Phiêu diêu trong tiếng nhạc ồn ã cùng những cánh tay phấp phới hướng lên cao, dường như tiếng trống thình thịch chưa đủ để làm không gian sôi động nổ tung. Hôm nay là ngày độc thân cuối cùng của thằng bạn tôi, ngày mai nó sẽ là chú rể. Chúng tôi dự định sẽ hát hò, nhảy múa đến tận đêm khuya và sẽ dừng lại khi tất cả đều cảm thấy mệt hoặc không còn đủ sức để hát thêm nữa.
Cuộc vui sẽ trọn vẹn nếu như không có cuộc gọi lúc 23h05 của bố. Dù rất muốn tiếp tục nhưng tôi buộc phải ra về với tâm trạng tiếc nuối và khó xử khi nhìn vào ánh mắt giận dỗi đầy níu kéo của thằng bạn thân. Tôi hớt hải đi về và mong đợi một sự thông cảm ở nó… Đành vậy thôi! Hy vọng sẽ không có một "trận lôi đình" xảy ra.
Khách quan mà nói thì tôi sẽ là một cô gái "hư" nếu như bố không phải là bố của tôi. Hoặc kiếp này là một ông bố khác hiền lành hơn, tâm lý và chiều chuộng tôi hơn. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó cả và tôi cũng chẳng muốn thế. Bởi vì tôi yêu cái vẻ nghiêm khắc đầy lo lắng của bố mỗi khi nhắc nhở tôi một điều gì đó. Tôi sợ nhưng rất ghi nhớ nét mặt giận dữ đầy cau có, hằn một vài nếp nhăn trên trán khi ông buồn lòng với những sai lầm của tôi. Khi còn nhỏ tôi chưa nhận ra được điều này cho đến khi sống xa gia đình, tôi mới cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của một người cha luôn hết lòng vì con.
Trong gia đình, bố tôi là một người "kiểu mẫu" và khá gia trưởng, ông là người duy nhất có quyền tự quyết mọi việc lớn trong nhà. Những việc nhỏ hơn đều phải qua sự ‘‘kiểm duyệt’’ của ông. Chính điều này khiến mẹ tôi hay ấm ức. Đôi khi, bà lôi những lý do và câu chuyện không liên quan cho lắm để bắt nạt ông. Những lúc như vậy ông luôn là người nhường nhịn, làm hòa và giải thích một cách nhẹ nhàng. Khi ấy tôi mới nhận ra: "Bố mình cũng tinh tế đấy chứ!"
Trong công việc, bố tôi cực kỳ kỹ tính, cẩn thận từng chi tiết vì ông là thợ cơ khí, một nhà kinh doanh đam mê kỹ thuật. Ông có thể làm việc miệt mài, quên cả giờ giấc, quên luôn cả bữa ăn. Khi tiến hành một việc gì đó, ông luôn đặt ra các bước thực hiện và dự báo rủi ro, đồng thời chuẩn bị các phương án dự phòng. Với đối tác làm ăn, ông luôn trọng chữ tín, không nói hai lời.
Từ bé đến lớn, tôi và các em được bố dạy bảo rất nhiều điều. Nhưng với tính cách ngang bướng của mình, tôi thường phản ứng ngược lại và nhiều lần bố tôi đã tức điên lên, vì không kiềm chế được nóng nảy ông đã cho tôi những trận đòn đau. Lúc đó, dù mẹ tôi có dỗ dành, giải thích bao nhiêu chăng nữa, tôi vẫn ghét ông và giữ khoảng cách với ông.
Rồi cũng đến ngày tôi học đại học xa nhà. Khi trở về thấy bố tôi làm việc vất vả hơn, công việc nhiều đến mức chóng mặt. Tôi không nhớ bữa tối hôm ấy tôi và mọi người đã nói gì, chỉ nhớ duy nhất câu nói của bố: "Các con nên nhớ bố mẹ làm tất cả mọi thứ đều vì các con, bố mẹ không ngại vất vả để các con có điều kiện tốt nhất, đừng khiến bố và mẹ con phải thất vọng". Lúc đó, tôi không nói gì, chỉ cắm cúi ăn rồi đi lên phòng nghe nhạc nhưng tôi cũng có chút suy nghĩ về câu nói ấy. Sau này, tôi gặp gỡ các chàng trai và cũng có cảm tình với một số người. Dù bản tính tôi không thích sự so sánh, nhưng tôi có khuynh hướng lấy bố tôi là hình mẫu để chọn người bạn trai phù hợp với mình.
Mỗi khi về nhà, tôi thấy bố nằm trên chiếc ghế dài ở phòng khách, vắt tay lên trán suy tư. Dù rất muốn hỏi xem bố đang nghĩ gì nhưng tôi không muốn hỏi. Tôi đem sự tò mò này hỏi mẹ. Mẹ tôi nói rằng: "Bố con đang nghĩ về tương lai của các con, nghĩ về công việc làm ăn của gia đình mình, rồi việc họ hàng 2 bên nội ngoại. Chắc bố con đang tính toán xem khi nào thì bố mẹ có cháu bế. Con cũng sắp đến tuổi lấy chồng rồi nên chọn cho mình một người thật tốt để yêu. Hãy yêu người đàn ông như bố con, con nhé!’’
Đỗ Vân
Ý kiến
()Hãy là người đầu tiên
bình luận