Hôm nay, được nghỉ học, tôi đứng ngắm khu phố mình đang sống từ cửa sổ suốt buổi chiều tà. Phía căn nhà đối diện, ánh đèn bật sáng, mấy đứa nhỏ đá bóng trước sân; trong gian bếp, một bà mẹ đang nấu ăn tối cho gia đình. Khung cảnh bình yên khiến tôi lại nhớ nhà. Tôi nhớ mẹ!
Tôi nhớ về câu chuyện đã khiến mình day dứt rất nhiều những ngày qua. Cách đây hơn một tháng, vào đêm trước ngày lễ, khi tôi đang vội vàng thay quần áo, xuống bếp ăn tạm gì đó để chuẩn bị xuống phố thì thấy gia đình chị Mary (chị chủ nhà nơi tôi ở) gồm bốn mẹ con đang ngồi quây quần ở bàn ăn. Chị mời tôi ngồi ăn cùng. Hôm đó, tôi biết chị Mary rất mệt vì phải dọn dẹp đồ đạc, giặt giũ chăn mền, hoàn tất trang trí nhà cửa, gói quà, nhưng chị vẫn tự tay nấu ăn cho các con của mình. Tôi cũng góp mấy món ăn của mình cho vui. Thú thật, dù chị Mary nấu ăn ổn hơn rất nhiều người Anh khác nhưng vẫn không hợp khẩu vị của tôi cho lắm.
Hôm ấy, chị nấu cơm xào với cá (gọi là xào vì chị đổ khá nhiều nước để cơm sền sệt như cháo đặc), mùi khá tanh; con chem chép luộc với sữa, do là đồ đông lạnh rã ra nên mùi cũng khó chịu. Tôi vẫn ăn nhiệt tình hết 5 con chem chép và đĩa cơm nhỏ. Tôi để ý thấy Kamilla, cô con gái 21 tuổi, đang học ở London, vừa về nhà, cũng ăn rất ít. Chẳng biết do món ăn không ngon hay do cô bé mệt, nhưng khi buông nĩa xuống, cô bé mỉm cười, nhìn chị Mary và nói: Mom, the food is so good! I love it! Thank you, mom! (Mẹ à, đồ ăn ngon quá! Con rất thích! Cảm ơn mẹ!).
Nghe xong câu nói của Kamilla, tôi giật mình nhận ra: Tôi chưa bao giờ nói lời cảm ơn mẹ của mình dù mẹ đã nấu cho tôi cả hàng chục nghìn bữa ăn trong suốt 30 năm qua! Tối đó, bước lên phòng, sự hối hận và cả sự xấu hổ tràn ngập trong tim tôi. Những bữa ăn mà mẹ mình, một phụ nữ một đời toàn tâm toàn ý cho gia đình và hy sinh bản thân để quay về góc bếp, làm hậu phương cho chồng, chưa bao giờ được trân trọng một cách xứng đáng. Biết bao lần, các chị em tôi đã phàn nàn khi mẹ nấu không hợp khẩu vị trong khi mỗi bữa cơm, mẹ đều bỏ vào đó tất cả sự nỗ lực, chăm chút và yêu thương.
Đến giờ phút này, khi đã lấy chồng, mỗi khi về nhà, tôi vẫn được mẹ hỏi mỗi sáng: Hôm nay con muốn ăn gì? Mẹ biết ở thành phố, tôi quá bận nên thường nấu những món ít tốn thời gian hoặc chế biến qua loa, chứ không kỳ công, tỉ mỉ như mẹ nấu nên mỗi khi về, mẹ lại bỏ ra cả ngày để "đạo diễn" các món ăn cho tôi. Nghĩ đến điều đó, nước mắt mình không ngừng rơi; ngay cả khi đang gõ những dòng chữ này!
Ai đó sẽ nói rằng, văn hoá phương Tây đề cao sự việc bày tỏ tình cảm bằng lời nói, hành động nên việc nói lời cảm ơn với mẹ của Kamilla là bình thường; còn văn hoá phương Đông, tình cảm thường giấu vào trong, nói lời cảm ơn với người thân yêu của mình như thế lại thành ra khách sáo! Tôi không biết điều đó có đúng không nhưng tôi biết chắc một điều, khi chúng ta ăn xong bữa cơm và nói: "Mẹ nấu cơm ngon quá! Cảm ơn mẹ!", hẳn bậc sinh thành sẽ rất vui!
Tôi đã tự hứa với lòng mình: Từ giờ trở đi, khi bố mẹ hay người thân làm những điều nhỏ nhất cho mình, tôi cũng sẽ nói lời cảm ơn!
Thu Huyền
Ý kiến
()