sức lan truyền đến tận thế hệ sau. Và chỉ vậy thôi, chỉ là những câu chữ vô nghĩa, còn mặt hồ đã lặng sóng và hình ảnh đẹp đẽ đó đã chết từ thế hệ trước rồi”.
Khi nói những lời này, một thước phim tua chậm về bốn năm làm tình nguyện của tôi và những dự án mang tính cộng đồng tôi đang thực hiện cho công ty của mình. Tôi nhận ra rằng mình đã quá xúc động, giọng tôi đã run lên lúc càng về cuối câu nói.
Có lẽ tôi đã quá kỳ vọng một điều gì đó lớn lao hơn thế khi kết thúc những dự án này, nhưng nó không thể trở thành hiện thực. Và đến lượt mình, tôi quay lại tức giận với chính những cô bé, cậu bé có niềm tin ngây ngô rằng họ có thể thay đổi cả cái xã hội đã định hình này bằng một vài hành động nhỏ nhoi của họ. Những thông điệp về sự tử tế, thay đổi thái độ sống, người với người đối xử tốt với nhau đã được truyền từ thời Socrates đến bây giờ. Và rốt cục con người ta đã thay đổi thế nào?
Không gì cả.
Một không gian im lặng bao trùm giữa quán café ồn ào. Thật kỳ lạ, người bị tổn thương ở đây là tôi, chứ không phải cô. T. không nói gì cả, chỉ lặng lẽ cầm chai bia và uống một hớp nhỏ từ nó, cô hơi nhăn mặt vì vị của nó chẳng còn thơm ngon khi bị để nguội. Dường như cô đoán trước được phản ứng đó từ tôi, cô đơn giản chỉ là người đẩy câu chuyện đi đến cái kết mà cô đã định ra từ trước:
“Đó là điều mà tôi đã kỳ vọng ở cậu, H. ạ. Tớ muốn tìm những copywriter thật-sự-muốn-làm-điều-gì-đó để tham gia vào dự án của mình. Thú thật, tớ nhận được hàng mớ liên lạc từ những tay viết dạo nửa mùa. Câu chuyện của họ là: 'Em muốn anh viết về đề tài gì? Anh có thể viết nó thật hoàn hảo. Anh có thể dìm một người xuống nấc thấp nhất của nấc thang đo lường giá trị con người (nếu thực sự có hệ thống đo lường đó) trong một bài viết. Và sau đó anh có thể nâng họ đến nấc cao nhất chưa từng có trong hệ thống bằng một bài viết ngay sau đó. Khán giả sẽ luôn chạy theo sau những điều anh viết”.
Nhưng đó không phải là điều tớ cần. Tớ thực sự muốn làm một điều gì có ích. Tớ chẳng cần những độc giả phải nghe theo những điều tớ viết. Đó đơn thuần là sự lựa chọn. Họ có thể lựa chọn đọc những thông tin về Quân kul sịp vàng, Kenny Sang, bà Tưng… hoặc họ đọc những bài viết về lifestyle, du lịch, sách, âm nhạc trong website của tớ. Nó là một thứ phi lợi nhuận, không làm bộ làm tịch, bóng bẩy, kiểu cách và không cần phải quảng bá hay đạt số lượng view nhất định. Nó sẽ không bán quảng cáo và không viết bài PR cho một nhãn hàng nào cả. Những copywriter sẽ không nhận một đồng nhuận bút nào khi viết cho nó. Và nó sẽ tự sập nếu đến một ngày nó không còn cần thiết cho xã hội này nữa. Dù chẳng copywriter nào tham gia, tớ vẫn cứ thực hiện nó một mình, bình thường như việc tớ hít thở hằng ngày thôi. Nếu có ai đó tham gia cùng, chỉ đơn giản là họ muốn chia sẻ chung bầu khí quyển đó với tớ”.
T. nhìn thẳng vào mắt tôi như một điều xác tín. Người ta chỉ nói như vậy khi họ nghĩ rằng đó là điều-chân-lý-phải-làm, không có cái tôi nào trong đó cả, không một chút do dự, vòng vèo hay bào chữa. Trong khoảnh khắc đó, tôi biết rằng T. biết rằng tôi biết. Rốt cục, cô chỉ hỏi tôi một điều:
“Vậy câu trả lời của cậu là có tham gia hay không?”.
Tôi ngồi một mình trước trang word trắng, định bụng rằng sẽ viết những dòng chân thực nhất khi bên trong của mình đã sẵn sàng. Thế nhưng, sau hơn hai năm viết những thứ nửa vời, rác rưởi và sặc mùi thị trường, tôi không thể viết nổi một dòng nào cho chính mình. Việc duy nhất tôi có thể làm là đốt thuốc và nghĩ về cuộc nói chuyện chiều nay.
Tôi nghĩ về một câu chuyện mà T. đã kể cho tôi nghe trước khi cô đi du học, về một dự án cải tạo đất bạc màu ở một làng quê Nhật Bản. Họ đã mất ba thế hệ, để có thể trồng được những dây đậu xanh và củ cải trắng múp. Tôi nghĩ về một dự án phi chính phủ về đầu tư công xây trường, chợ, bể nước và nhà vệ sinh mà mình đã từng biết đến. Hai mươi năm, dự án đó gần hết vốn và mới chỉ thay đổi một phần rất nhỏ chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh đó. Sau khi tổ chức NGO đó rời đi, các lãnh đạo tỉnh lại quay về cách vận hành dự án như cũ vì nó mang lại lợi ích nhóm cho họ. Hai mươi năm, và báo cáo của nó chỉ có thể đúc kết bằng ba từ chân thực nhất: “Muối đổ bể”.
Thế nhưng, có lẽ chúng ta vẫn ngồi dậy và làm một điều gì đó.
Tôi nghĩ tới như những con bướm nhỏ nhoi ở Brazil. Trong đêm đen, chúng đang đập cánh.
Vũ Hiệp
Ý kiến
()